Chiến thắng bất ngờ của đảng cánh tả Syriza trong cuộc tổng tuyển cử Hy Lạp diễn ra ngày 25/1 đã càng làm khăng khít thêm mối quan hệ của quốc gia này với nước Nga.
Lãnh đạo đảng Syriza Alexis Tsipras sau khi kết quả tổng tuyển cử được công bố. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Theo kết quả bỏ phiếu, đảng cánh tả theo đường lối cấp tiến giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở Hy Lạp diễn ra ngày 25/1. Chiến thắng của Syriza có thể tác động đến tiến trình thực thi chính sách khắc khổ ở châu Âu.
Với cam kết vẫn ở lại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), chính quyền Hy Lạp mới do Đảng Syriza lãnh đạo đã bày tỏ thái độ phản đối những lệnh trừng phạt Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lên Nga vì việc sáp nhập Crimea và chiến sự đang xảy ra tại miền Đông Ukraine. Mối quan hệ mật thiết giữa đảng Syriza với Nga có thể giúp Moskva nối lại mối quan hệ đồng minh với khối EU. Song có nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ khả năng kết nối của Hy Lạp. “Tôi sợ rằng Hy Lạp chưa có đủ lực để ngăn chặn chính sách trừng phạt Nga. Quốc gia này sẽ không muốn mạo hiểm tạo mâu thuẫn với EU vì các lệnh trừng phạt. Nhưng cũng không có gì ngạc nhiên nếu chính quyền mới nước này trở nên thân thiết với Nga hơn để tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền của ông Putin” - Dimitris Papadimitriou, giáo sư phân tích chính trị tại trường Đại học Manchester nhận định.
Ngày 26/1, thủ lĩnh đảng Syriza theo đường lối cánh tả, ông Alexis Tsipras đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp. Ông Tsipras đã thiết lập liên lạc với Nga từ trước khi diễn ra cuộc bầu cử. Giống như mọi lãnh đạo khác của các đảng chính trị châu Âu, ông Tsipras được Điện Kremlin đối đãi như một vị khách quý. Tháng 5/2014, ông đã gặp các nhà lãnh đạo Nga tại Moskva, trong đó có bà Valentina Matviyenko – Chủ tịch Thượng viện Nga, từng là Đại sứ Nga tại Hy Lạp vào cuối những năm 1990.
Theo truyền thông Hy Lạp, ông Tsipras đã nhân chuyến viếng thăm để lên án lệnh trừng phạt châu Âu đối với Nga cũng như bày tỏ ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập tại miền Đông Ukraine. Dẫn lời các nhà chức trách của đảng Syriza, việc phản đối của Hy Lạp về các lệnh trừng phạt Nga một phần bắt nguồn từ những tổn thất mà quốc gia này phải chịu khi Nga cấm nhập khẩu và tiêu dùng các sản phẩm lương thực thực phẩm của các nước thuộc EU. Ông Kostas Isihos – người phụ trách chính sách ngoại giao của đảng cho rằng nông dân Hy Lạp đã bị thiệt hại 430 triệu euro vì các lệnh trừng phạt.
Sau chiến thắng của đảng Syriza, Tổng thống Nga Putin đã chúc mừng ông Tsipras và vui mừng bày tỏ “Nga và Hy Lạp sẽ tiếp tục mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai quốc gia, hợp tác song phương trong mọi lĩnh vực và cùng nhau giải quyết các vấn đề châu Âu và toàn cầu hiện nay”. Tuy nhiên hiện tại thì vấn đề hợp tác giữa hai nước có lẽ chưa được triển khai ngay vì cả Athens và Moskva đều đang phải chống đỡ với khủng hoảng tài chính. Trong khi ông Tsipras vất vả để đàm phán lại khoản nợ 240 tỷ euro của bộ ba chủ nợ quốc tế gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và EU thì Nga lại phải đối mặt với tình trạng lạm phát 2 chữ số, giá dầu giảm và đồng ruble trượt giá.
Việc kết thân của Nga và Hy Lạp là một trong số rất nhiều mối quan hệ khăng khít giữa Nga với các đảng chính trị cánh tả và cánh hữu châu Âu. Theo số liệu của Viện nghiên cứu chính trị có trụ sở tại Budapest, các đảng chính trị cánh tả tại 15 trong tổng số 21 nước cộng hòa thuộc EU đã lên tiếng bày tỏ thái độ cảm thông với Nga. “Hệ thống châu Âu đang phải chịu áp lực đến từ cả hai bên”. Lãnh đạo Đảng mặt trận Quốc gia Pháp Le Pen trả lời phỏng vấn cho biết chiến thắng của Syriza là “một đòn đau mà dân Hy Lạp giáng xuống EU”.
Hồng Hạnh (theo The Moscow Tímes)