Theo CNN, với việc áp đặt những quy định hạn chế đi lại từ sớm và đóng cửa hàng loạt, Israel về cơ bản đã kiểm soát được sự lây lan của đại dịch COVID-19, ghi nhận tỉ lệ lây nhiễm và tử vong ở mức tốt hơn nhiều quốc gia phương Tây. Khi dịch COVID-19 đang hoành hành khắp Mỹ và châu Âu, Israel đã thoải mái tiến tới mở cửa lại.
Không có nghi ngờ gì về việc ai đã lãnh đạo đất nước vượt qua những thời điểm khó khăn đó. Thủ tướng Benjamin Netanyahu thường xuyên tổ chức các cuộc họp báo buổi tối để nhắc nhở người dân, cảnh báo về những thách thức mới nhất cũng như ghi nhận những chiến thắng mới nhất.
Vào ngày 18/4, gần hai tháng sau khi Israel phát hiện ra trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên, ông Netanyahu tuyên bố Israel đã thành công trong cuộc chiến chống đại dịch, làm gương cho thế giới "trong việc bảo vệ sự sống và ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch". Ông dự đoán Israel cũng sẽ làm gương trong việc khởi động lại nền kinh tế.
Giá như câu chuyện chỉ kết thúc ở đó. Làn sóng COVID-19 đầu tiên của Israel là một câu chuyện thành công, nhưng làn sóng thứ hai, mà các chuyên gia sức khỏe nước này đang phân tích, dường như đang chuyển hướng để đi đến một kết thúc rất khác.
Chỉ vài tuần sau khi mở lại các nhà hàng, trung tâm thương mại và bãi biển, Israel hiện đang chứng kiến số ca lây nhiễm mới tăng gấp 50 lần. Từ khoảng 20 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới mỗi ngày vào giữa tháng Năm tăng lên hơn 1.000 ca mỗi ngày chưa đầy hai tháng sau đó, Israel đang gấp rút một lần nữa đóng cửa những địa điểm gần đây đã vội vã mở.
Hôm 6/7, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố các phòng tập thể dục, bể bơi, phòng tổ chức sự kiện, quán rượu và nhiều nơi khác sẽ đóng cửa vô thời hạn, trong khi các nhà hàng và nhà thờ sẽ hoạt động với số lượng hạn chế.
Với mong muốn tránh phong toả hoàn toàn khi tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức hơn 20%, ông Netanyahu đưa ra một cảnh báo nghiêm khắc: "Hôm nay, có khoảng 90 ca nguy kịch và con số này tăng gấp đôi cứ sau bốn ngày. Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, chúng ta sẽ có hàng trăm, và có lẽ hơn 1.000, các ca nguy kịch trong những tuần tới, sẽ làm tê liệt hệ thống của chúng ta".
Thủ tướng Netanyahu nói thêm: "Tất cả công dân Israel đều biết hoặc cần phải hiểu rằng chúng ta phải có những hành động hạn chế, với tác động kinh tế tối thiểu nhất có thể, để tránh những biện pháp cực đoan sẽ làm tê liệt nền kinh tế”.
Niềm tin của công chúng vào việc xử lý dịch COVID-19 của ông Netanyahu đang sụt giảm nhanh chóng. Từ mức cao 73% vào giữa tháng 5 khi nước này dường như kiểm soát tốt COVID-19, sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Netanyahu đã giảm mạnh xuống còn 46%, theo các cuộc khảo sát do Channel 12 News thực hiện.
Quan chức y tế công cộng hàng đầu của Bộ Y tế Israel, Giáo sư Siegal Sadetzki đã từ chức hôm 7/7 cùng với lời chỉ trích gay gắt cách chính phủ xử lý đại dịch. Trong một bài đăng trên Facebook giải thích lý do quyết định của mình, bà Sadetzki viết: "Tôi rất tiếc, trong một vài tuần, việc xử lý dịch đã mất phương hướng. Bất chấp những cảnh báo có hệ thống và thường xuyên qua các hệ thống khác nhau và trong các cuộc thảo luận trên các diễn đàn khác nhau, chúng ta đang chứng kiến sự thất vọng khi cơ hội cạn dần”.
Chính phủ đoàn kết quốc gia, được thành lập vào tháng 5 để đối phó với dịch COVID-19, dường như quan tâm nhiều hơn đến cuộc đấu tranh chính trị giữa ông Netanyahu và đối thủ trước đây là Benny Gantz.
Hai người đã từng đua tranh để xem ai là người xử lý tốt nhất cuộc chiến chống COVID-19: Thủ tướng Netanyahu với các công cụ chống khủng bố của Cơ quan An ninh Israel, hay Bộ trưởng Quốc phòng Gantz với tầm ảnh hưởng và mệnh lệnh với quân đội nước này.
Sự không tin tưởng giữa hai người đàn ông thì đã trở nên rõ ràng, nhưng các nhà phê bình cho rằng những gì chưa nổi lên từ chính phủ “chống dịch” của họ là một kế hoạch sáng suốt, dứt khoát để kiểm soát làn sóng COVID-19 thứ hai.