Kịch bản Afghanistan lặp lại ở Iraq

Đã 13 năm sau khi Mỹ tấn công vào Afghanistan sau sự kiện 11/9, song mối đe dọa khủng bố và tình hình an ninh tại quốc gia Trung Á này vẫn hiện hữu và hết sức phức tạp trong bối cảnh Washington quyết định rút quân vào cuối năm nay. Cùng với những diễn biến khó lường từ tình hình tại Iraq thời gian qua sau khi Mỹ rút quân vào năm 2011, liệu nguy cơ bất ổn này có lặp lại ở một quốc gia khác có nhiều nét tương đồng với Iraq là Afghanistan.

Có thể nói Iraq đã trở nên hỗn loạn kể từ khi Mỹ rút quân vào cuối năm 2011 và nay Washington đang chật vật tìm cách đối phó với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Những bước tiến đáng kinh ngạc của các nhóm phiến quân tại Iraq trong mùa hè vừa qua, do nhóm IS dẫn đầu khiến thế giới bất ngờ về tốc độ và các quyết định tàn bạo của chúng.

Không chỉ vậy, người ta còn rất ngạc nhiên về sự sụp đổ hết sức nhanh chóng của các đơn vị an ninh Iraq ở các thành phố như Mosul, chỉ 3 năm sau khi quân Mỹ rút.

Những thành công của IS và các nhóm Hồi giáo dòng Sunni khác đã đặt ra nhiều câu hỏi về sự khôn ngoan trong quyết định năm 2011 của chính quyền Tổng thống Obama. Dư luận hiện cũng có những câu hỏi tương tự về quyết định rút khỏi Afghanistan vào cuối năm nay. Bởi IS triển khai tấn công vào khu vực phía Tây và Bắc Iraq chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Obama thông báo sẽ rút các lực lượng tác chiến khỏi chiến trường Afghanistan trước cuối năm 2014 và tất cả lực lượng vào năm 2016.

Tất nhiên, Iraq và Afghanistan là hai quốc gia khác nhau với hệ thống chính trị, nền văn hóa, lịch sử xung đột khác nhau và có các nước láng giềng khác nhau. Nhưng bài học từ thực trạng tại Iraq hiện nay đang đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ phải cân nhắc lại việc rút quân khỏi Afghanistan.

Lực lượng Taliban vẫn là mối đe dọa lớn đối với sự ổn định của Afghanistan.


Thực trạng đáng báo động tại Afghanistan

Hơn nữa, nhìn vào tình hình Afghanistan hiện nay, người ta nhận thấy có những dấu hiệu đáng báo động về một Iraq thứ hai ở vùng Trung Á. Trước hết, giống như tại Iraq, lực lượng quân đội, tình báo và cảnh sát Afghanistan cũng phải đối mặt với những thách thức rất lớn về an ninh. Năng lực của Quân đội quốc gia Afghanistan (ANA) và Cảnh sát quốc gia Afghanistan (ANP) hầu như không bằng so với những người đồng cấp tại Iraq, song lại đối mặt với một kẻ địch nguy hiểm hơn.

Theo đánh giá, Các Lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan (ANSF) vẫn tồn tại khá nhiều bất cập. Ở khu vực Tây Nam Afghanistan, các đơn vị của ANA và ANP phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trang thiết bị, nguồn cung cấp, tỷ lệ tiêu hao sinh lực cao, thiếu sự hiệp đồng. Trong tương lai gần, ANSF sẽ phải đối mặt với sự cắt giảm lớn về tài chính. Dự kiến năm 2015, Afghanistan sẽ chỉ đảm bảo được 500 triệu USD trong ngân sách hoạt động trên 5 tỷ USD của ANSF.

Khoản viện trợ, vốn chiếm tới 60% toàn bộ ngân sách quốc gia của Afghanistan, sẽ có khả năng bị sụt giảm khi Mỹ và NATO rút khỏi quốc gia Tây Nam Á này. Viễn cảnh đó cho thấy rằng ANSF có vẻ sẽ lâm vào tình trạng tồi tệ hơn cả các lực lượng an ninh Iraq trước khi IS tổ chức tấn công.

Hai là, vẫn còn rất nhiều yếu tố có thể dẫn tới một cuộc nổi dậy đang hiện hữu ở Afghanistan. Quốc gia này có một nền văn hóa đỡ đầu trong chính trị và có tỷ lệ tham nhũng lớn nhất trên thế giới, khiến ngày càng có nhiều người dân xa lánh chính quyền. Chiến dịch tranh cử tổng thống vừa qua cũng thể hiện sự chia rẽ trong nội bộ đất nước, khi người dân ở miền Bắc và Trung ủng hộ ứng cử viên Abdullah Abdullah, còn người dân miền Nam bỏ phiếu cho ông Ashraf Ghani.

Thêm nữa, sự trợ giúp từ các quốc gia láng giềng là một vấn đề then chốt. Trong khi IS lấy nguồn tài chính từ các thành trì ở Tây Syria để lên kế hoạch và tiến hành các chiến dịch tại Iraq, thì các nhóm nổi dậy ở Afghanistan được cho là có cơ quan tình báo Pakistan chống lưng.

