Phóng viên TTXVN tại Geneva dẫn báo cáo trên của ILO cho biết tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ ở mức 6,3%, tương đương 220 triệu người trong năm nay, và giảm xuống còn 5,7% (tương đương) 205 triệu người vào năm 2022, vượt mức 187 triệu người vào năm 2019. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong nửa đầu năm nay là khu vực Mỹ Latinh và Caribe, châu Âu và Trung Á.
Tiến trình phục hồi việc làm trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2021, với điều kiện tình hình đại dịch nói chung không trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi sẽ không đồng đều, do khả năng tiếp cận vaccine không bình đẳng và năng lực hạn chế của hầu hết các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi trong việc hỗ trợ các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ. Hơn nữa, chất lượng của các công việc mới được tạo ra có thể sẽ xấu đi ở các quốc gia đó.
Việc giảm việc làm và số giờ làm việc đã khiến thu nhập lao động giảm mạnh và tỷ lệ đói nghèo gia tăng tương ứng. So với năm 2019, thêm 108 triệu người lao động trên toàn thế giới được xếp vào nhóm nghèo hoặc nghèo đói cùng cực (có mức sống 3,2 USD/người mỗi ngày). Điều này làm cho việc đạt được Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc về xóa nghèo vào năm 2030 càng trở nên khó khăn hơn.
Báo cáo cũng cho thấy cuộc khủng hoảng COVID-19 làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng tồn tại từ trước khi tác động mạnh hơn đến những người lao động dễ bị tổn thương. Việc làm của nữ giới giảm 5% vào năm 2020 so với 3,9% ở nam giới. Trên toàn cầu, việc làm của những người trẻ tuổi giảm 8,7% vào năm 2020, so với 3,7% của nhóm người lớn tuổi hơn, với mức giảm rõ rệt nhất ở các nước có thu nhập trung bình. Hậu quả của tình trạng gián đoạn này đối với những người trẻ tuổi có thể kéo dài trong nhiều năm.
Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho rằng phục hồi từ COVID-19 không chỉ là vấn đề sức khỏe. Những thiệt hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế và xã hội cũng cần được khắc phục. Nếu không nỗ lực có chủ đích để đẩy nhanh việc tạo ra việc làm tốt, hỗ trợ những thành viên dễ bị tổn thương nhất của xã hội và phục hồi các ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất, những hậu quả kéo dài của đại dịch có thể sẽ tiếp diễn trong nhiều năm làm mất đi tiềm năng kinh tế và con người, làm gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng. Ông cho rằng thế giới cần một chiến lược toàn diện và có sự phối hợp, dựa trên các chính sách lấy con người làm trung tâm.