Indonesia lần thứ hai 'thủng lưới'

Có vẻ như nhiều người ở Indonesia vẫn chưa rút ra "bài học" từ làn sóng lây nhiễm, dù đã vài lần phải trả giá đắt sau các dịp nghỉ lễ dài ngày hồi năm ngoái và đầu năm nay.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Yogyakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Khác với hầu hết các cơ sở kinh doanh vắng vẻ bên cạnh, trung tâm xét nghiệm COVID-19 “Drive-Thru” mới mở của công ty dược phẩm Bumame Farmasi tại khu tài chính SCBD ở thành phố Nam Jakarta của Indonesia đông nghịt khách từ 8h sáng đến 7h tối tất cả các ngày trong tuần. Bên ngoài địa điểm vốn được chuyển đổi từ một quán cà phê cũ này, hàng trăm xe ô tô xếp hàng dài và phải chờ đợi ít nhất hai giờ để được phục vụ.

Thời đại dịch, các trung tâm kiểu này “mọc như nấm sau mưa” để đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế, di chuyển, đi lại và tiếp xúc công tác. Lĩnh vực kinh doanh dịch vụ này có thể sẽ còn khấm khá hơn trong bối cảnh quốc gia đông dân thứ tư thế giới đang bước vào làn sóng lây lan dịch thứ hai từ sau kỳ nghỉ lễ xả chay Eid al-Fitr hồi cuối tháng 5 vừa qua.

Ngày 21/6, số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã chính thức vượt ngưỡng 2 triệu khi Bộ Y tế nước này thông báo thêm 14.536 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát vào đầu tháng 3/2020 và vượt "kỷ lục" cũ 14.518 ca ghi nhận hôm 30/1 vừa qua. Số ca tử vong cũng tăng thêm 294 ca.

Ngày 22/6, số ca mắc tuy giảm còn 13.6, song số ca tử vong lại tăng, thêm 335 ca. Như vậy tổng số ca tử vong từ đầu dịch là 55.291 ca. Vẫn còn hơn 147.720 người đang được điều trị hoặc tự cách ly, bên cạnh 124.845 ca nghi nhiễm.

Công bằng mà nói, đối với đất nước 270 triệu dân, địa hình chia cắt với 17.500 hòn đảo, hệ thống y tế yếu kém và nguồn lực hạn chế như Indonesia, con số thống kê nói trên - dù rất đáng sợ trong mắt một số nước láng giềng khu vực - đã có thể coi là một thành công, ít nhất là tính đến giữa tháng 5 vừa qua. Trước đó cả năm, kiểu chống dịch hời hợt, lơ là và các thông điệp mâu thuẫn, đôi khi phản khoa học từng khiến nhiều chuyên gia cảnh báo rằng Indonesia sẽ sớm “chìm nghỉm” trước “cơn sóng thần” COVID-19.

Tuy nhiên, cùng với quyết định gây tranh cãi của Tổng thống Joko Widodo hồi cuối tháng 12 năm ngoái, đưa một cựu giám đốc ngân hàng lên thay thế một cựu bác sĩ quân y ở vị trí Bộ trưởng Y tế, Indonesia đã phần nào đó thành công nhờ thay đổi chiến lược chống dịch từ phong tỏa quy mô lớn cấp tỉnh/thành phố (PSBB) sang phong tỏa quy mô nhỏ cấp thôn, làng (PPKM) và chủ động tấn công dịch dựa vào chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí được phát động từ đầu tháng 1 vừa qua.

Số ca nhiễm mới vốn tăng vọt sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới 2021 đã được khống chế từ mức gần 15.000 ca hồi cuối tháng 1 - đầu tháng 2 xuống mức quanh 4.000 - 5.000 ca mỗi ngày và được duy trì trong suốt vài tháng sau đó. Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á chỉ sụt giảm 2,07% trong năm ngoái và 0,7% trong quý I vừa qua, tốt hơn nhiều so với các nước khu vực và thế giới.

Song có vẻ nhiều người ở Indonesia vẫn chưa rút ra "bài học" từ làn sóng lây nhiễm, dù đã vài lần phải trả giá đắt sau các dịp nghỉ lễ dài ngày hồi năm ngoái và đầu năm nay. Dù đã có rất nhiều nỗ lực với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương nhằm ngăn chặn làn sóng di cư từ thành phố về quê (còn gọi là Mudik) trong dịp lễ xả chay vừa qua, Indonesia vẫn tiếp tục bị “thủng lưới”. Theo thống kê chính thức, khoảng hai triệu người hành hương vẫn có thể di chuyển qua lại giữa các thành phố và vùng nông thôn trước, trong và sau lệnh cấm này, kéo theo đợt bùng phát dịch mới.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 16/6/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Khác với làn sóng thứ nhất, tình hình giờ đây gây lo lắng hơn nhiều khi cả ba biến thể nguy hiểm nhất tính tới nay là Delta, Alpha và Beta (nguồn gốc ở Ấn Độ, Anh và Nam Phi ) đều đã được phát hiện và đang lây lan nhanh tại các địa phương của Indonesia. Trong báo cáo cập nhật mới nhất về Indonesia, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo về mối nguy hiểm từ "các biến thể đáng lo ngại" này, đồng thời kêu gọi Jakarta thực thi các biện pháp nghiêm ngặt hơn và hành động khẩn cấp, trong đó có việc áp đặt các hạn chế xã hội quy mô lớn.

