Khorasan - mục tiêu thực sự của Mỹ tại Syria?

Các cuộc không kích mở rộng của Mỹ sang lãnh thổ Syria mà nước này vừa triển khai không chỉ để tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mà còn nhằm vào một mục tiêu khác được cho là đe dọa trực tiếp và cấp bách hơn các lợi ích của Mỹ và phương Tây: Nhóm Khorasan.

Ngoài IS, Mỹ còn nhiều mục tiêu khác ở Syria.


Theo thông tin tình báo của Mỹ, đây là một nhóm khủng bố mới song đã xây dựng được một thánh địa tại Syria nhằm chuẩn bị cho các cuộc tấn công ở nước ngoài, xây dựng và thử nghiệm các thiết bị nổ, tuyển dụng công dân phương Tây để triển khai chiến dịch tấn công chỉ đánh vào các lợi ích, tài sản của Mỹ.

Thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết quân đội nước này đã thực hiện 8 vụ không kích nhằm vào các mục tiêu của nhóm Khorasan ở phía tây Aleppo, trong đó có các trại huấn luyện, cơ sở sản xuất chất nổ, đạn dược, một tòa nhà liên lạc, các cơ sở chỉ huy - kiểm soát.

Tên gọi Khorasan được hãng AP lần đầu tiên đề cập tới vào trung tuần tháng 9 và chỉ được biết tới nhiều hơn sau khi Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper nhận định: “Về sự đe dọa tới an ninh nội địa Mỹ, Khorasan có thể còn nguy hiểm hơn nhiều so với IS”. Vậy thực sự Khorasan là lực lượng nào khiến Mỹ phải dè chừng đến vậy?

Các quan chức Mỹ cho rằng thủ lĩnh nhóm Khorasan là Muhsin al-Fadhli đã chết trong các cuộc không kích của Mỹ vào Syria ngày 23/9.


Fadhli là một thành viên cấp cao của al-Qaeda, từng là phụ tá thân cận của Osama bin Laden. Các thành viên nhóm Khorasan đã bày tỏ tiếc thương trước cái chết của thủ lĩnh trên mạng xã hội.

Khorasan thực chất không phải là một nhóm khủng bố mới mà là một nhánh đặc biệt Mặt trận Nusra - chi nhánh của mạng lưới Al-Qaeda tại Syria. Khorasan bao gồm các thành viên kỳ cựu của Al-Qaeda. Chúng là những phần tử thánh chiến ngoại quốc đến Syria để gia nhập Mặt trận Nusra và có liên hệ trực tiếp với thủ lĩnh quốc tế của Al-Qaeda là Ayman al-Zawahiri.

Nói đúng hơn, Khorasan là một mạng lưới nhỏ trong một mạng lưới rộng lớn hơn, được giao nhiệm vụ đặc biệt. Về ý nghĩa của cái tên Khorasan, đây là một từ cổ của Hồi giáo, được Al-Qaeda sử dụng để miêu tả khu vực gồm các nước Afghanistan, Pakistan và Iran.

Khorasan không tham gia nhiều vào các trận đánh trên chiến trường và cũng không quan tâm tới các mục tiêu nội địa của Mặt trận Nusra. Nhóm chỉ tận dụng sự bảo vệ của các tay súng Nusra để rèn khả năng tiến hành các vụ tấn công quốc tế chống lại Mỹ và phương Tây như tuyển dụng các tay súng ngoại quốc, những người có hộ chiếu phương Tây.

Các thông tin dồn dập về nhóm Khorasan trên các phương tiện truyền thông phương Tây trong thời gian gần đây cũng có thể là một “sự rò rỉ chiến lược” và một trò chơi chính trị có mục đích. Ngay cả khi thông tin về nhóm trên của tình báo Mỹ là xác thực, thời gian tung ra thông tin này cũng không hoàn toàn là sự tình cờ.

Chỉ trong vòng hai tuần khi có những thông tin đầu tiên trên báo chí, Mỹ đã khẩn trương triển khai các vụ tấn công nhằm vào Khorasan và đồng minh tại Syria. Có vẻ như những thông tin rò rỉ trên được đưa ra để tạo cơ sở cho các vụ không kích nhằm vào Mặt trận Nusra, trong khi dư luận tới nay mới đang tập trung vào IS.

Đáng chú ý hơn, các vụ không kích diễn ra vào đúng thời điểm giới chức Mỹ lo ngại Mặt trận Nusra ngày càng bành trướng ở phía tây bắc Syria, đặc biệt trong các khu vực giáp ranh phía bắc Idlib và tây Aleppo. Đây là những khu vực mà Mỹ và đồng minh đang tìm cách hỗ trợ lực lượng đối lập Syria chống lại IS và sốc lại đội ngũ phe đối lập Syria.

Trên chiến trường Syria, Mặt trận Nusra đang là rào cản lớn đối với phe đối lập khi chúng bắt đầu tăng cường kiểm soát lãnh thổ tại Idlib và Aleppo. Do vậy, các vụ không kích bí ẩn của Mỹ trong tháng 9 có thể đem lại sự cân bằng về sức mạnh tại khu vực này của Syria.

Như tuyên bố của Lầu Năm góc, các vụ tấn công của Mỹ vào Syria tới nay đang được cho là tập trung tiêu diệt Khorasan và dường như đây là cái cớ rất hợp lý để Mỹ công khai thực hiện các cuộc không kích mà giới chuyên gia cho rằng là một động thái “nhất tiễn hạ song điêu” của Mỹ.


Thái Nguyễn


Phiến quân IS chỉ còn cách Baghdad chưa đầy 2km
Phiến quân IS chỉ còn cách Baghdad chưa đầy 2km

Nhiều cuộc giao tranh ác liệt giữa lực lượng thánh chiến Jihad và đội quân chính phủ đã diễn ra vùng ngoại ô cách Baghdad chưa đầy 2km, nơi mà lực lượng phiến quân đang cố gắng xâm nhập và giành quyền kiểm soát Baghdad.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN