Sự ủng hộ của dư luận Hàn Quốc đối với Tổng thống Park Geun-hye đã giảm tới mức thấp nhất từ trước tới nay sau khi truyền thông đưa tin về việc nhà lãnh đạo này đã để bạn thân của mình là bà Choi Soon-sil gây ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp để họ quyên tiền cho hai quỹ phi lợi nhuận và can thiệp vào hoạt động hoạch định chính sách của chính phủ. Tổng thống Park Geun-hye đã có nhiều nỗ lực nhằm kiềm chế cuộc khủng hoảng, trong đó có cả việc công khai xin lỗi tới 2 lần chỉ trong vòng 2 tuần, song vẫn không thể xoa dịu sự tức giận của người dân, và thậm chí còn khiến họ bất bình hơn nữa.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye trong bài phát biểu tại thủ đô Seoul ngày 29/11. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bê bối xảy ra đúng thời điểm người dân Hàn Quốc đang rất lo ngại về cuộc chuyển giao quyền lực sắp tới ở Nhà Trắng với Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và về việc nước láng giềng phía Bắc tìm cách chế tạo tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân.
Nhiều người lo ngại rằng Quốc hội Hàn Quốc, hiện do phe đối lập kiểm soát, sẽ vô hiệu hóa chính quyền nhằm gửi tới Tổng thống Park Geun-hye một thông điệp rằng các quyết định của bà đã không còn giá trị. Và bởi vậy, việc thông qua thỏa thuận trao đổi thông tin với Nhật Bản có thể sẽ bị trì hoãn, và kế hoạch triển khai Hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc mà Mỹ công bố hồi tháng 7 vừa qua có thể sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ hơn nữa.
Tổng thống Park Geun-hye không tới dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Peru và cũng không tham dự hội nghị thượng đỉnh ba bên Trung-Nhật-Hàn dự kiến diễn ra trong tháng 12 tới. Việc luận tội bà Park để xem liệu bà có buộc phải từ chức hay không chắc chắn sẽ gây ra một cuộc tranh cãi lớn tại Quốc hội. Hiến pháp Hàn Quốc quy định sau khi tổng thống từ chức, một cuộc bầu cử sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày song hiện chưa có bất kỳ chính đảng nào sẵn sàng đề cử ứng cử viên cho vị trí này trong một khoảng thời gian ngắn đến như vậy.
Tại Hàn Quốc đã từng xảy ra nhiều bê bối có liên quan đến các mối quan hệ cá nhân, tuy nhiên sự giận dữ của dư luận đối với vụ việc lần này được cho là trầm trọng hơn bao giờ hết, và chủ yếu bắt nguồn từ những bí mật của Tổng thống Park Geun-hye, từ việc bà không giải trình về những gì bà Choi đã làm song thừa nhận có liên quan tới bê bối này và từ những lo ngại xung quanh việc Tổng thống đã bổ nhiệm nhiều vị trí và đưa ra nhiều chính sách với sự cố vấn của một người bạn dùng ảnh hưởng và mối quan hệ với bà để tư lợi.
Bê bối đã khiến quyền lực và ảnh hưởng của Tổng thống Park Geun-hye bị thu hẹp đáng kể và người ta cho rằng chưa thể biết bà sẽ tại vị được trong bao lâu. Vụ việc đang đặt Hàn Quốc đứng trước ba thách thức lớn đối với việc khôi phục sự ổn định về mặt chính trị trong trường hợp bà Park từ nhiệm:
Người biểu tình yêu cầu Tổng thống từ chức ở Seoul ngày 26/11. Ảnh: EPA/TTXVN |
1. Thời hạn pháp lý
Vấn đề trước mắt mà giới lãnh đạo Hàn Quốc đối mặt chính là các diễn biến của cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết này. Các thông tin bị vỡ lở nhanh chóng và dư luận phản ứng quá dữ dội khiến các quy trình pháp lý khó có thể diễn ra theo đúng quy định do người dân tiến hành nhiều cuộc biểu tình yêu cầu tổng thống nhanh chóng từ chức.
Tuy nhiên, dù dư luận có bất bình như thế nào đi chăng nữa thì các cuộc điều tra vẫn đang diễn ra và Tổng thống Park Geun-hye về mặt pháp lý vẫn tại vị. Hơn thế nữa, không có bất kỳ cá nhân hay đại diện thể chế nào có quyền hạn yêu cầu bà Park thay đổi nhiệm kỳ cầm quyền hoặc từ nhiệm. Quy trình luận tội chính thức tại Quốc hội sẽ phải mất một thời gian và trong khoảng thời gian đó dư luận có thể sẽ dịu lại và thậm chí là thông cảm cho nhà lãnh đạo này, điều mà các đảng phái đối lập không hề mong muốn.