Lực lượng Taliban cũng có thể tiếp cận được những nguồn tài chính lớn nhờ buôn bán thuốc phiện. Diện tích trồng cây anh túc đã tăng trở lại vào năm 2012 và 2013 sau khi sụt giảm trong các năm 2007-2011 và đạt con số 198.000 ha. Cây anh túc được trồng phổ biến tại Tây Nam Afghanistan và một số tỉnh phía Đông như Nangarhar và đây thực sự là một nguồn thu quan trọng đối với các thủ lĩnh cấp cao của Taliban và phiến quân địa phương.

Ba là, các nhóm phiến quân Afghanistan được tổ chức tốt hơn so với những nhóm vũ trang tại Iraq, nơi chúng thường bị chia rẽ thành nhiều lực lượng khác nhau như IS, Quân đội Hồi giáo Iraq và nhiều nhóm khác. Taliban có một cấu trúc chỉ huy-kiểm soát tương đối hiệu quả, đứng đầu là Shura (hội đồng tư vấn), được chia thành các ủy ban giám sát về tài chính, các chiến dịch quân sự, tuyên truyền, các vấn đề tôn giáo và giám sát những nhiệm vụ khác.

Bên dưới Shura là ba hội đồng tư vấn khu vực tại Peshawar, Bắc Waziristan và Quetta, có nhiệm vụ điều phối các chiến dịch ở những tỉnh lân cận. Dưới nữa, giới lãnh đạo Taliban bổ nhiệm những người đứng đầu tỉnh, huyện, cùng với những chỉ huy về quân sự để triển khai hoạt động nổi dậy.

Từ đầu năm tới nay, Taliban đã tấn công vào khu vực trung tâm của 3 huyện và đã triển khai các chiến dịch quy mô lớn. Lực lượng Taliban còn có nhiều bước tiến tại các tỉnh Uruzgan, Kapisa, Nangarhar, Daykundi sau khi quân Mỹ rút lui. Tuy vậy, Taliban dường như vẫn chưa tiến được vào các thành phố lớn như IS và đồng minh đã làm tại Iraq. Có lẽ bởi sự hiện diện của các lực lượng tác chiến đặc biệt và không quân Mỹ đã có tác dụng răn đe ngăn các thủ lĩnh Taliban tập trung lực lượng hòng chiếm và giữ một thành phố lớn.

Mặc dù có những khác biệt rất lớn giữa Iraq và Afghanistan nhưng có một nét tương đồng cơ bản đó là trước khi Mỹ rút quân, tình hình ở cả hai quốc gia này đều trở nên bất ổn.

Do vậy, để ngăn không cho Taliban chiếm quyền ở Afghanistan, Mỹ cần giữ lại các lực lượng đặc biệt sau thời điểm năm 2016 để tiến hành các chiến dịch chống khủng bố, huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ các lực lượng địa phương và quốc gia của Afghanistan. Đặc biệt là cần quan tâm giải quyết sự yếu kém của ANSF trong các lĩnh vực như thu thập tin tức tình báo và hậu cần.

Sự hỗ trợ này có thể không phải là vô hạn định nhưng cần trên cơ sở tiếp nối liên tục để giới lãnh đạo Afghanistan nâng cao được năng lực của ANSF, khả năng quản trị và nhất là đạt được thỏa thuận an ninh song phương với Mỹ.

Mỹ vẫn đang có những lợi ích quốc gia quan trọng tại Afghanistan và Nam Á. Giới lãnh đạo toàn cầu của mạng lưới khủng bố Al-Qeada hiện vẫn đang trú ẩn tại khu vực biên giới Afghanistan và Pakistan. Một cuộc nội chiến hoặc cuộc nổi dậy do Taliban lãnh đạo nếu diễn ra thành công sẽ cho phép Al-Qeada và các tổ chức khủng bố khác như Tehreek-e-Taliban Pakistan, mạng luới Haqqani và Lashkar-e-Taiba tăng cường hiện diện tại Afghanistan.

Mỹ đã tiêu tốn rất nhiều nhân, vật lực tại chiến trường Afghanistan kể từ sự kiện 11/9. Việc Mỹ rút toàn bộ lực lượng khỏi quốc gia này sẽ được coi là một chiến thắng lớn nhất cho Al-Qaeda cho lực lượng này sau sự kiện Liên Xô rút quân năm 1989.

Không thể quay ngược thời gian để Mỹ có thể xem xét lại quyết định có nên tránh khỏi vòng xoáy bạo lực của khu vực này, song những diễn biến mới nhất tại Iraq sẽ buộc Washington phải cân nhắc lại về cách thức kết thúc một cuộc chiến quan trọng của Mỹ sau sự kiện 11/9.


Thái Nguyễn
Hai nước có thể giúp Mỹ đánh bại IS
Hai nước có thể giúp Mỹ đánh bại IS

Mỹ và các đồng minh NATO tuyên bố thành lập một liên minh nòng cốt gồm 10 nước nhằm đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, theo giới phân tích cuộc chiến chống IS sẽ không thể thành công nếu thiếu hai nước là Iran và Saudi Arabia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN