Tuần trước, Công ty Công nghệ sinh học Moderna (Massachusetts, Mỹ) cho biết vaccine ngừa COVID-19 của họ đạt hiệu quả ngừa bệnh gần 95%. Trước đó một tuần, “người khổng lồ” Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) cũng thông báo hiệu quả tương tự từ các cuộc thử nghiệm với vaccine COVID do họ sản xuất.
Những tin vui này được phát đi trong bối cảnh làn sóng dịch mới đang càn quét khắp nước Mỹ và châu Âu. Sẽ phải mất một thời gian đến khi vaccine phòng bệnh sẵn sàng trên thị trường, nhưng các nhà phân tích đã nhận thấy "mặt trận" vaccine rõ ràng là động lực thúc đẩy sự trở lại sớm của trạng thái bình thường.
Sau thông báo của Moderna, ngân hàng đầu tư Liberum, trụ sở tại Anh, cho biết loại vaccine này cho thấy "sẽ không có khoảng thời gian kéo dài, thậm chí là vô thời hạn, phải sống chung với virus và những rủi ro của nó”.
Những người chiến thắng tiềm năng
Theo CNN, ngành hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch dường như được hưởng lợi nhiều nhất từ tin tức tích cực về vaccine. Hôm 16/11, ngay sau tin tốt của Moderna, cổ phiếu của United Airlines đã tăng 8,6%, trong khi cổ phiếu của American Airlines và Delta đều tăng khoảng 6%.
Cổ phiếu của chủ sở hữu British Airways là tập đoàn International Airlines Group đã tăng 12,2% - sau khi đã tăng vọt tới 40% sau thông báo trước đó của Pfizer.
Các nhà đầu tư coi những diễn biến trong phát triển vaccine là tin tức đáng khích lệ cho ngành hàng không, khi họ sẽ chứng kiến hoạt động đi lại, du lịch và công việc tấp nập trở lại. Nhưng theo nhà phân tích hàng không độc lập Brendan Sobie, vẫn còn đó nhiều thách thức: “Triển vọng trong dài hạn với khách hàng đi công tác vẫn chưa chắc chắn. Có một số ước tính cho rằng nhu cầu có thể giảm vĩnh viễn 5-20%, vì các công ty coi việc đi công tác là ít cần thiết hơn”.
Một lĩnh vực khác có thể tăng trưởng là bất động sản và văn phòng cho thuê. Ngành này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và xu hướng làm việc tại nhà trên toàn cầu. Nhưng ý tưởng về một loại vaccine khả thi đã làm tăng triển vọng mọi người sẽ trở lại làm việc trong văn phòng ở các trung tâm đô thị.
Cổ phiếu của IShares Global REIT ETF, công ty theo dõi cổ phiếu bất động sản trên khắp thế giới, đã tăng khoảng 9% kể từ khi có công bố đầu tiên về hiệu quả đáng mừng của vaccine COVID vào ngày 6/11. Tới nay, cổ phiếu này đã tăng trên 13%.
Cổ phiếu của Quỹ tín thác Empire State, một quỹ tín thác bất động sản tập trung vào bất động sản bán lẻ và văn phòng ở Manhattan, đã nhảy vọt trên 37% sau tin về vaccine Pfizer. Cổ phiếu của SL Green, một trong những “chủ đất” thương mại lớn nhất New York, cũng tăng vọt gần 37%.
Tại Anh, cổ phiếu của hai hãng nắm giữ bất động sản văn phòng lớn nhất đất nước là Land Securities và British Land đã bật tăng trở lại.
Lee Fong, Giám đốc nghiên cứu khu vực châu Á Thái Bình Dương tại công ty dịch vụ bất động sản thương mại Jones Lang LaSalle, cho biết một loại vaccine tiềm năng mang lại tia hy vọng đối đầu với “sự bất ổn đang gây khó khăn cho các nền kinh tế và thị trường bất động sản”.
Đánh giá từ những phản ứng ban đầu của thị trường bất động sản niêm yết, “các nhà đầu tư đang kỳ vọng thị trường bất động sản tại châu Âu và Mỹ sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ vaccine, tiếp theo là lĩnh vực văn phòng và khách sạn”, ông Fong nói.
Những kẻ thua cuộc tiềm tàng
Các công ty công nghệ cao, vốn có cổ phiếu tăng giá mạnh trong thời kỳ đại dịch (khi người dân làm việc từ nhà nhiều hơn), đã chứng kiến cổ phiếu sụt giảm sau tin tức về vaccine. Và mặc dù các công ty này đã thu về lớn trong năm 2020, họ cũng phải “trả lại” một phần sau khi các hãng dược công bố tiến bộ về vaccine.
Tập đoàn thương mại điện tử Amazon cho biết cổ phiếu của họ đã giảm 5,1% sau tin của Pfizer. Bên kia bờ Đại Tây Dương, cổ phiếu của nhà bán lẻ tạp hóa trên mạng Ocado (Anh) cũng giảm 5,2%.
Cổ phiếu giao dịch tại Mỹ của Alibaba và JD.com trải qua những biến động tương tự trong tháng 11, mặc dù các cổ phiếu công nghệ tại Trung Quốc được cho là bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi quyết định can thiệp đột ngột của Bắc Kinh vào kế hoạch IPO của Ant Financial, thay vì bởi tin về vaccine.
Cổ phiếu của Zoom Video, công ty kinh doanh ứng dụng hội nghị video, sụt giảm tới 17,4% sau thông tin từ Pfizer, khi các nhà đầu tư tin rằng người lao động sẽ sớm trở lại văn phòng. Trong khi đó cổ phiếu của hãng phim trực tuyến Netflix giảm mạnh 8,6%.
Chắc chắn các công ty dựa trên nền tảng web này vẫn đang tiến những bước lớn từ đầu năm đến nay, và sẽ vẫn vậy. Trước khi có tin về vaccine Pfizer, cổ phiếu của Zoom Video đã phi mã tới 635% trong năm 2020, của Amazon và Netflix tăng lần lượt 79.2% và 59.1%.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích dự đoán các diễn biến tích cực về vaccine có thể báo hiệu một đợt bán tháo cổ phiếu trong dài hạn.
“Đây có phải là sự khởi đầu của một vòng quay lớn? Rất có thể”, Johanna Kyrklund, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản Schroders, viết trong một bài đăng trên blog. “Cuối cùng chúng ta có thể đã tìm thấy chất xúc tác khơi mào cho một động thái rời bỏ cổ phiếu của các 'công ty ở nhà’, vốn được hưởng lợi từ lệnh phong tỏa, hướng tới các cổ phiếu phục hồi [của các công ty trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch]”, ông Kyrklund viết.