Việc Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ đang tạo ra một thách thức lớn đối với Iran, đặc biệt là trong khả năng đáp trả các hành động của Israel. Đặc biệt, cuộc tấn công của Israel vào ngày 26/10 vừa qua đã đặt Iran vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Các nhà lãnh đạo Iran sẽ phải quyết định cách thức và thời điểm phản ứng trước hành động này, nhưng vấn đề trở đã nên phức tạp hơn trong bối cảnh ông Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.
Theo Sima Shine, Giám đốc chương trình nghiên cứu Iran và Tiến sĩ Raz Zimmt đều tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) có trụ sở tại Israel ngày 17/11, việc ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ đại diện cho sự hiện thực hóa một kịch bản đáng lo ngại đối với Tehran, dù những phản ứng ban đầu ở Iran phản ánh một nỗ lực đáng kể nhằm hạ thấp tầm quan trọng của việc ông Trump trở lại Nhà Trắng.
Phản ứng với kết quả bầu cử ở Mỹ, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tuyên bố rằng không quan trọng ai thắng, vì Tehran và chính quyền nước này dựa vào sức mạnh của chính họ và người dân của mình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei, khi phát biểu về chiến thắng của ông Trump, đã nhận xét rằng Iran đã phải đối mặt với những kinh nghiệm cay đắng với các chính sách của nhiều chính quyền Mỹ và cuộc bầu cử này mang đến cho Mỹ cơ hội để sửa chữa những sai lầm trong quá khứ. Ông nhấn mạnh rằng Iran sẽ đánh giá chính quyền hiện tại thông qua các hành động của họ.
Tuy nhiên, lần này ông Trump trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh các nguồn tin tình báo Mỹ tiết lộ rằng Iran đã tiến hành một chiến dịch truyền thông xã hội chống lại ông (phía Iran đã bác bỏ cáo buộc). Tất cả những điều trên diễn ra trong bối cảnh các chính sách cứng rắn của ông Trump đối với Iran trong nhiệm kỳ đầu tiên (2016–2020), khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào tháng 5/2018, áp đặt sức ép kinh tế tối đa lên Iran và ám sát chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran Qasem Soleimani vào tháng 1/2020.
Các nhà lãnh đạo Iran còn đặc biệt lo ngại về ý định quay trở lại chính sách "gây sức ép tối đa" của chính quyền Trump mới nhằm cô lập Iran và làm suy yếu tài chính của nước này thông qua các lệnh trừng phạt, bao gồm cả việc thực thi chặt chẽ hơn các lệnh trừng phạt đối với việc bán dầu của Iran cho Trung Quốc.
Khả năng đáp trả cuộc tấn công từ Israel của Iran
Iran hiện đang đứng trước hai lựa chọn: đáp trả hoặc không phản ứng. Nếu Tehran quyết định đáp trả cuộc tấn công của Israel, điều này có thể dẫn đến một cuộc xung đột quân sự trực tiếp. Kịch bản này đi kèm với những rủi ro đáng kể, bao gồm khả năng kích hoạt Israel đáp trả mạnh mẽ như nhằm vào cơ sở hạt nhân và dầu mỏ của Iran và thậm chí có sự can thiệp của Mỹ để bảo vệ đồng minh. Ngược lại, nếu Iran chọn không phản ứng, điều này có thể làm suy yếu sức mạnh răn đe của họ và tạo ra hình ảnh yếu kém trong mắt các lực lượng dân quân thân Tehran trong khu vực cũng như người dân trong nước.
Trong khi đó, nội bộ lãnh đạo Iran cũng đang có sự phân chia rõ rệt. Tổng thống Masoud Pezeshkian ủng hộ một cách tiếp cận thực dụng hơn, cho rằng Iran nên tập trung vào việc giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước thông qua đối thoại với phương Tây. Ông Pezeshkian cho rằng điều này có thể dẫn đến việc nới lỏng các lệnh trừng phạt và cải thiện tình hình kinh tế. Tuy nhiên, phe cứng rắn trong chính phủ, bao gồm Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, lại thúc đẩy lập trường cứng rắn hơn. Họ cho rằng việc nhượng bộ trước áp lực từ Mỹ sẽ chỉ làm suy yếu vị thế của Iran trên trường quốc tế.
Một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến khả năng đáp trả của Iran là mối quan hệ với các đồng minh khu vực và quốc tế. Trong những năm gần đây, Iran đã củng cố mối quan hệ với Nga và Trung Quốc, điều này giúp Tehran tăng cường khả năng chống chịu trước các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước láng giềng Arab trong thời gian gần đây cũng mở ra cơ hội cho Tehran trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ chính trị. Tuy nhiên, những nghi ngờ về khả năng duy trì sức mạnh răn đe đối với Israel và Mỹ đang gia tăng. Những hạn chế trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công từ Israel đã làm dấy lên lo ngại về khả năng bảo vệ an ninh quốc gia của Iran.
Tóm lại, việc ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ đang đặt Iran vào một thế lưỡng nan lớn trong khả năng đáp trả Israel. Trong ngắn hạn, họ phải quyết định thời điểm và bản chất phản ứng của mình đối với cuộc tấn công của Israel vào ngày 26/10. Về lâu dài, Iran phải đối mặt với sự lựa chọn là theo đuổi chính sách xoa dịu và đàm phán hay leo thang đối đầu với Mỹ.