Động thái Phần Lan gia nhập NATO được đánh giá là một đòn chiến lược và chính trị đối với Tổng thống Vladimir Putin, người từ lâu đã phản đối việc NATO mở rộng sang phía Đông, áp sát Nga và coi đây là một phần trong những lý do dẫn đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 3/4 cho biết: “Những gì chúng ta thấy là Tổng thống Putin đã gây chiến với Ukraine với mục đích được tuyên bố là để ít chạm tới NATO hơn. Nhưng ông ấy đang nhận được điều hoàn toàn ngược lại.”
Giống như tất cả các thành viên NATO, Phần Lan sẽ được hưởng lợi từ quyền đảm bảo an ninh tập thể, theo đó một cuộc tấn công vào một thành viên sẽ được coi là tấn công vào toàn liên minh.
Phần Lan sở hữu lực lượng vũ trang mạnh đáng kể, được huấn luyện tốt, với đội quân tinh nhuệ có khả năng hoạt động trong điều kiện nhiệt độ dưới 0 độ C ở vùng cực phía Bắc. Quốc gia Bắc Âu này cũng có một đội quân dự bị lớn và đang đầu tư mạnh vào trang thiết bị vũ khí mới, trong đó có hàng chục máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ sản xuất.
NATO đã nói rằng họ không có ý định ngay lập tức tăng cường sự hiện diện của mình ở Phần Lan. Nhưng một số thành viên đã triển khai quân đội ở nước Bắc Âu này tham gia các cuộc tập trận trong năm qua.
Nga ngay lập tức cảnh báo rằng họ sẽ tăng cường lực lượng gần Phần Lan nếu NATO gửi thêm quân hoặc vũ khí tới quốc gia thành viên thứ 31 của tổ chức này.
Quốc kỳ Phần Lan sẽ được kéo lên giữa cờ Pháp và cờ Estonia trong một buổi lễ dự kiến vào 13h30 GMT ngày 4/4 (20h30 giờ Việt Nam), đánh dấu thời điểm hoàn tất quá trình gia nhập nhanh nhất của một thành viên mới trong lịch sử gần đây của NATO.
Buổi lễ gia nhập của Phần Lan rơi vào đúng vào ngày "sinh nhật" NATO, tức kỷ niệm 74 năm ngày ký kết Hiệp ước Washington thành lập liên minh vào 4/4/1949.
“Đây sẽ là một ngày tốt lành cho an ninh của Phần Lan, cho an ninh của Bắc Âu và cho toàn bộ NATO”, ông Stoltenberg nói với các phóng viên vào ngày 3/4 trước thềm cuộc họp của các ngoại trưởng liên minh ở Brussels, Bỉ.
Xuất phát từ những lo ngại an ninh sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát, tháng 5/2022, Phần Lan và nước láng giềng Thụy Điển đã tuyên bố từ bỏ lập trường trung lập, không liên kết quân sự để nộp đơn xin gia nhập NATO.
Thụy Điển đã tiến hành những thủ tục song song, nhưng quá trình gia nhập sẽ mất nhiều thời gian hơn do gặp trở ngại từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cho rằng quốc gia Bắc Âu này chưa đáp ứng các yêu cầu của họ do liên quan đến dân quân người Kurd mà Ankara cho là “khủng bố” và liên quan đến âm mưu đảo chính năm 2016. Đặc biệt, sau sự kiện đốt bản sao kinh Koran hồi tháng 1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Thụy Điển đừng nên mong đợi sự hỗ trợ từ nước này về việc gia nhập NATO.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cùng ngày 3/4 cảnh báo rằng Moskva sẽ tăng cường lực lượng của mình “trong trường hợp NATO triển khai lực lượng của các thành viên khác trên lãnh thổ Phần Lan”.
“Chúng tôi sẽ tăng cường tiềm lực quân sự của mình ở phía tây và tây bắc", ông Grushko được hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti dẫn lời.
Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.340 km với Nga và không giống như hầu hết các thành viên của liên minh, Phần Lan đã không cắt giảm chi tiêu và đầu tư quốc phòng sau Chiến tranh Lạnh.
“Họ đã huấn luyện và xây dựng một đội quân lớn trong nhiều năm và luôn duy trì mức độ sẵn sàng chiến đấu cao. Phần Lan cũng là quốc gia có khả năng phục hồi cực cao, sự chuẩn bị sẵn sàng trong toàn xã hội", lãnh đạo NATO nói.
Việc tiếp nhận Phần Lan cũng giúp hoàn thành bài toán về địa lý của NATO bằng cách lấp đầy khoảng trống lớn trong khu vực Biển Baltic có tầm quan trọng chiến lược ở phía bắc châu Âu.
Trong cuộc họp báo ngày 3/4, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cũng cho biết, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö cùng Bộ trưởng Quốc phòng Antti Kaikkonen và Ngoại trưởng Pekka Haavisto.sẽ tham dự lễ thượng cờ ở trụ sở liên minh tại Brussels.
“Đó là một khoảnh khắc lịch sử đối với chúng tôi. Đối với Phần Lan, mục tiêu quan trọng nhất tại cuộc họp sẽ là nhấn mạnh sự hỗ trợ của NATO đối với Ukraine”, ông Haavisto cho biết. “Chúng tôi tìm cách thúc đẩy sự ổn định và an ninh trên toàn khu vực châu Âu-Đại Tây Dương.”
Lars Kahre, một doanh nhân đến từ Helsinki, cho biết quyết định từ bỏ không liên kết quân sự của nước này là do những thay đổi ở châu Âu trong năm qua. “Trong một thời gian dài, chúng tôi đã dựa vào sự độc lập và trung lập của mình và bây giờ chúng tôi nhận ra rằng đó không phải là con đường của tương lai", ông nói với hãng tin AP, “Bây giờ chúng tôi cần tìm kiếm những lựa chọn mới cho tương lai.”
"Số phận" của Thụy Điển
Các quan chức phương Tây đã bày tỏ sự lạc quan rằng Thụy Điển sẽ sớm theo chân nước láng giềng Phần Lan gia nhập NATO, tốt nhất là trước thềm hội nghị thượng đỉnh khối được tổ chức vào tháng 7 tại Vilnius, Litva.
Nhưng hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ chưa cho biết liệu họ có chấp thuận tư cách thành viên NATO của Thụy Điển hay không, trong một thủ tục đã bị đình trệ kể từ tháng 1.
Phát biểu với các phóng viên vào tuần trước, Phó Trợ lý tại Văn phòng Các vấn đề châu Âu và Á-Âu thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, Dereck Hogan cho biết các quan chức Mỹ “muốn cả Hungary cũng như Thổ Nhĩ Kỳ xúc tiến việc Thụy Điển gia nhập càng sớm càng tốt".
Ông Hogan nói thêm rằng Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về việc mở rộng NATO, một “chủ đề chính trong các cam kết công khai cũng như riêng tư của chúng tôi”.
Bên cạnh đó, cuộc bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 5 cũng giúp mọi việc trở nên sôi nổi hơn. Nhiều người suy đoán rằng ông Erdogan đang cố tình kìm hãm sự ủng hộ dành cho Thụy Điển vì lý do chính trị trong nước trước cuộc tuyển cử.
Mathieu Droin, một chuyên gia về NATO của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết: “Tôi nghĩ đây là một tình huống đường nào cũng có lợi cho ông ấy, đặc biệt là vào thời điểm quan trọng vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống. Nó giúp Erdogan thể hiện mình là một nhà lãnh đạo quyền lực.”