Hy vọng của Mỹ có được sự độc lập về năng lượng nhờ hoạt động khai thác dầu khí từ đá phiến đã vấp phải một cú sốc lớn khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mới đây đã hạ tới 96% trữ lượng dầu ước tính có thể khai thác tại các mỏ đá phiến ở vùng Monterey - nơi được đánh giá là chiếm tới 2/3 tổng trữ lượng dầu từ đá phiến của Mỹ.
Hoạt động khai thác dầu tại mỏ đá phiến ở Monterey, Mỹ. |
Năm 2011, EIA đã công bố một báo cáo đánh giá trữ lượng dầu và khí đốt từ đá phiến của Mỹ. Báo cáo nhận xét rằng vùng Monterey ở miền nam California là nơi có trữ lượng dầu từ đá phiến lớn nhất nước Mỹ, khoảng 15,5 tỷ thùng, tương đương 64% tổng trữ lượng dầu đá phiến của Mỹ. Dự báo này đã tạo ra một niềm hy vọng lớn cho "giấc mơ" độc lập về năng lượng của Mỹ. Thông tin này cũng khuyến khích các phương tiện truyền thông ra sức quảng bá cho ngành khai thác khí đá phiến bằng công nghệ bẻ gãy thủy lực như một ngành công nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường, tạo nhiều công ăn việc làm, thúc đẩy sự phục hưng trong ngành công nghiệp sản xuất, tăng thu nhập về thuế và tránh phải phụ thuộc vào các nguồn cung từ các kẻ thù địa chính trị.
Các nhà quan sát cho rằng Mỹ đã sử dụng những tuyên bố thổi phồng về năng lực của mình trong lĩnh vực năng lượng để thúc đẩy lợi ích địa chính trị và chính quyền Obama hiện đang sử dụng cuộc khủng hoảng ở Ukraine để gây áp lực lên các đồng minh của họ trong Liên minh châu Âu (EU) quay lưng lại với khí đốt của Nga và chuyển sang mua khí đá phiến của Mỹ trong tương lai. Việc hạ tới 96% mức dự báo về trữ lượng dầu có thể thu hồi từ các tầng đá phiến ở Monterey là một tin tức quan trọng. Tuy nhiên, tin tức này đã bị lu mờ bởi các thỏa thuận khổng lồ về khí đốt giữa Nga và Trung Quốc, diễn ra đồng thời với việc công bố của EIA. Không thấy bất kỳ chính trị gia hay hãng truyền thông chính thống nào thảo luận về tầm quan trọng của việc hạ cấp trữ lượng dầu đá phiến của Monterey. Ngành công nghiệp dầu mỏ cũng cố gắng phớt lờ tầm quan trọng của sự kiện này.
Ông J. David Hughes, một nhà địa chất học từng nghiên cứu sâu rộng về quá trình hình thành hệ đá phiến ở Monterey, là người đã "đánh đổ" dự báo trước đây của EIA. Năm 2013, ông đã công bố một nghiên cứu toàn diện cho thấy dự báo năm 2011 của EIA đã được phóng đại một cách quá đáng, tới mức đưa Mỹ trở thành một siêu cường về năng lượng có thể cạnh tranh với Saudi Arabia và Nga. Ông Hughes bình luận: Sau khoảng một thập niên nữa, hầu hết các giếng khoan sẽ cạn kiệt. Tin tốt là nguồn cung đang tăng trong ngắn hạn, nhưng tin xấu là nguồn cung sẽ thiếu hụt nghiêm trọng sau khoảng 10 - 15 năm nữa.
Do các giếng dầu tại Mỹ chỉ có tuổi thọ từ 2-3 năm, ngắn hơn nhiều so với dự báo trước đây, các công ty trong ngành này đang phải liên tục khoan các giếng mới, với chi phí cao. Trong một báo cáo công bố hồi tháng hai năm nay, hãng Bloomberg cho biết các nhà sản xuất độc lập sẽ chỉ thu được 1,00 USD từ 1,50 USD bỏ ra, khiến tình hình tài chính của các công ty này đang rất xấu. Ông Ryan Oatman, một nhà phân tích năng lượng tại SunTrust Robinson Humphrey Inc, cho rằng giá dầu tương đối cao hiện nay đã phần nào làm yên lòng các nhà đầu tư vào các nguồn năng lượng từ đá phiến. Tuy nhiên, họ vẫn rất lo lắng về gánh nặng nợ nần. Nếu họ nản lòng, ngành công nghiệp này sẽ chết.
Theo giới chuyên gia, việc hạ cấp này là một đòn khủng khiếp giáng vào ngành công nghiệp khai thác dầu khí từ đá phiến. Họ cho rằng trong tương lai, nguồn cung dầu khí từ đá phiến của Mỹ sẽ không đủ để thỏa mãn nhu cầu năng lượng lâu dài của người Mỹ, càng không thể thỏa mãn nhu cầu của các nước châu Âu. Và cái gọi là "Cuộc cách mạng đá phiến" của Mỹ chắc cũng sẽ sớm kết thúc.
Minh Đức (Theo mạng tin "Counterpunch")