Trong ba ngày 3-5/6, Đối thoại Shangri-La - nơi tập hợp hầu hết giới chức lãnh đạo quốc phòng các nước quan tâm đến châu Á, sẽ diễn ra tại Singapore.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và ông Tôn Kiến Quốc tại Shangri-La 2015. |
Theo thông lệ của những năm gần đây, Mỹ sẽ cử một phái đoàn hùng hậu tham gia Đối thoại Shangri-La. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 31/5 đã lên đường đến Singapore, nơi phái đoàn Mỹ sẽ có thêm hai lãnh đạo quân sự cao cấp là Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải Quân, và Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Lực lượng Mỹ vùng Thái Bình Dương.
Trong khi đó về phía Trung Quốc, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IISS, Bắc Kinh sẽ cử một phái đoàn quân sự cấp thấp hơn, do Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, dẫn dầu.
Theo giới phân tích, diễn đàn an ninh tại Singapore lần này chắc chắn sẽ phải đề cập đến tình hình căng thẳng nảy sinh từ những hành vi trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông bị tố cáo là nhằm bành trướng lãnh thổ, như bồi đắp đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, xây dựng cơ sở quân sự, đưa vũ khí đến khu vực nhằm khống chế một vùng biển chiến lược mà Bắc Kinh đòi chủ quyền tới hơn 80% diện tích.
Trong thời gian qua, Mỹ đã liên tiếp vạch trần các hành vi gây căng thẳng của Trung Quốc, đe dọa đến quyền tự do lưu thông trong khu vực. Để đối phó, Mỹ đã liên tiếp tổ chức các chuyến tuần tra để bảo vệ quyền tự do hàng hải, công khai thách thức các yêu sách quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Bắc Kinh đã phản bác lại bằng những lập luận vô lý rằng Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc “từ ngàn xưa” nên họ muốn làm gì ở đó thì làm, và rằng Mỹ đã “thổi phồng” tình hình căng thẳng. Không những thế, Trung Quốc không ngần ngại dùng máy bay cản trở các hoạt động của Mỹ.
Tất cả những vấn đề trên sẽ lại được nêu bật tại Shangri-La, với Mỹ, Nhật Bản và rất nhiều nước khác trong vai trò "công tố viên", trong khi Trung Quốc sẽ phải chật vật đối phó, vì cho đến nay, các lập luận của Trung Quốc được cho là thiếu sức thuyết phục. Từ G7 cho đến Liên minh châu Âu, hầu như tất cả các nước lớn trên thế giới đều kêu gọi Trung Quốc tránh việc áp đặt bằng sức mạnh các yêu sách chủ quyền quá đáng của họ.
Cuộc đấu khẩu Mỹ-Trung về Biển Đông trong những ngày gần đây như đã dự báo trước cho những tranh cãi sắp tới tại Đối thoại Shangri-La. Ngày 30/5, Trung Quốc lại cực lực tố cáo Lầu Năm Góc duy trì tâm lý Chiến tranh Lạnh và định làm “phim bom tấn Hollywood” khi triển khai vũ khí hiện đại tới Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định rằng Bắc Kinh sẽ kiên quyết chống lại những “hành động nhằm phá hoại chủ quyền lãnh thổ và an ninh Trung Quốc”. Tuyên bố gay gắt của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là nhằm đáp trả nhận xét của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter ngày 27/5, theo đó cho rằng việc Trung Quốc bành trướng quân sự ở Biển Đông có nguy cơ đe dọa thịnh vượng ở khu vực châu Á, và khi làm như vậy, Bắc Kinh chỉ dựng lên một bức “Vạn Lý Trường Thành” của sự tự cô lập mà thôi.
Như vậy, cuộc khẩu chiến Mỹ -Trung tại Diễn Đàn Shangri-La được dự báo là sẽ rất gay gắt, nhất là khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nổi tiếng là không ngại chỉ trích thẳng thừng Trung Quốc. Tại Đối thoại Shangri-La năm ngoái, ông Carter là một trong những tiếng nói đã đả kích mạnh mẽ các hành vi bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông.