Lần gần đây nhất nhóm kết nạp thêm thành viên là năm 2010 khi Nam Phi được cấp tư cách thành viên đầy đủ, cộng thêm một chữ S (viết tắt tên của Nam Phi trong tiếng Anh) vào nhóm BRIC của 4 thành viên trước đó là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc để trở thành BRICS ngày nay.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới trì trệ và những thách thức nghiêm trọng khác, hội nghị thượng đỉnh BRICS trực tiếp đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 tấn công toàn cầu năm 2020 đã nâng cao tình đoàn kết và hợp tác của các nước BRICS và các nước trong khối Nam bán cầu. Việc mở rộng thành viên lần này, vì vậy, được đánh giá sẽ tạo sức sống mới cho cơ chế hợp tác BRICS, tăng cường hơn nữa lực lượng vì hòa bình và phát triển thế giới. Đồng thời, sức mạnh kinh tế và tầm quan trọng toàn cầu của các thành viên BRICS trong các vấn đề thương mại, cũng sẽ tăng lên đáng kể khi số lượng thành viên từ 5 trở thành 11.
BRICS được đánh giá là lực lượng tích cực và ổn định, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng trật tự thế giới công bằng và bình đẳng bởi nhóm có đại diện từ khắp các châu lục. BRICS hiện chiếm 42% dân số thế giới và 1/4 GDP toàn cầu. Với việc kết nạp thêm thành viên, nhóm được dự báo sẽ chiếm 46,5% dân số thế giới và khoảng 30% GDP toàn cầu. Một điều đáng lưu ý nữa là trong số thành viên mới sẽ bao gồm ba nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới là Saudi Arabia, UAE và Iran cùng với các nền kinh tế đang phát triển ở châu Phi và Mỹ Latinh là Ai Cập, Ethiopia và Argentina.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã nhấn mạnh: “BRICS tượng trưng cho sự đoàn kết và tiến bộ. BRICS tượng trưng cho một trật tự bình đẳng, công bằng hơn. BRICS là viết tắt của sự phát triển bền vững”. Có thể thấy rõ trong quá trình hình thành và phát triển trong hơn 1 thập kỷ rưỡi qua, nhóm luôn thể hiện sự nhất quán về những giá trị và nguyện vọng này.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 kết thúc tại Nam Phi, đưa nhóm từ BRICS 5 thành BRICS 11 được đánh giá là thành công lớn. Điều này cũng chứng tỏ sự sống động và hấp dẫn của cơ chế BRICS cũng như vai trò lớn hơn của cơ chế này trong việc thúc đẩy phát triển, bảo vệ chủ nghĩa đa phương và cải thiện quản trị toàn cầu. Đề cao tinh thần cởi mở, toàn diện và hợp tác cùng có lợi, cơ chế BRICS thể hiện nền tảng hợp tác quan trọng cho các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết việc mở rộng BRICS sẽ tạo động lực mới cho cơ chế hợp tác của nhóm, trong khi Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva khẳng định BRICS chào đón thêm nhiều thành viên mới dựa trên tầm quan trọng địa chính trị của quốc gia chứ không dựa trên hệ tư tưởng của chính phủ lãnh đạo quốc gia đó. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh: "BRICS không cạnh tranh hay đối đầu bất kỳ ai".
Về phần mình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bày tỏ tin tưởng BRICS và tất cả các quốc gia thân thiện tham dự cuộc họp lần này tại Nam Phi có thể góp phần củng cố thế giới đa cực.
Thế giới đang tiến vào một thời kỳ hỗn loạn và biến đổi mới, với những chuyển biến lớn, chia rẽ và tập hợp lại. Bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 chưa từng có, làm thay đổi nhiều trật tự thế giới và những bất ổn mới, các nước đang phát triển thậm chí còn phải đối mặt với những thách thức ghê gớm hơn trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững năm 2030 của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, thế giới cũng phải chứng kiến những đối đầu và xung đột ngày càng gia tăng trong những năm gần đây.
Với môi trường quốc tế ngày càng phức tạp như vậy, việc nhóm BRICS mở rộng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng chung, bảo vệ chủ nghĩa đa phương và đóng góp vào việc quản trị toàn cầu công bằng và bình đẳng hơn cũng như một thế giới đa cực. Ông Priyal Singh, chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu An ninh (ISS, Nam Phi) cho rằng BRICS mở rộng theo một cách nào đó sẽ góp phần tạo ra ảnh hưởng và đòn bẩy lớn hơn cho nhóm này. Điều quan trọng là các nước cùng nỗ lực. tận tâm và phối hợp hơn nữa để chỉ đạo và điều phối sự tham gia tập thể đó.
Kể từ khi thành lập cách đây 17 năm, hợp tác BRICS không ngừng được củng cố và mở rộng. Với việc chính thức công bố kết nạp thêm thành viên mới tại hội nghị thượng đỉnh lần này, BRICS đang chứng tỏ đây là mô hình đầy cảm hứng về sự hài hòa trong đa dạng, là điển hình cho cách các quốc gia có lợi ích và văn hóa khác nhau có thể hình thành một tổng thể gắn kết với mong muốn chung về khả năng phục hồi, phát triển chung và đại diện rộng rãi hơn.
Với những kết quả đạt được từ hội nghị, có thể thấy, các nhà lãnh đạo BRICS đang muốn đưa ra thông điệp: đã đến lúc các quốc gia thuộc khối Nam bán cầu, những quốc gia đôi khi có thể bị bỏ qua trên thế giới, có được tiếng nói của mình trong các vấn đề toàn cầu. Và Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 này là nơi hoàn hảo để bắt đầu.