Hàng loạt địa phương tại Java - hòn đảo đông dân nhất thế giới thuộc Indonesia – đã áp đặt các lệnh phong tỏa trong bối cảnh nhiều bệnh viện bị quá tải do các ca mắc COVID-19 tăng vọt. Tại thủ đô Jakarta, tỷ lệ sử dụng giường chữa trị bệnh nhân COVID-19 đã chạm ngưỡng 90% hôm 21/6. Truyền thông sở tại cho biết 100% giường bệnh tại 45 trong tổng số 324 bệnh viện được chỉ định chữa trị bệnh nhân COVID-19 thuộc tỉnh Tây Java kế bên đã được sử dụng tính đến ngày 18/6, trong đó 6 bệnh viện đã hoạt động quá công suất.

Tính trung bình, tỷ lệ sử dụng giường bệnh của tỉnh này đã đạt 79,34%. Trước đó, ngày 16/6, Bandung - thủ phủ của Tây Java - đã áp đặt lệnh phong tỏa trong vòng hai tuần sau khi 89,7% giường bệnh của thành phố này bị kín chỗ. Trong khi đó, cả 8 thành phố và huyện thuộc tỉnh Trung Java láng giềng đều được liệt vào danh sách các “vùng đỏ” và đang áp đặt các lệnh phong tỏa tương tự.

Trong khi cân nhắc “kéo phanh khẩn cấp” với việc tái áp đặt PSBB, Chính phủ Indonesia vẫn tiếp tục trung thành với chiến lược cũ. PPKM vừa được kéo dài thêm hai tuần tới 5/7, kèm với một số hạn chế hoạt động đối với các nhà hàng, quán cà phê và quán ăn, cũng như văn phòng các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và các chính quyền địa phương. Các lĩnh vực thiết yếu, như sản xuất, dịch vụ công cộng, các dự án quan trọng quốc gia và địa điểm cung cấp các nhu cầu cơ bản của người dân vẫn được phép hoạt động 100% công suất song phải điều chỉnh về giờ giấc hoạt động và tuân theo các giao thức y tế chống COVID-19.

Bên cạnh đó, Indonesia đang tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng nhằm nhanh chóng đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng với việc cung cấp vaccine cho ít nhất 181,5 triệu người, tương đương 70% dân số. Ngoài chương trình tiêm chủng do ngân sách nhà nước chi trả, Indonesia đã khởi động chương trình tiêm chủng tư nhân mang tên Gotong Royong (Hợp tác cùng nhau) từ ngày 18/5 vừa qua. Tổng thống Widodo cũng thúc giục các bộ ngành và địa phương tăng cường phối hợp để thực hiện một triệu mũi tiêm mỗi ngày, hướng tới đạt mục tiêu trên vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 16/6/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong đó, phấn đấu ngành dịch vụ tài chính, thủ đô Jakarta, huyện Bogor thuộc tỉnh Tây Java đạt khả năng miễn dịch cộng đồng ngay trong tháng 8 tới.

Mới đây, Indonesia được WHO ghi nhận là một trong những quốc gia có chương trình tiêm chủng thành công trên thế giới. Trên thực tế, bất chấp những trở ngại lớn, từ nguồn cung đến vấn đề hậu cầu và cả sự e ngại về chất lượng và an toàn vaccine của một bộ phận dân chúng, quốc gia này đã tiếp nhận gần 105 triệu liều vaccine và đã cung cấp vaccine cho hơn 35 triệu người, trong đó hơn 12,2 triệu người đã được tiêm đầy đủ hai mũi.

Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 cho biết Bali - thỏi nam châm thu hút khách du lịch quốc tế của Indonesia - đang là điểm sáng về tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19. Với hơn 2,2 triệu liều vaccine đã được tiêm tính đến nay, “hòn đảo thiên đường” này đã và đang trên đà đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, qua đó đặt nền móng vững chắc cho kế hoạch tái mở cửa du lịch quốc tế ngay trong tháng 7 tới.

Giới chức Indonesia tin rằng tốc độ tiêm chủng sẽ là yếu tố then chốt mang lại thành công cho “quốc gia vạn đảo” trong việc xử lý đại dịch. Với kho vaccine ngày một phong phú cũng như những kinh nghiệm chống dịch trong hơn một năm qua, người dân Indonesia hy vọng có thể từng bước khống chế “cơn lũ” COVID-19 thứ hai và ghi nhận tăng trưởng kinh tế tích cực trong năm 2021 này sau nhiều tháng chìm trong suy thoái.

Hữu Chiến (PV TTXVN tại Indonesia)
Philippines sẽ dùng chính sách 'bàn tay sắt' với người không tiêm vaccine COVID-19
Philippines sẽ dùng chính sách 'bàn tay sắt' với người không tiêm vaccine COVID-19

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dọa bỏ tù những ai đủ điều kiện nhưng từ chối tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong bối cảnh nước này đẩy nhanh nỗ chiến dịch tiêm chủng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan với sự xuất hiện của biến chủng Delta.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN