Chính quyền Athens đã trấn an các chủ nợ về cam kết trả các khoản vay vào cuối tuần này, thế nhưng họ vẫn tiếp tục làm cho liên minh châu Âu phải lo ngại về mặt dài hạn khi công khai ý định “xoay trục” sang Nga, Trung Quốc. Tại cuộc gặp với Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde tại Washington hôm 5/4, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis tuyên bố Athen sẽ đáp ứng tất cả các nghĩa vụ đối với các chủ nợ. Dự kiến, vào ngày 9/4 tới, Hy Lạp sẽ phải trả cho IMF khoản tiền 450 triệu euro, giữa lúc xuất hiện lo ngại rằng ngân khố quốc gia nước này sẽ trống rỗng vào thời điểm đó.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde (trái) và Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis tại cuộc gặp hôm 5/4 tại Washington. Ảnh: AP |
Hồi tuần trước, Bộ trưởng Nội vụ Nikos Voutsis cảnh báo, nếu phải lựa chọn giữa việc trả tiền cho IMF và chi trả lương hưu cho người lao động, Athens sẽ lựa chọn cách thứ 2. Tuyên bố này làm dấy lên những đồn đoán về khả năng sụp đổ của Hy Lạp, đi liền với đó là các biện pháp mạnh tay như kiểm soát dòng vốn, quốc hữu hóa các ngân hàng và tuyên bố hoãn trả nợ.
Thế nhưng, ông Varoufakis ngay lập tức đã gạt bỏ những nghi ngại này, đồng thời cho biết Athens hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận về gói hỗ trợ tài chính với các đối tác trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vào ngày 24/4 tới, với điểm mấu chốt là các chủ nợ cho kéo dài thời hạn thực hiện khoản vay trị giá 240 tỉ USD, kèm theo điều kiện Hy Lạp đệ trình được một bản danh sách về các chương trình cải cách chấp nhận được. Tài liệu này đã được chuyển tới bộ ba chủ nợ là Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF và sẽ được thứ trưởng tài chính các nước Eurozone xem xét trong tuần này. Nếu được chấp nhận, Athens sẽ nhận được khoản giải ngân trị giá 7,2 tỉ euro. Gói cải cách này được cho là sẽ bao gồm các biện pháp như chống gian lận thuế, tư nhân hóa các tài sản nhà nước, các điều khoản về lao động…
Trong khi tỏ rõ quyết tâm tìm kiếm một giải pháp trong cuộc “đối đầu” với Liên minh châu Âu (EU), Hy Lạp lại công khai ý định tăng cường quan hệ với Nga và Trung Quốc. Ngày mai (8/4), Thủ tướng Alexis Tsipras sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva. Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ có cuộc trao đổi về quan hệ giữa Nga với EU, hợp tác song phương trong các lĩnh vực du lịch, năng lượng, đầu tư-thương mại.
Thủ tướng Tsipras sẽ tìm cách thuyết phục Moskva loại Hy Lạp khỏi danh sách các nước EU bị xuất khẩu các sản phẩm nông sản sang Nga. Tờ nhật báo Kommerant (Nga) ngày 6/4 đưa tin, Moskva cũng sẽ tính đến việc giảm giá khí đốt cho Hy Lạp. Giới phân tích nhìn nhận, cấm vận và giá khí đốt cũng là hai “vũ khí” chính của Nga đẩy EU tới chỗ không thống nhất. Cùng lúc, Athen cũng để xuất bản kế hoạch hợp tác thời hạn 3 năm với Trung Quốc, liên quan đến cảng biển, công nghiệp sửa chữa, đóng tàu; tín dụng, cung cấp chuỗi nông nghiệp - tờ Kathimerini (Hy Lạp) đưa tin.
Trả lời phỏng vấn báo chíí, Bộ trưởng Varoufakis đã bảo vệ quan điểm “xoay trục” sang Nga và Trung Quốc như sau: “Như tôi đã từng nhiều lần đề cập, giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội ở Hy Lạp là vấn đề chung của cả đại gia định châu Âu và phải được giải quyết trong khuôn khổ EU… Việc tăng cường quan hệ với các nước ngoài EU và Eurozone, những đối tác có cùng lợi ích với Hy Lạp và chia sẻ quan điểm hợp tác cùng có lợi lại là vấn đề hoàn toàn khác”.
Đáng chú ý, căng thẳng giữa Hy Lạp với Đức - đầu tàu của EU, dường như vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngày 6/4, Thứ trưởng Tài chính Hy Lạp Dimitris Mardas đã lần đầu tiên lên tiếng đòi Đức khoản tiền 278,7 tỷ euro - khoản bồi thường cho những tổn thất trong Thế chiến thứ 2. Đức đã phủ nhận yêu cầu này.
Hoài Thanh (
Theo Euobserver)