Mạng tin "Project syndicate" ngày 25/7 đặt câu hỏi: Trung Đông sẽ ra sao một khi nội chiến tại Xyri dẫn đến sự sụp đổ của Tổng thống Bashar al-Assad? Đây là câu hỏi khiến dư luận không thể né tránh trước những biến chuyển mạnh mẽ của các sự kiện gần đây, đẩy cuộc chiến tại Xyri sang một giai đoạn mới.
Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân sát biên giới Xyri. Ảnh: Internet |
Vụ đánh bom nhằm vào giới thân cận nhất của ông Assad, chiến sự lan tới thủ đô Đamát và khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và Irắc, việc các lực lượng bên ngoài cung cấp ngày càng nhiều vũ khí hạng nặng và chính xác hơn cho phe nổi dậy... được cho là tín hiệu về sự sụp đổ của chế độ Assad trong tương lai gần.
Tuy nhiên, theo mạng tin trên, không nên ảo tưởng rằng chế độ Assad sẽ được thay thế bằng một nền dân chủ được cai trị bằng luật pháp. Ngược lại, kỷ nguyên hậu Assad dường như sẽ hỗn loạn và bạo lực hơn khi phe đối lập "tính sổ" với những người ủng hộ chế độ hiện nay và xung đột nổ ra giữa các gia tộc và cộng đồng tôn giáo khác nhau.
Cũng như tại các nước Arập khác, một nhà “độc tài thế tục” sẽ được thay thế bằng nhóm Anh em Hồi giáo dòng Sunni, đại diện cho đa số người dân tại Xyri, như ở Ai Cập và Tuynidi. Nhưng khác với Ai Cập và Tuynidi, việc thay đổi chế độ tại Xyri sẽ là kết quả từ cuộc nội chiến. Điều rõ ràng là sự sụp đổ của chế độ Assad sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng đối với sự phân chia quyền lực khu vực giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Arập Xêút, cũng như các cuộc xung đột khu vực, nhất là những cuộc xung đột có liên quan đến Palextin, vai trò của phái Hezbollah tại Libăng và chương trình hạt nhân của Iran. Thêm vào đó, nếu chính phủ Assad sụp đổ sẽ gây hậu quả quốc tế rộng hơn do liên minh thực tế giữa Nga và Xyri.
Sự phản đối Ixraen luôn là một trụ cột của chế độ Xyri, và điều này giúp giải thích sự hợp tác chặt chẽ của họ với Hezbollah và Iran. Tuy nhiên, việc thay đổi chế độ tại Xyri sẽ không làm biến đổi các thông số cơ bản của cuộc xung đột giữa Ixraen và các nước láng giềng, cụ thể là khả năng thành lập một nhà nước Palextin và vấn đề cơ bản hơn là việc chấp nhận sự tồn tại của Ixraen. Đối với Ixraen, chế độ Assad luôn có thể đoán trước. Họ biết rõ những hạn chế và chấp nhận chúng. Ngược lại, bất ổn hiện nay chứa đựng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh khu vực, nhất là khi tính đến kho vũ khí hóa học lớn của Xyri.
Một điều rõ ràng là Ixraen sẽ phải đối phó thường xuyên hơn với nhóm Anh em Hồi giáo nói riêng và những người Hồi giáo dòng Sunni nói chung và do vậy sẽ củng cố đáng kể phái Hamas của Palextin. Cuộc xung đột Arập-Ixraen chủ yếu vì lý do tôn giáo và khó có thể thỏa hiệp. Ảnh hưởng đối với Gioócđani, dù chưa thể dự đoán, nhưng có tầm quan trọng lớn.
Những diễn biến tại Xyri không chỉ bao gồm những rủi ro, mà còn có những cơ hội mà khu vực có thể khai thác. Rốt cuộc, thay đổi chế độ tại Xyri sẽ gây tổn thất cho Iran, Hezbollah và do vậy làm giảm đáng kể ảnh hưởng của Iran trong cuộc xung đột với Ixraen. Nói rộng hơn, Iran đang mất đi đồng minh duy nhất của họ trong thế giới Arập và vì thế sẽ gần như hoàn toàn bị cô lập. Trong cuộc chiến giành quyền bá chủ khu vực của Iran với Thổ Nhĩ Kỳ và Arập Xêút, Iran sẽ phải chịu một thất bại chiến lược mà họ sẽ khó có thể phục hồi. Hy vọng của các nhà lãnh đạo Iran, rằng Têhêran sẽ được lợi nhất từ cuộc cách mạng Arập chống lại các chế độ độc tài ủng hộ phương Tây, đang được chứng minh là một sai lầm lớn. Thay vào đó, các nhà cầm quyền Iran phải đối diện với sự thật gần như chắc chắn rằng sự thức tỉnh Arập không sớm thì muộn cũng lan tới Iran, dù trực tiếp hay gián tiếp.
Một bài học nữa từ tình hình Xyri hiện nay là một liên minh với Nga rõ ràng là không đủ để đảm bảo sự tồn tại của chế độ. Hậu quả chiến lược đối với Điện Cremli có thể cũng sâu sắc bởi vì sự sụp đổ của ông Assad có thể làm chết yểu phương hướng chính sách đối ngoại mới của Tổng thống Putin (muốn khôi phục sức mạnh và ảnh hưởng toàn cầu của Nga). Vì thế, hậu quả của cuộc nội chiến Xyri sẽ có những tác động sâu rộng, không chỉ đối với nước này, mà còn đối với khu vực và toàn thế giới.
Thanh Hoa