Các nền kinh tế lớn tăng trưởng ổn định Kinh tế Mỹ đang trong chu kỳ tăng trưởng dài nhất trong lịch sử, còn kinh tế Trung Quốc là động lực tăng trưởng toàn cầu trong những thập niên gần đây vẫn đang trong xu hướng đóng góp nhiều hơn. Trong khi đó, kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cuối cùng cũng tăng trưởng với nhịp độ trung bình sau nhiều năm "ì ạch" và các quốc gia mới nổi như Brazil được cho là sẽ phục hồi sau suy thoái.
Các dự báo tăng trưởng trong năm 2017 với một số nền kinh tế đã được nâng lên, nhất là với Eurozone và Nhật Bản. Chẳng hạn, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2017 của kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế phát triển từ các mức tương ứng 3,4% và 1,8% lên 3,6% và 2,2%, còn của Eurozone và Nhật Bản từ các mức tương ứng 1,5% và 0,6% lên 2,1% và 1,5%. Điều này đã mang đến sự lạc quan cho một số nhà kinh tế. Các nhà kinh tế của Nomura nằm trong số đó, khi cho rằng tăng trưởng kinh tế của toàn cầu có khả năng tự lực mạnh hơn nhiều so với bất kỳ thời điểm nào trong 20 - 30 năm qua.
Mỹ -nền kinh tế lớn nhất thế giới- trong quý III/2017 đạt nhịp độ tăng trưởng nhanh nhất trong ba năm qua. Cụ thể, GDP quý III của Mỹ được điều chỉnh lên 3,3%, so với mức tăng 3,1% của quý trước đó, mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ quý III/2014 và lần thứ hai tăng vượt mức mục tiêu 3% mà Tổng thống Donald Trump đặt ra. Trong lúc tỷ lệ thất nghiệp giữ ở mức 4,1% trong tháng 11, thấp nhất trong 17 năm qua.
Kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng 2,5% trong cả năm 2017 và 2018, cao hơn so với các dự báo đưa ra hồi tháng 9/2017, nhưng bằng với mức của năm 2016, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm xuống còn 3,9% trong năm 2018.
Khi các điều kiện thị trường lao động và lạm phát diễn biến theo như kỳ vọng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 13/12/2017 đã tăng lãi suất cơ bản lần thứ ba trong năm,thêm 0,25 điểm phần trăm, từ khoảng 1 - 1,25% lên 1,25 - 1,5%.
Trụ sở Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ở Washington DC. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Trong khi đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc đạt được những kết quả ấn tượng trong năm 2017. Duy trì được đà tăng trưởng ổn định, nước này đã cải thiện được chất lượng tài sản, giảm rủi ro nợ và tạo được động lực mới cho tăng trưởng dài hạn và bền vững.
Kinh tế Trung Quốctăng trưởng 6,8% trong quý III/2017, quý tăng trưởng trên 6,7% thứ chín liên tiếp. Trong ba quý I, II, III năm nay, kinh tế nước này tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trên mục tiêu mà chính phủ đặt ra cho năm nay là 6,5%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc lần thứ tư trong năm nay, lên 6,8% năm 2017 và 6,5% năm 2018.
Trung Quốc cũng đạt nhiều tiến bộ trong việc giải quyết tính trạng dư thừa công suất, một trong bốn nhiệm vụ then chốt trong tiến trình cải cách cơ cấu phía nguồn cung đang được thực hiện. Trung Quốc đã hoàn thành kế hoạch giảm công suất sản xuất thép khoảng 50 triệu tấn và than ít nhất 150 triệu tấn trong năm nay.
Tuy nhiên, IMF cảnh báo hàng chục ngân hàng lớn của Trung Quốc cần tăng cường dự phòng trước bất kỳ tác động nào trước sự phá sản của các doanh nghiệp đang "ngắc ngoải" (hay doanh nghiệp zombie). Trung Quốc đã dựa vào đầu tư từ tiền đi vay và xuất khẩu để tăng trưởng kinh tế và một số ngân hàng đã đối mặt với sức ép cho vay khi các chính quyền địa phương muốn tạo nhiều việc làm.
Tại Eurozone, tăng trưởng GDP trong quý III đạt 0,6% so với quý trước đó và 2,5% so với cùng kỳ năm 2016, mức tăng hàng năm cao nhất kể từ quý I/2011. Nền kinh tế khu vực trong quý IV/2017 thậm chí còn có thể đạt mức tăng trưởng 0,8%, khép lại "một năm khởi sắc nhất trong một thập niên”. Số liệu mới nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp (đã điều chỉnh theo mùa) của Eurozone giảm từ 8,9% hồi tháng 9/2017 xuống mức 8,8% vào tháng 10, thấp nhất kể từ tháng 1/2009.
Trong bối cảnh nền kinh tế Eurozone bắt đầu khởi sắc hơn, hồi tháng 10, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo sẽ thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu xuống 30 tỷ euro (36 tỷ USD)/tháng kể từ tháng 1/2018 và kéo dài cho đến tháng 9/2018, nhưng có thể kéo dài hơn nữa nếu cần thiết.
