Trong những ngày gần đây, các giới chức cấp cao của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh liên tiếp hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và hành động cụ thể trước hết là điều quân tới cứu Kobane. Tuy nhiên, đáp lại chỉ là những cái nhún vai khó hiểu từ phía Ankara.
Tuyên bố từ văn phòng Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton ngày 10/10 kêu gọi EU, Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác quốc tế và khu vực khác “hợp tác hơn nữa nhằm cô lập và ngăn chặn mối đe dọa từ IS trong bối cảnh lực lượng IS đã chiếm trụ sở của người Kurd ở Kobane.
Hiện các quan chức Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang có mặt tại Ankara để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ quân sự cho liên minh quốc tế chống IS, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn từ chối gửi quân nếu như không có sự yểm trợ của lực lượng bộ binh Phương Tây. Tướng Mỹ John Allen, người đứng đầu liên minh quốc tế chống IS, cũng đang tiến hành các cuộc hội đàm tại Ankara, song phía Nhà Trắng cho biết các cuộc hội đàm cần phải có thời gian và không cho biết liệu hai bên đã đạt được bất kỳ thỏa thuận nào hay chưa.
Các đơn vị xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn án binh bất động bên kia biên giới Syria. |
Phát biểu với tờ New York Times, một quan chức Mỹ giấu tên kịch liệt chỉ trích chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khi cho rằng Ankara đang “phát minh ra các lý do để không phải hành động” nhằm giải cứu thị trấn Kobane ở Bắc Syria, giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Vị quan chức này khẳng định: “Đây không phải là cách mà một đồng minh của NATO hành xử khi tội ác đang đâm chồi ngay bên kia biên giới”. Còn tờ Washington Post nói rõ hơn: Người Thổ đang chờ đợi bởi “họ muốn Mỹ tới và giải quyết vấn đề” Kobane.
Đáp lại những áp lực từ quốc tế trong vấn đề Kobane, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 9/10 tuyên bố sẽ là “không thực tế” khi trông chờ nước này triển khai một chiến dịch trên bộ một mình.
“Ankara sẵn sàng làm mọi thứ nếu có một chiến lược rõ ràng về Syria”
Điều gì khiến Thổ Nhĩ Kỳ ngập ngừng trong việc giải cứu Kobane? Theo Suat Kiniklioglu, nguyên nghị sĩ của Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, từng là người phát ngôn của ủy ban đối ngoại quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng có hai mâu thuẫn chính khiến Ankara lưỡng lự trong việc can dự sâu vào Syria.
Một là, mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và liên minh do Mỹ dẫn đầu chống IS. Ông Suat Kiniklioglu giải thích: “Vấn đề quan trọng tạo lên sự khác biệt (giữa hai bên) là việc xác định mục tiêu ưu tiên: (Tổng thống Syria) Assad hay IS. Ankara muốn biết tầm nhìn của Mỹ đối với vấn đề Iraq và Syria là như thế nào”.
Thỗ Nhĩ Kỳ đang gây áp lực lên liên minh quốc tế chống IS về việc phải mở rộng hơn nữa trách nhiệm của liên minh này, trong đó có việc phải thay đổi chế độ của Tổng thống Al-Assad. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu mới đây tuyên bố Ankara “sẵn sàng làm mọi thứ nếu có một chiến lược rõ ràng về tương lai của Syria”, nhưng cũng lập luận rằng việc chỉ tấn công IS không giải quyết được cội rễ của tình trạng cực đoan khi mà ông Assad còn bám giữ được quyền lực. Ngày 10/10, phát biểu với báo giới tại thủ đô Ankara, ông Davutoglu khẳng định: “Thổ Nhĩ Kỳ phản đối IS cũng giống như việc chúng tôi phản đối Assad. Cả ông Assad và IS đều phải chịu trách nhiệm đối với tất cả những sự kiện và thảm kịch này. Không ai có thể chứng minh được Thổ Nhĩ Kỳ đang ủng hộ IS”.
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra tại làng Mursitpinar, tỉnh tây nam Sanliurfa, gần thị trấn Kobane, giáp giới với Syria ngày 11/10. Ảnh: AFP-TTXVN |
“Với chúng tôi, PKK cũng giống như IS”
Hai là, Ankara cũng rất quan ngại về việc ủng hộ cho lực lượng người Kurd đang bảo vệ Kobane. Những du kích quân được biết tới với tên Lực lượng bảo vệ người Kurd (YPG) vốn là một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức đã gây nên cuộc chiến tranh du kích kéo dài hàng thập kỷ qua chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ. Do vậy, nếu phải lựa chọn giữa YPG và các chiến binh thánh chiến Hồi giáo, nhiều quan chức Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nói giống như Tổng thống Recep Tayyip Erdoganmới tuyên bố hồi tuần trước rằng: “Với chúng tôi, PKK cũng giống như IS”.
Một vị Phó Chủ tịch của AKP khác cũng lên tiếng rằng IS có thể giết người, “nhưng ít nhất chúng không tra tấn” người giống như PKK. Đó là lý do tại sao Thổ Nhĩ Kỳ né tránh việc điều bộ binh tới một vùng đất đầy thù hận như Kobane. Theo ông Kiniklioglu, “Nếu vùng đất (xung quanh Kobane) là người dân Thổ Nhĩ Kỳ hay là của một sắc dân hữu hảo, câu chuyện có thể đã hoàn toàn khác. Ankara không muốn lặp lại kịch bản giống như ở miền Bắc Iraq, nơi người Kurd đã nổi lên sau khi ông Saddam Hussein ra đi”.
Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ án binh bất động trước tình hình chiến sự ác liệt ở Kobane sẽ khiến nước này phải trả một cái giá không nhỏ. Liên tiếp trong những ngày vừa qua, các cuộc biểu tình của người Kurd phản đối chính quyền chưa co hành động cụ thể chống lại IS đã bùng phát ở nhiều tỉnh thành của Thổ Nhĩ Kỳ. Tại tỉnh biên giới phía Nam Gaziantep ngày 9/10 đã có các vụ đụng độ quy mô lớn giữa người biểu tình với cảnh sát, cũng như giữa những người ủng hộ Ankara hỗ trợ các chiến binh người Kurd ở Kobane và phe phản đối. Biểu tình cũng diễn ra ở các thành phố khác của Thổ Nhĩ Kỳ như thủ đô Ankara, Mersin và tới nay đã khiến ít nhất hơn 30 người thiệt mạng cùng hàng trăm người khác bị thương. Các cuộc biểu tình này đã làm sống lại chính sách dân tộc còn khiếm khuyết của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng với bước tiến của IS tại Kobane, hệ quả từ cuộc chiến tại Syria sẽ làm chệch hướng nỗ lực từ nhiều năm qua nhằm tái hòa nhập những công dân người Kurd tại Thổ với phần còn lại của đất nước. Ông Kiniklioglu lo ngại các đảng người Kurd có thể “gặp khó khăn trong việc kiểm soát các phân nhánh của họ, những người muốn quay trở lại con đường bạo lực. Nếu Kobane sụp đổ, tức mọi con thú sẽ xổng chuồng và điều đó có thể là sự chấm dứt cho tiến trình hòa bình”.
Thái Nguyễn (Theo AFP, F.P)