Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chọn thời điểm tròn 100 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất để đăng cai tổ chức Diễn đàn Hòa bình Paris lần thứ nhất. Việc làm sống lại hồi ức về một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất trên thế giới là cách để nêu bật và khiến cộng đồng quốc tế lưu ý hơn tới những thách thức mà thế giới hiện đại đang phải đương đầu.
Tổng thống Macron một lần nữa cảnh báo thế giới hiện đang bị suy yếu bởi sự trở lại của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, phân biệt chủng tộc, tư tưởng cực đoan,... những điều mà ông gọi là “những bóng ma xưa". Điều đáng lo ngại là những bi kịch trong quá khứ đang có nguy cơ trỗi dậy "sẵn sàng thực thi các mục tiêu chết chóc, gây hỗn loạn", phá hỏng di sản hòa bình mà thế giới từng phải trả bằng xương máu của các thế hệ tiền bối mới giành được.
Bên cạnh "những bóng ma" gây bất ổn như thời điểm trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, thế giới ngày nay chịu nhiều yếu tố tiêu cực mới nổi lên như khủng bố Hồi giáo cực đoan, chiến tranh mạng, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu... Những mầm mống gây chiến tranh đang mang hình thái mới, với những điểm nóng xung đột mới, trở thành thách thức toàn cầu.
Ngay tại châu Âu, nơi bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ nhất, những tư tưởng dân túy cực đoan, bài ngoại, phát xít mới đang làm đảo lộn mọi giá trị và gây chia rẽ sâu sắc trong mỗi quốc gia và trên toàn Liên minh châu Âu (EU). Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk mới đây đã chỉ trích "các lực lượng châu Âu tập trung nhiều hơn vào xung đột hơn là hợp tác, vào tan rã hơn là hội nhập".
Tại Diễn đàn Hòa bình Paris, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng bày tỏ sự lo lắng khi phải đối mặt một lần nữa với chủ nghĩa dân tộc mù quáng, sẵn sàng rũ bỏ những cam kết cùng có lợi và đe dọa Dự án hòa bình châu Âu ra đời sau năm 1945. Nghiêm trọng hơn, sự chia rẽ các địa bàn chiến lược đã kìm hãm chủ nghĩa đa phương, khiến các các cường quốc không thể phối hợp với nhau để đối phó với những thách thức toàn cầu, mà trên thực tế, nhiều nước như Pháp, Đức... dường như bị mất vai trò đòn bẩy trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng lớn trên thế giới.
Cùng với chia rẽ và bất ổn, thế giới cũng đang phải chứng kiến điều mà nhiều nhà lãnh đạo các nước gọi là "sự lộng hành của chủ nghĩa đơn phương". Trong thế giới đa cực hiện nay, sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa đơn phương được xem là những yếu tố dẫn đến chiến tranh và bất hạnh.
Trong khi đó, ngày càng nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi về hiệu quả của mô hình đa phương và khả năng bảo vệ họ khỏi những tác động bất ổn của quá trình toàn cầu hóa. Vai trò của Liên hợp quốc như là trung tâm của hệ thống quản trị toàn cầu, với mục đích duy trì hòa bình và an ninh thế giới, cũng vì thế mà lung lay. Thậm chí, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres còn cho rằng dường như đang xuất hiện một yếu tố địa chính trị "vô hình" nhưng đáng lo ngại vì tương tự như yếu tố đã dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Trong bối cảnh đó, hòa bình trên thế giới luôn trong tình trạng "bị đe dọa". Xung đột và đối đầu giữa các cường quốc, thậm chí giữa các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, sự hỗn loạn ở Trung Đông đi kèm với cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Iran và Saudi Arabia, các cuộc xung đột sắc tộc ở nhiều nơi… có thể gây bùng nổ hiệu ứng đô-mi-nô. Hòa bình ngày càng trở nên mong manh trên tất cả các lục địa. Các cuộc chiến tranh khu vực vẫn xảy ra, như cuộc chiến ở Yemen với 222 vụ xung đột vũ trang trong năm 2017, đang gây ra tình trạng khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất và đẩy 65 triệu người phải tị nạn.
Diễn đàn Hòa bình Paris là nơi để đề xuất các giải pháp quản trị toàn cầu nhằm kết nối các lãnh đạo quốc gia với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, hiệp hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp…, cùng nhau hành động tập thể đối mặt với các thách thức hiện nay. Điểm nổi bật của Diễn đàn Paris lần này, là tiếng nói chung đề cao những giá trị của hợp tác quốc tế và đa phương, coi đây như giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn chiến tranh và khủng hoảng toàn cầu.
Như Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh, cơ chế đa phương trong hợp tác quốc tế không chỉ là một hy vọng cho thế giới, mà là điều vô cùng cần thiết, ví như khí ôxi vậy. Những tín hiệu tích cực cũng phát đi từ Diễn đàn Hòa bình Paris, đó là việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moskva sẵn sàng đối thoại toàn diện với Washington về Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), vốn bị Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa "xé bỏ".
Việc tập hợp được nhiều lãnh đạo thế giới tham gia Diễn đàn Hòa bình lần thứ nhất là một thành công của Tổng thống Macron. Nhưng sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều để biến những ý tưởng và sáng kiến thành sự tiến bộ cụ thể, nhất là vào thời điểm hiện nay khi các nước chưa thể xây dựng lòng tin đối với nhau. Thông điệp đối thoại và hợp tác hướng tới hòa bình đã vang lên ở diễn đàn, song điều quan trọng sẽ là hành động thực tế của từng bên, từ lãnh đạo quốc gia đến các tổ chức, cộng đồng và cá nhân.