Trong khi kinh tế Nhật Bản trong quý III/2017 tăng trưởng 0,6% so với quý II và cao gấp đôi mức dự báo 0,3% được đưa ra trước đó. So với cùng kỳ năm 2016, kinh tế nước nay tăng trưởng 2,5%, vượt mức dự báo 1,4% của chính phủ. Đây là quý tăng trưởng thứ 7 liên tiếp, cũng là chuỗi tăng trưởng ấn tượng nhất kể từ năm 1994 của nền kinh tế châu Á này.
Theo chuyên gia Yuichiro Nagai của ngân hàng đầu tư Barclays Capital, Tokyo có thể tuyên bố vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019 rằng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài nhiều năm liền.
Còn nền kinh tế Brazil lớn nhất Mỹ Latinh đang dần phục hồi sau hai năm suy thoái, nước này mới đây đã nâng dự báo tăng trưởng cho năm 2017 và 2018 lên 1,1% và 3%, so với mức tăng tương ứng 0,5% và 2% đưa ra trước đó. Từ quý I - quý III/2017, GDP của Brazil tăng khoảng 0,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Triển vọng và những rủi ro
IMF và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,7% trong năm 2018 với sự lạc quan chưa từng có trong hơn một thập niên, nhưng điều này không có nghĩa là các chính phủ có thể tự mãn bởi như Tổng Giám đốc IMF Christine Largade đã nói khi nền kinh tế phục hồi sau suy thoái là lúc cần giải quyết các vấn đề của hiện tại.
Có nhiều rủi ro kinh tế và chính trị tiềm ẩn đối với kinh tế toàn cầu trong năm 2018 như sai lầm chính sách khiến cho những người đi vay chịu sức ép, chính sách bảo hộ của Mỹ và phản ứng trước hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc với các rào cản thương mại bất lợi cho tăng trưởng được triển khai hay sự lao dốc bất ngờ của thị trường ảnh hưởng đến chi tiêu và nhu cầu.
Sự thành công của kinh tế toàn cầu năm 2017 một phần là nhờ sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ siêu nới lỏng và những nỗ lực của các ngân hàng trung ương trong việc rút dần các biện pháp kích thích như vậy. Nhưng bước vào năm 2018, Fed dự kiến tăng lãi suất ba lần, ECB đang hãm tốc độ mua tài sản và Trung Quốc sẽ tăng lãi suất và tất cả những điều này sẽ được các nhà hoạch định chính sách thận trọng thông báo, nhưng những sai lầm có thể xảy ra và bất kỳ sự thay đổi lớn nào có thể sẽ làm giảm sức chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Theo nhà kinh tế trưởng tại châu Á của Morgan Stanley, Chetan Ahya, trong báo cáo Triển vọng 2018 cho rằng những rủi ro đối với sự ổn định tài chính là mối đe dọa lớn hơn đến việc duy trì chu kỳ tăng trưởng so với rủi ro đối với sự ổn định giá cả. Điều này có nghĩa việc các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế đà tăng trưởng quá mạnh và rủi ro lạm phát sẽ gây ra sự hạn chế tín dụng, do đó khiến Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản thận trọng.
IMF, OECD và các nhà kinh tế cảnh báo các công ty đã tăng cường vay mượn khi lãi suất cho vay siêu thấp hiện đang đối mặt với khả năng lãi suất tăng, và Tổng thư ký OECD Angel Gurria gần đây nói tình trạng nợ nần của các gia đình và các doanh nghiệp đã lên đến mức kỷ lục ở nhiều quốc gia. Lãi suất siêu thấp cho phép các doanh nghiệp với lợi nhuận thấp hoặc không có lợi nhuận tiếp tục hoạt động cầm chừng với chi phí thấp hơn, nhưng khi lãi suất bị thắt chặt như đang diễn ra tại Mỹ và có thể là ở Eurozone trong vài năm tới, chi phí trả lãi vay có thể nhanh chóng vượt lợi nhuận, buộc những doanh nghiệp này phải tái cơ cấu hoặc đóng cửa và một làn sóng phá sản và vỡ nợ doanh nghiệp có thể nhanh chóng tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.
Lên nắm quyền sau khi thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 với chủ trương "Nước Mỹ là trên hết", Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những động thái nhân danh lợi ích của nước Mỹ, chẳng hạn điều tra thép nhập khẩu, và rút Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương hiện còn 11 nước thành viên.
Thâm hụt thương mại của Mỹ tăng lên 43,5 tỷ USD mặc dù xuất khẩu là động lực tăng trưởng kinh tế và thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc giảm nhưng vẫn là 34,6 tỷ USD. Tổng thống Mỹ đã yêu cầu nhanh chóng giảm thâm hụt thương mại ở mức cao và nếu những tuyên bố được biến thành hành động, môi trường kinh tế năm 2018 có thể sẽ nhanh chóng xấu đi.
Theo Conference Board, xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ gấp gần năm lần so với xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc, có nghĩa bất kỳ rào cản thương mại nào được thực hiện sẽ tác động đến tăng trưởng của Trung Quốc, nước đóng vai trò không nhỏ đối với sự thịnh vượng của không ít quốc gia xuất khẩu. Đây không chỉ là vấn đề trong quan hệ Mỹ - Trung.