Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria mà Mỹ và Nga vừa công bố đánh dấu một bước tiến quan trọng hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này.
Người dân Syria sơ tán sau các cuộc không kích của quân đội chính phủ vào các mục tiêu của phiến quân ở thành phố Aleppo ngày 13/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo kế hoạch, Hội nghị quốc tế về Syria sẽ diễn ra trong ngày hôm nay 25/2, sau khi vòng đàm phán hòa bình Syria ở Geneva (Thụy Sĩ) hồi đầu tháng này lâm vào bế tắc khi cả hai phe chính phủ và lực lượng đối lập Syria không chấp nhận nhượng bộ.
Trong hơn 2 tuần qua, Mỹ và Nga với tư cách đồng chủ tịch “Nhóm quốc tế hỗ trợ cho Syria” (ISSG) đã nỗ lực để cuối cùng nhất trí một kế hoạch áp đặt lệnh ngừng bắn được các bên chấp thuận. Theo đó, lệnh ngừng bắn một phần tại Syria sẽ bắt đầu sau 12 giờ đêm 26/2 (theo giờ địa phương, tức 10 giờ GMT ngày 27/2).
Tuy nhiên, thỏa thuận này không áp dụng đối với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Mặt trận Al-Nursa có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và các nhóm khủng bố nằm trong “danh sách đen” của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Các bên liên quan trong cuộc xung đột tại Syria đang đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng trước việc phải tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn một phần mà Mỹ và Nga vừa công bố. Trước thềm vòng đàm phán hòa bình mới, Nga và Mỹ liên tục gia tăng sức ép lên các đồng minh của họ trong cuộc chiến ở Syria để đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn được tôn trọng.
Moskva thông báo Tổng thống Syria Bashar Al-Assad đã khẳng định “sẵn sàng đóng góp vào việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn” mà ông mô tả là “một bước tiến thực sự để ngăn chặn đổ máu và hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột”.
Trong khi đó, quân đội Nga cũng bắt đầu đàm phán với các nhóm phiến quân tại 5 khu vực xung đột ác liệt nhất ở Syria là Hama, Homs, Latakia, Damascus và Deraa về việc triển khai thỏa thuận.
Thỏa thuận mà Mỹ và Nga công bố ngày 22/2 cho phép tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công chống IS, lực lượng hiện đang kiểm soát nhiều phần lãnh thổ của Syria và Iraq, cũng như Mặt trận al-Nursa có mối quan hệ với al-Qaeda và nhiều nhóm thánh chiến khác.
Quân đội Syria cho biết sẽ đặt khu vực Daraya gần thủ đổ Damascus nằm ngoài lệnh ngừng bắn do một số thành phần thánh chiến hoạt động tại đây. Theo Điện Kremlin, Tổng thống Putin cũng đã giải thích chi tiết về tầm quan trọng của đề xuất Mỹ-Nga với Quốc vương Salman của Saudi Arabia - thành viên quan trọng trong liên minh do Mỹ dẫn đầu và là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ lực lượng nổi dậy chống Chính quyền Damascus.
Thỏa thuận ngừng bắn trên là nỗ lực ngoại giao quy mô nhất từ trước tới nay nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực tại Syria. Tuy nhiên, sự phức tạp trên chiến trường Syria càng khiến nhiều người hoài nghi về tính khả thi của lệnh ngừng bắn.
Ngày 24/2, sau một cuộc họp tại Riyadh (Saudi Arabia), Ủy ban Đàm phán Cấp cao (HNC) - nhóm chính trị đại diện cho quân nổi dậy Syria tham gia đàm phán - cho biết sẽ tôn trọng lệnh ngừng bắn trong vòng 2 tuần để “đánh giá cam kết của đối phương”.
Khó khăn càng gia tăng khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố lực lượng dân quân người Kurd tại Syria – một lực lượng bị Ankara coi là phi pháp - nên nằm ngoài phạm vi của lệnh ngừng bắn. Trên thực tế, Ankara đã không ngừng pháo kích và đánh bom các hạ tầng và cứ điểm của lực lượng này tại Syria.
Bản thân chính quyền Washington, một bên chủ chốt thúc đẩy kế hoạch ngừng bắn, cũng bày tỏ lo ngại về khả năng thành công của thỏa thuận này. Trong buổi tiếp Quốc vương Jordan Abdullah II ở Nhà Trắng ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết Mỹ “rất thận trọng khi đưa ra các kỳ vọng đối với thỏa thuận này. Bên cạnh những khó khăn trong việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn, sự phối hợp chặt chẽ giữa Mỹ và Nga - vốn đứng ở hai phía chiến tuyến trong cuộc xung đột tại Syria – cũng được xem là yếu tố quyết định.
Tờ “The Wall Street Journal” (Mỹ) dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết ông Obama cũng đã chuẩn bị “phương án dự phòng” (phương án B) trong trường hợp thỏa thuận ngừng bắn tạm thời do Nga-Mỹ đề xuất thất bại. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 23/2 cũng thừa nhận một kế hoạch B cho Syria đang được xem xét trong trường hợp tiến trình ngoại giao thất bại.
Ông Kerry tuyên bố: “Chúng ta sẽ biết trong một hoặc hai tháng tới tiến trình chuyển tiếp này có được thực thi nghiêm túc hay không. Nếu không, việc lựa chọn phương án B chắc chắn sẽ được cân nhắc”.
Thông tin về kế hoạch B, trong đó nhấn mạnh ưu tiên cho giải pháp quân sự, đã xuất hiện từ đầu tháng này trong giới ngoại giao và báo chí. Tuy nhiên, Điện Kremlin cho rằng sẽ là quá sớm để thảo luận về một phương án B. Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ Mỹ và Nga đã thực sự rất nỗ lực để đưa ra tuyên bố chung về thỏa thuận ngừng bắn ở Syria, và việc cần thiết lúc này là triển khai lệnh ngừng bắn chứ không phải bàn về phương án B.
Trong khi đó, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, nhấn mạnh rằng mục đích lâu dài của thỏa thuận này chính là hướng tới một lệnh ngừng bắn trên cả nước. Việc thực hiện kế hoạch hay bất kỳ sáng kiến nào nhằm đem lại hòa bình cho Syria đều cần phải có sự bàn thảo và nhất trí giữa Nga và Mỹ. Hiện hai bên đang thiết kế các cuộc tiếp xúc cấp cao, tận dụng tối đa các ảnh hưởng của hai nước, nhằm tác động tới các nhân vật, cũng như các phe phái, lực lượng liên quan trong cuộc xung đột ở Syria.
Giới phân tích quốc tế đánh giá rằng dù các đề xuất mới đã được đưa ra song tình hình thực địa tại Syria đang rất phức tạp, do có sự can dự của nhiều bên với các toan tính khác nhau. Đó chính là những yếu tố khiến cho thỏa thuận ngừng bắn mới trở nên hết sức mong manh.