Nếu các công tố viên tìm được bằng chứng để luận tội tổng thống thì bà Park sẽ ngay lập tức bị truất quyền. Thủ tướng khi đó sẽ trở thành người đứng đầu đất nước. Việc luận tội tổng thống phải có được sự đồng thuận của 2/3 Quốc hội và được tiến hành trong vòng 180 ngày kể từ khi đa số trong 9 thẩm phán của Tòa án Hiến pháp đệ đơn yêu cầu.
2. Lỗ hổng quyền lực chính trịMột vấn đề khác nảy sinh từ cuộc khủng hoảng hiện nay chính là cán cân quyền lực trong Quốc hội và bất đồng trong nội bộ giới lãnh đạo các đảng và giữa các đảng với nhau về thời gian cần thiết để tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mới, trong khi dư luận đang mạnh mẽ yêu cầu tổ chức một cuộc bầu cử sớm.
Hiện cũng đang dấy lên câu hỏi về việc Tổng thống Park Geun-hye từ chức hoặc bị luận tội sẽ ảnh hưởng thế nào đến khả năng đề cử ứng cử viên thay thế của các đảng. Phe đối lập cho rằng Tổng thống Park Geun-hye cần phải chuyển giao hoàn toàn hoặc một số trách nhiệm cho thủ tướng tạm quyền được Quốc hội chỉ định trong giai đoạn chuyển tiếp. Trong khi đó tranh cãi tại Quốc hội về nội các lâm thời có thể chuyển hướng sang các cuộc tranh cãi về quá trình luận tội Tổng thống nếu các công tố viên chứng minh rằng bà có tội. Theo quy định, Tổng thống Hàn Quốc được miễn truy tố trong thời gian tại nhiệm.
Ba chính đảng lớn nhất tại Hàn Quốc hiện đang có những chiến lược khác nhau. Đảng Dân chủ là chính đảng đối lập lớn nhất và hiện nắm quyền kiểm soát Quốc hội, bởi vậy, họ muốn có nhiều ảnh hưởng nhất trong việc lựa chọn thủ tướng tạm quyền. Tuy nhiên, quyết định bổ nhiệm nhân vật này cũng cần có sự đồng thuận từ chính đảng đối lập nhỏ hơn là đảng Nhân dân và một số thành viên đảng Saenuri cầm quyền.
3. Sửa đổi Hiến pháp
Từng gạt bỏ các đề xuất về việc sửa đổi hiến pháp trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ, sau khi bê bối vừa qua bị vỡ lở, chính Tổng thống Park Geun-hye lại nhắc đến vấn đề này, và mục đích được cho là nhằm đánh lạc hướng giới lãnh đạo chính trị. Nhiều người thừa nhận rằng bản Hiến pháp Hàn Quốc, được thông qua năm 1988 vào cuối giai đoạn cầm quyền độc tài, tồn tại nhiều lỗ hổng pháp lý, trong đó có giới hạn nhiệm kỳ của tổng thống là 5 năm và chỉ duy nhất 1 nhiệm kỳ. Nhiều người cho rằng điều này cần được sửa đổi để Hàn Quốc có một hệ thống cầm quyền dân chủ hiệu quả hơn. Bê bối hiện nay cũng phơi bày những hạn chế trong việc tìm kiếm người kế nhiệm trong trường hợp xảy ra khủng hoảng chính trị và làm dấy lên các cuộc tranh luận nghiêm túc về khả năng sửa đổi Hiến pháp, nhất là những gì liên quan tới hệ thống chính trị Hàn Quốc.
Tuy nhiên, dù cuộc khủng hoảng hiện nay càng nhấn mạnh hơn tới sự cần thiết của việc sửa đổi Hiến pháp Hàn Quốc song thực tế là các chính đảng đang tìm cách lợi dụng các diễn biến này để đạt được lợi ích chính trị trong ngắn hạn. Điều cần làm lúc này là các bên nghiêm túc cân nhắc thảo luận về những lỗ hổng của Hiến pháp và lên kế hoạch sửa đổi chúng một cách cụ thể, tách bạch khỏi cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.