Italy - "Bệnh nhân" thực sự của EU

Từ khi thành lập đến nay, Liên minh châu Âu (EU) chưa bao giờ thiếu vắng "bệnh nhân", đặc biệt là khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới quét qua toàn bộ châu lục, ảnh hưởng mạnh đến các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).


Nguy cơ làm tan vỡ cấu trúc


Các “bệnh nhân” đầu tiên là Hy Lạp, sau đó là Ireland, Tây Ban Nha - những nước từng được coi là những mô hình tăng trưởng năng động. Thế nhưng, bệnh nhân thực sự của châu Âu, con bệnh có nguy cơ một ngày nào đó làm tan vỡ cấu trúc của cộng đồng châu Âu, chính là Italy.

Italy là “con bệnh” có nguy cơ làm tan vỡ cấu trúc của cộng đồng châu Âu. Ảnh: Xinhua/TTXVN


Theo số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), Italy là quốc gia châu Âu duy nhất có sức mua so với thu nhập bình quân đầu người giảm trong 15 năm trở lại đây. Thêm vào đó, Italy đã "tích lũy" được khoản nợ khổng lồ mà năm nay dự kiến sẽ vượt 130% GDP. Tỷ lệ nợ này cao thứ năm thế giới, xếp sau Nhật Bản, Hy Lạp, Jamaica và Liban. Nếu GDP không tăng, sức nặng của nợ sẽ càng lớn và để thanh toán hàng năm cần phải khấu trừ một phần không nhỏ tài sản quốc gia. Số tiền để thanh toán nợ công, gồm cả gốc lẫn lãi, nay đã ngốn mất 5% GDP. Về mặt chính trị, khoản ngân sách không nhỏ này ngày càng khó biện minh, do đó các hãng xếp hạng tín dụng, vốn đã hạ mức đánh giá của Italy xuống rất thấp, vẫn tiếp tục nhìn nước này với con mắt cảnh giác.


Chính phủ Italy suốt gần 20 năm trở lại đây đều duy trì một “ngân sách sơ cấp thặng dư” khá lớn, tức là thặng dư ngân sách trước khi trả nợ, trừ năm 2009. Thế nhưng như đánh giá của Denis Ferrand, Tổng Giám đốc Viện nghiên cứu tài chính COE-Rexecode, đã xuất hiện một “hiệu ứng hãm” đáng sợ: Bất chấp thặng dư ngân sách, nợ công đã lên mức quá lớn, đến mức không bao giờ có thể giảm xuống dưới mức 100% GDP được nữa. Trong những điều kiện như vậy, thặng dư sơ cấp chỉ còn là "truyền thuyết". Nó chỉ có tác dụng chỉ ra rằng ngân sách nhà nước không bị thâm hụt nếu gạt các khoản nợ sang một bên.


Hai lựa chọn


Trong những năm tới, Italy chỉ có hai lựa chọn: Phải tạo ra tăng trưởng hoặc vỡ nợ. Thế nhưng, các dự báo vẫn chưa hề thay đổi kể từ đó đến nay đối với nền kinh tế Italy, mặc dù Thủ tướng Mario Monti đã đưa kinh tế Italy "quay trở lại đường ray" trên một số lĩnh vực, như làm sạch ngân sách công, cải tổ hưu trí, mở cửa một số ngành nghề vốn từ trước chịu sự điều tiết chặt chẽ. Động lực lớn nhất tạo ra tăng trưởng đang trục trặc. Năng suất lao động vẫn đình trệ từ một thập niên qua. Sức sản xuất tổng thể, bao gồm cả vốn, đã giảm 10%.


Nhà kinh tế trưởng ngân hàng đầu tư Natixis, Patrick Artus, đã liệt kê trong một bản thông cáo mới công bố những nguyên nhân gây nên "chứng suy nhược" này của Italy so với Pháp: đầu tư cho sản xuất thấp hơn một phần ba, chi phí nghiên cứu thấp hơn 40%, số người tốt nghiệp đại học trong lực lượng lao động chỉ bằng một nửa. Bên cạnh đó, dân số trong độ tuổi lao động ngày càng giảm mạnh. Các doanh nghiệp thu hút phụ nữ làm việc nhiều hơn trước đây, nhưng nó gạt sang một bên tới 40% thanh niên rơi vào cảnh thất nghiệp.


Cũng phải nêu ra các nguyên nhân khác như hệ thống thương lượng giải quyết các vấn đề xã hội quá tập trung gây tốn kém, hệ thống ngân hàng thiếu vốn, hàng loạt doanh nghiệp làm ăn tốt lần lượt bị bán cho những tập đoàn khổng lồ nước ngoài. Rõ ràng, để trở lại mạnh khỏe như trước, nền kinh tế Italy cần nhiều đơn thuốc thậm chí là thuốc đắng.


Tiến Nhất

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN