Với hàng loạt cuộc tập trận chung trên biển có sự phối hợp giữa các lực lượng hải lục không quân trong thời gian gần đây, quân đội Indonesia (TNI) đang cho thấy ưu tiên hàng đầu hiện nay là vấn đề an ninh hàng hải, thay vì các mối quan tâm an ninh nội địa trước đây như khủng bố, li khai...
Quân đội Indonesia đang ưu tiên an ninh hàng hải. |
Xung quanh vấn đề này, báo “Bưu điện Jakarta” số ra mới đây có bài “Các chiến dịch quân sự hỗn hợp cho thấy TNI tập trung vào an ninh biển” của nhà phân tích chính trị Devi Asmarani.
Theo bài viết, TNI gần đây đã tiến hành hoạt động tuần tra chung với Malaysia với sự tham gia của hải quân, không quân nhằm tăng cường an ninh hàng hải tại khu vực biên giới hai nước ở vùng biển tranh chấp Ambalat. Chiến dịch Garda Wibawa 14 có sự tham gia của 1.200 lính hải quân và không quân Indonesia.
Tác giả đặt vấn đề liệu các hoạt động tuần tra chung với Malaysia có phản ánh mức độ gia tăng các mối đe dọa tại vùng biển Ambalat đang tranh chấp giữa hai nước trong gần 30 năm qua hay không.
Khu vực Ambalat nằm ở biển Celebes, ngoài khơi Đông Kalimantan và Đông Nam bang Sabah của Malaysia. Với diện tích 15.235 km2, khu vực này được cho là có trữ lượng lớn về năng lượng, ước tính tại một trong chín điểm ở Ambalat chứa tới 764 triệu thùng dầu và 1.400 tỷ m3 khí đốt. Tranh chấp về vùng biển Ambalat và Sulawesi giữa Malaysia và Indonesia nổi lên vào năm 1979 sau khi Malaysia đơn phương công bố tấm bản đồ đường biên giới lục địa và biển, bao gồm vùng biển Ambalat như là một phần lãnh thổ của mình. Tấm bản đồ của Malaysia đã bị cả Indonesia và Singapore phản đối. Tranh chấp giữa hai bên đã thu hút sự chú ý của dư luận sau khi Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) tại Hague (Hà Lan) đưa ra phán quyết đảo Sipadan và Ligitan thuộc về Malaysia vào năm 2002. Mặc dù quyết định của ICJ không bao gồm tranh chấp tại khu vực Sulawesi nhưng Jakarta không chọn Sipadan và Ligitan để vẽ lại các đường cơ sở từ bờ biển phía Đông quần đảo Sebatik đến Karang Unarang, dẫn đến khu vực Ambalat không còn hoàn toàn nằm bên trong vùng biển của Indonesia.
Hiện nay, Indonesia và Malaysia đang tiến hành đàm phán song phương để xác định biên giới trên biển giữa hai nước, một quá trình phức tạp có thể mất đến 30 năm.
Cây bút chuyên bình luận chính trị Devi Asmarani nói rằng hầu hết các tranh chấp lãnh hải đều xuất phát từ các lợi ích kinh tế chiến lược. Malaysia đã thỏa thuận với các công ty dầu khí Shell và Petronas, trong khi Indonesia đã cho phép các công ty năng lượng ENI và Unocal vào khai thác tại khu vực này. Trước đây, tất cả các hoạt động quân sự và các cuộc tập trận chung trên biển được thực hiện lẻ tẻ, chậm trao đổi thông tin, cản trở phản ứng của lực lượng chức năng hai nước trước các thách thức an ninh chung. Việc phối hợp cả hải quân và không quân để bảo đảm an ninh hàng hải sẽ rút ngắn quy trình tác chiến, giúp lực lượng chức năng phản ứng nhanh và chính xác hơn.
Theo cơ chế mới, khi phát hiện các hoạt động vi phạm lãnh hải hoặc không phận, chỉ huy chiến dịch Garda Wibawa sẽ lập tức có phản ứng với sự cơ động của đơn vị chiến đấu tại các căn cứ hải quân và không quân, bao gồm cả phi đội máy bay tuần tra, thủy quân lục chiến, tàu chiến và lực lượng tình báo đặc biệt thuộc Bộ Tư lệnh khu vực Mulawarman. Quan trọng hơn, các hoạt động này sẽ được xem như mô hình cho các chiến dịch hợp đồng tác chiến trong tương lai của các lực lượng quân đội để duy trì toàn vẹn lãnh thổ của Indonesia. Chiến dịch Garda Wibawa cho thấy sự thay đổi về ưu tiên trong nhận thức về các mối đe dọa đến an ninh quốc gia của TNI trong những năm gần đây. Ngay cả khi quân đội vẫn tập trung vào những thách thức an ninh nội bộ, vẫn có quan điểm nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường tiếp cận vùng duyên hải vốn chiếm tới ba phần tư lãnh thổ quốc đảo.
Tác giả kết luận rằng hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa quân đội sẽ giúp tăng cường năng lực bảo vệ vùng biển rộng lớn và toàn vẹn lãnh thổ của Indonesia.
Trần Hiệp