Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta, ông Ahmad Ibrahim Almutaqqi, Giám đốc Chương trình nghiên cứu ASEAN thuộc Trung tâm Habibie (Indonesia) cho rằng trong bối cảnh ngày càng có nhiều thắc mắc về tính chính đáng của chủ nghĩa đa phương, sự kiện này là dịp để ASEAN và các quốc gia thành viên thể hiện tầm quan trọng của mình trong việc ứng phó và định hình sự phát triển ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ông Ibrahim nhấn mạnh Hội nghị cấp cao lần này không chỉ nhằm ứng phó với dịch COVID-19 vốn đang tiếp tục đe dọa sức khỏe toàn cầu, mà còn nhằm tìm giải pháp phục hồi sau dịch bệnh. Đây cũng là cơ hội quan trọng để ASEAN, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam trong năm giữ cương vị Chủ tịch luân phiên, tiếp tục vươn lên.
Bên cạnh đó, các mối quan ngại về an ninh tiếp tục phủ bóng lên khu vực. Ngoài vấn đề Biển Đông, khu vực cũng vừa chứng kiến những căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên cũng như giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực biên giới tranh chấp, do vậy Hội nghị cấp cao sắp tới cũng sẽ là dịp để các nhà lãnh đạo ASEAN kêu gọi tất cả các bên lùi bước, giảm căng thẳng và tập trung sức cho các vấn đề cấp bách hơn như dịch COVID-19.
Cụ thể, trong vấn đề Biển Đông, một loạt cuộc họp nhằm thảo luận về lần đọc thứ hai của dự thảo Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) dự kiến diễn ra trong năm nay đã bị hoãn hoặc hủy bỏ do dịch COVID-19. Mới đây, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết các cuộc đàm phán về COC không thể được tổ chức trực tuyến và do vậy các bên không đạt được bất kỳ tiến triển nào. Ông Ibrahim cho rằng đây là điều đáng tiếc, song cũng là điều dễ hiểu bởi các cuộc đàm phán hết sức phức tạp này cần có các cuộc gặp và tiếp xúc trực tiếp giữa các bên liên quan.
Đánh giá về vai trò của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN, nhà nghiên cứu này cho rằng ở một mức độ nào đó, COVID-19 đã làm gián đoạn các hoạt động của tổ chức này. Nhiều cuộc họp đã bị trì hoãn, trong khi một số cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến vốn không hiệu quả và chất lượng bằng các cuộc họp trực tiếp. Tuy nhiên, bất chấp các khó khăn trên, Việt Nam đã làm tốt công việc của mình, tiếp tục dẫn dắt ASEAN và “cố gắng giữ cho các bánh xe của ASEAN tiếp tục lăn” trong năm khó khăn này, trong đó có việc tổ chức các hội nghị cấp cao. Mặt khác, Việt Nam cũng cho thấy khả năng duy trì sản xuất bất chấp dịch bệnh và tiếp tục đứng vững trong vấn đề Biển Đông.
Cuối cùng, Giám đốc Chương trình nghiên cứu ASEAN của Trung tâm Habibie cho rằng điều mà ASEAN cũng như các nước thành viên cần tập trung trong 6 tháng tới là làm thế nào để mở cửa trở lại nền kinh tế một cách an toàn, ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai, giải quyết các hậu quả lâu dài của dịch bệnh và đảm bảo rằng một số vấn đề không leo thang đến mức gây phân tâm cho ASEAN, qua đó tạo các nền tảng vững chắc cho năm 2021.