Có thể vẫn còn sớm để có thể khẳng định điều gì nhưng chiến dịch mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố chính xác gần một tháng trước nhằm “làm suy giảm và cuối cùng tiêu diệt” nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn chưa đi theo một chiều hướng tốt. Khói bốc lên sau cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu vào các mục tiêu của IS ở Kobane ngày 13/10. Ảnh: AFP-TTXVN |
Ở cả Syria và Iraq, IS vẫn đang giành được những thắng lợi nhất định trước phương Tây và các đồng minh Sunni của thế giới Arab. Chiến lược của liên quân bị vây hãm bởi những mâu thuẫn và sự kiềm chế do chính liên quân tạo ra. Hai trong số những “kẻ tội đồ” tệ hại nhất lại là hai quốc gia có năng lực làm suy giảm sinh lực IS nhất: Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hoặc liên quân phải tháo gỡ những khúc mắc này, hoặc IS sẽ trở thành lực lượng được công nhận trong con mắt của các phần tử tiềm tàng trở thành các chiến binh jihad, điều hoàn toàn đối lập với những thắng lợi mà các lãnh đạo của liên quân dự tính sẽ đạt được.
Vào thời điểm này, thành phố chiến lược quan trọng Kobane của người Kurd ở Syria đang gánh chịu các đợt tấn công dữ dội của các chiến binh IS và bị vây hãm ở cả ba phía. Thậm chí còn có những thông tin manh nha về việc
IS sử dụng vũ khí hóa học. Các cuộc không kích của liên quân dù làm chậm lại bước tiến của IS, nhưng có khả năng thời gian thành phố này trụ lại được chỉ còn tính bằng ngày.
Nếu Kobane sụp đổ, sẽ có một “dàn đồng ca” của những yêu cầu về một nỗ lực gấp đôi của liên quân lẫn những cảnh báo về mối nguy hại của việc tăng cường hoạt động quân sự ở nước ngoài.
Vì IS tạo ra một mối đe doạ với toàn bộ Trung Đông và tiềm tàng là một nguồn khủng bố chống lại phương Tây nên việc có thêm nhiều nỗ lực tiêu diệt IS là điều dễ hiểu, nhưng chỉ khi chiến dịch chống IS đó có thể hóa giải những bất đồng nội khối. Nhiệm vụ này bắt đầu với Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù ngày 2/10 quốc hội nước này đã bỏ phiếu cho phép lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động quân sự tại Syria, song Tổng thống Recep Tayyip Erdogan lại đang có một hành động tung hứng đầy tính toán.
Một mặt, ông cho biết các cuộc không kích sẽ không thể đánh bại IS và mọi phương tiện phải được sử dụng để đánh bại tổ chức này. Nhưng mặt khác, dù những chiếc xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất hiện dọc đường biên giới giáp Syria, ông vẫn đang bỏ mặc Kobane và từ chối giúp đỡ người Kurd, lực lượng bị Ankara xem là kẻ thù.
Trừ phi Mỹ thúc đẩy việc tạo ra một vùng đệm và cấm bay ở phía bên kia biên giới, nếu không, tất cả những gì ông Erdogan có thể đưa ra là những lời ủng hộ hoa mỹ của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho liên quân. Ngoài ra, ông Erdogan cũng khăng khăng rằng Mỹ nên đặt mối ưu tiên loại bỏ chính quyền Assad cao hơn việc tiêu diệt IS.
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra tại làng Mursitpinar, tỉnh tây nam Sanliurfa, gần thị trấn Kobane, giáp giới với Syria ngày 11/10. Ảnh: AFP-TTXVN |
Khúc mắc tiếp theo là sự khó xử của Mỹ. Mặc dù người anh cả của liên quân muốn nhìn thấy sự ra đi của ông Assad, nhưng nước này lại lưỡng lự trong việc tham gia xây dựng kịch bản đó vào thời điểm này, một phần bởi thành công tại Iraq phụ thuộc vào việc nâng cao vai trò của chính phủ ở Baghdad, đủ để đạt lại được sự ủng hộ của các bộ tộc dòng Sunni. Và để làm được điều này, Mỹ cần sự giúp đỡ của Iran, một đồng minh thân thiết của ông Assad.
Trong khi đó, sự cộng tác của Mỹ với chính phủ do phe Shiite lãnh đạo vẫn chưa thể phá bỏ những ngờ vực của người Sunni. Dù các cuộc không kích đã giúp người Kurd chiếm lại được một số khu vực từ tay IS, an ninh tại tỉnh Anbar nơi có phần đông là người Sunni sinh sống tiếp tục xấu đi.
Sau khi các chiến binh IS tràn qua một số căn cứ quân sự của quân đội Iraq và kiểm soát Abu Ghraib, địa điểm mà sân bay quốc tế Baghdad nằm trong tầm bắn pháo, Mỹ đã gửi trực thăng chiến đấu Apache đến để tấn công các mục tiêu IS dọc tuyến đường chạy về hướng tây từ Baghdad đến thành trì Fallujah của IS. Việc điều động cả các trực thăng Apache rất có thể là một sự thừa nhận ngầm rằng các máy bay chiến đấu có tầm bay cao và tốc độ lớn có những hạn chế của chúng.
Ngoài ra, liên quân hiện cũng đang phải đương đầu với những hậu quả không thể lường trước. Sau đợt tấn công lớn đầu tiên tại Syria nhắm đến các nhà máy lọc dầu, nguồn hỗ trợ tài chính cho các hoạt động của IS, các nhóm nhỏ “nổi dậy ôn hòa” mà Mỹ nhắm cho việc đào tạo và vũ trang, lại gia nhập vào lực lượng jihad. Một trong số đó là nhánh Jabhat al-Nusra của nhóm khủng bố al-Qaeda, lực lượng giờ đây xem liên quân là một con rối chống người Sunni của chế độ Assad.
Trong tuần trước, John Allen, một cựu tướng và là đặc phái viên của Tổng thống Obama về chiến dịch chống IS, đã bay tới Ankara trong nỗ lực tìm ra tiếng nói chung với người Thổ Nhĩ Kỳ. Song khó có thể nói trước sẽ có có những câu trả lời dễ dàng cho cả ông chủ Nhà Trắng lẫn người đứng đầu chính quyền Ankara.
Anh Tiếu (
Theo Economist)