Kết quả đối thoại hai miền Triều Tiên liệu có khiến Mỹ vừa lòng?

Đã xuất hiện những nhiều diễn biến mới gây chú ý sau cuộc gặp giữa phái đoàn cấp cao Hàn Quốc và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un ngày 5/3. Vậy điều này có ý nghĩa như thế nào đối với Mỹ?

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã khẳng định với phái đoàn cấp cao Hàn Quốc rằng Bình Nhưỡng sẵn lòng khởi động đối thoại với Mỹ về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân và quốc gia này có thể ngưng mọi cuộc thử tên lửa, hạt nhân khi tham gia vào đối thoại. Đây là thông tin do một quan chức Hàn Quốc xác nhận với tờ New York Times (Mỹ) vào ngày 6/3.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp phái đoàn Hàn Quốc tại Bình Nhưỡng ngày 5/3. Ảnh: EPA

Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời Chánh Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong, một thành viên của phái đoàn tới Bình Nhưỡng: “Triều Tiên cho biết có thể đối thoại thẳng thắn với Mỹ về phi hạt nhân và bình thường hóa quan hệ giữa Bình Nhưỡng cùng Washington”.

Cũng theo ông Chung Eui-yong, Hàn Quốc tin rằng thỏa thuận với Triều Tiên đã đủ để khởi động đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng. Ngoài ra, ông Chung Eui-yong còn tiết lộ rằng bản thân đang giữ thông điệp mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un muốn gửi đến chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Sau chuyến thăm Triều Tiên, ông Chung Eui-yong dự kiến sẽ tới Mỹ, Trung Quốc, Nga. Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon, người cũng có mặt trong phái đoàn thăm Triều Tiên, sẽ tới Nhật Bản.

Chánh Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc bổ sung: “Triều Tiên không có thêm yêu cầu đặc biệt nào để quay trở lại đối thoại. Phía Triều Tiên chỉ cho biết họ muốn được đối xử như một đối tác đối thoại nghiêm túc”.

Ngoài ra, ông Chung Eui-yong nhận xét với các phóng viên tại Seoul rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã linh hoạt bất ngờ đối với tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc - sự kiện Bình Nhưỡng thường coi là khiêu khích. Theo ông Chung Eui-yong, trong khi phái đoàn Hàn Quốc đã chuẩn bị tinh thần rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên nhất quyết yêu cầu Seoul và Washington ngừng tập trận chung thì diễn biến trên thực tế lại không như vậy.

“Ông Kim Jong-un đơn giản cho biết có thể hiểu tại sao cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn Quốc lại tái khởi động vào tháng 4. Nhưng ông ấy mong muốn các cuộc tập trận chung được điều chỉnh nếu tình hình Bán đảo Triều Tiên ổn định trong tương lai”, ông Chung Eui-yong cho hay.

Phản ứng về cuộc gặp giữa phái đoàn Hàn Quốc và nhà lãnh đạo Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Trump ngày 6/3 đăng trên mạng xã hội Twitter: “Chúng ta hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra!”.

Sau đó hơn 1 tiếng đồng hồ, nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục bày tỏ trên Twitter: “Quy trình hợp lý đang được tiến hành về đối thoại với Triều Tiên. Lần đầu tiên trong nhiều năm, một nỗ lực nghiêm túc được tất cả các bên liên quan thực hiện. Thế giới đang theo dõi và chờ đợi! Có thể là hy vọng bất thành nhưng Mỹ sẵn sàng với các khả năng”.

Evans J. R. Revere, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ từng có kinh nghiệm trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên trước đây, nhận định rằng chính quyền Tổng thống Trump sẽ gặp nhiều khó khăn để từ chối đề nghị từ Triều Tiên. “Với những tiến triển này, cánh cửa dường như rộng mở cho đối thoại Mỹ-Triều Tiên nếu cả hai phía đều muốn”, ông Revere đánh giá. Ngoài ra, ông Revere cho rằng Triều Tiên đã cố gắng đáng kể để đáp ứng yêu cầu từ Mỹ rằng đối thoại phải xoay quanh phi hạt nhân.

Trong khi đó, ông Scott Snyder tại tổ chức phi lợi nhuận Mỹ có tên Hội đồng Đối ngoại đánh giá: “Từ ngữ là chưa đủ để gây ấn tượng với những nhân vật ở Washington. Đó sẽ là một quá trình khó khăn lâu dài nếu Mỹ quyết định tham gia đàm phán và vẫn còn chặng đường khá xa để đi đến một thỏa thuận”.

Nhà nghiên cứu chính trị Tom Harper tại Đại học Surrey (Anh) đánh giá với hãng tin Sputnik (Nga) rằng phương thức của Mỹ và Hàn Quốc đối với Triều Tiên có một số khác biệt. Chính phủ Hàn Quốc hiện nay dường như mềm mỏng hơn so với những chính quyền tiền nhệm. Trong khi đó, phía Mỹ lại có lập trường cứng rắn.

Hà Linh/Báo Tin tức
Triều Tiên cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công Hàn Quốc
Triều Tiên cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công Hàn Quốc

Ngày 6/3, Bán đảo Triều Tiên lại đón nhận thêm một tín hiệu hòa giải được mong đợi từ lâu sau khi Triều Tiên tuyên bố sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân và cả vũ khí thông thường để chống lại Hàn Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN