Thay vì thống nhất trong việc trừng phạt Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, tại châu Âu ngày càng có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Hiện chưa rõ lý do tại sao phương Tây và cụ thể là EU áp đặt vòng trừng phạt mới chống lại Nga, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng và tài chính của Moskva, được đưa ra giữa lúc một lệnh ngừng bắn ở Ukraine đang có hiệu lực làm dấy lên những hy vọng về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột. Washington cũng đã tham gia cùng với Brussels trong động thái mới nhất này, trừng phạt Moskva bằng cách nhắm vào ngân hàng Sberbank và công ty năng lượng Gazprom của Nga.
Lãnh đạo các nước thuộc khối NATO dự hội nghị thượng đỉnh tại Wales.
|
Hành động trên cũng rất kỳ lạ bởi vì Đức, thành viên lớn nhất và mạnh nhất của EU, dường như đang theo đuổi một cách tiếp cận thực tế hơn trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Nhưng Washington có lẽ đã đóng một vai trò quan trọng ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng này - thuyết phục người châu Âu rằng cô lập hoặc "kiềm chế" Nga là lợi ích tốt nhất của họ, bất chấp việc Moskva cho rằng các biện pháp trừng phạt mới trên sẽ "phản tác dụng".
Lời giải thích phù hợp nhất về quyết định đột ngột này có thể là một phần của sự thỏa hiệp giữa hai phe “diều hâu” (chủ yếu là Ba Lan, các nước vùng Baltic và ở một mức độ thấp hơn là Vương quốc Anh) và phe “thực dụng” của EU (Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha) về việc làm thế nào để đối phó với Nga. Điều này có thể bao gồm những lời hứa từ phe “diều hâu” nhằm chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn đã được thương lượng. Ngoài ra, theo Stephen F. Cohen, Giáo sư danh dự tại Đại học New York và Princeton, nó cũng có thể bao gồm một phần của việc viện trợ quân sự cho Kiev và hoãn thực hiện Hiệp định Liên minh EU-Ukraine đến năm 2016.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Merkel và phe “thực dụng” đã đồng ý thực hiện vòng thứ tư của các biện pháp trừng phạt chống lại Moskva. Tuy nhiên, trong khi châu Âu có thể thể hiện sự thống nhất trong quyết định này, thì “đằng sau cánh cửa đóng kín, họ vẫn còn nhiều bất đồng”. Điều này không chỉ tập trung vào cách thức tiến hành liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, mà còn về bản chất của chính cuộc khủng hoảng.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, những cường quốc quan trọng của châu Âu, chủ yếu là Đức, Pháp, Iltay và Tây Ban Nha, đã tạo thành một nhóm "thực dụng". Bằng cách coi cuộc xung đột ở Ukraine là kết quả của cạnh tranh lợi ích địa chính trị chứ không phải là một sự "can thiệp của Nga", nên mới đây họ đã cho thấy sự miễn cưỡng của mình trong việc theo đuổi bất kỳ biện pháp trừng phạt mở rộng đối với Moskva.
Họ cũng loại trừ bất kỳ hành động quân sự nào ở Ukraine, bao gồm cả việc gửi vũ khí cho Kiev. Trong số các nước thuộc nhóm này, Đức thể hiện rõ ràng nhất và Thủ tướng Angela Merkel, được cho là đã có những "hành động cân bằng" trong việc định hướng mối quan hệ của nước này với Washington và Moskva, trong khi đảm bảo rằng cuộc khủng hoảng Ukraine không trở nên tồi tệ hơn.
Mỹ và các nước châu Âu bất đồng quan điểm về cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng như các lệnh trừng phạt Nga. |
Pháp, một cường quốc khác trong nhóm này, ban đầu đã có những lời lẽ “hiếu chiến” hơn. Tổng thống Pháp François Hollande đã tuyên bố hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Washington trong cuộc xung đột. Tuy nhiên, giờ đây, khi tình hình có nguy cơ xuất hiện một thảm họa nhân đạo ở khu vực Donbas, Paris đã dần dần từ bỏ quan điểm trước đó của mình.
Ngược lại với nhóm “thực dụng” là nhóm “diều hâu”, chủ yếu là các nước như Ba Lan, 3 nước Cộng hòa vùng Baltic thuộc Liên Xô cũ là Lithuania, Latvia và Estonia. Theo quan điểm của họ, cuộc xung đột ở Ukraine là một “hành động xâm lược rõ ràng” của Moskva và rằng đây chỉ là "một bướctrong một kế hoạch lớn hơn của Nga nhằm tiến vào Đông Âu".
Tuy nhiên, giữa hai phe trên còn có một loạt các quan điểm khác. Ở Bắc Âu, cũng đã xuất hiện sự bất bình mang tính hiếu chiến, xuất phát từ những mối quan ngại về an ninh vùng Baltic. Điều này được thể hiện rõ nét ở Thụy Điển và Phần Lan. Ban đầu, Thụy Điển đã được Ba Lan bổ sung vào danh sách các nhà đồng tài trợ cho chương trình Đối tác phía Đông (EAP) bao gồm 6 nước thuộc Liên Xô cũ (Belarus, Ukraine, Moldova, và 3 nước cộng hòa Caucasus). Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Carl Bildt đã trở thành đồng kiến trúc sư của dự án EAP với Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski.
Tuy nhiên, kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine nổ ra, đã có sự bất đồng lớn ở Thụy Điển phản đối vai trò của Stockholm trong cuộc khủng hoảng này. Sự ủng hộ của ông Carl Bildt với Kiev đã bị chỉ trích rộng rãi như là sự "vô trách nhiệm" và "nguy hiểm" cho sự trung lập lịch sử của Thụy Điển. Các cuộc tranh luận trong cả Thụy Điển và Phần Lan về việc khả năng trở thành thành viên NATO, vốn diễn ra cù thời điểm với cuộc khủng hoảng Ukraine, đã thất bại.
Na Uy, nước không phải là một thành viên của EU nhưng là một thành viên của NATO không giống như Phần Lan và Thụy Điển, có quam điểm khác ở Bắc Âu, với việc ban đầu ủng hộ sự cứng rắn hơn đối với Nga. Tuy nhiên, Oslo gần đây đã phủ quyết việc tăng cường sự hiện diện của NATO ở Ukraine. Nói chung, người dân ở khu vực Bắc Âu chỉ đơn giản là không ủng hộ cho một cuộc xung đột với Nga.
Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng đã chia rẽ nhóm Visegrad, hay V4 (liên minh của 4 nước nằm ở trung tâm của châu Âu - Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia). Trong khi Ba Lan ủng hộ các quan điểm cứng rắn với Nga, thì các nước như Cộng hòa Séc, Slovakia và Hungary lại phản đối. Họ đã giận dữ khi nghĩ đến những biện pháp trừng phạt mở rộng đối với Nga, điều gần như chắc chắn sẽ làm tăng sự giận dữ của công chúng của mình. Họ cũng phản đối việc gửi vũ khí cho Ukraine. Với sự phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, CH Séc và Slovakia đã có một cách tiếp cận thực tế hơn và phản đối tình hình leo thang thêm nữa.
Với những quan điểm khác nhau về cuộc xung đột ở Ukraine, rõ ràng là châu Âu chắc chắn sẽ không thống nhất về vấn đề này. Thời gian sẽ cho biết sự bất đồng như vậy cuối cùng sẽ ảnh hưởng thế nào đối với các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng đang diễn ra của châu Âu.
Công Thuận (R.D)