Kinh tế toàn cầu trở lại giai đoạn khó khăn kéo dài

Trong bài phân tích đăng trên tạp chí “Nhà kinh tế” (Anh) mới đây, Stephen Roach - giảng viên tại Đại học Yale, Chủ tịch không điều hành của Morgan Stanley châu Á và tác giả cuốn “Châu Á tiếp theo” - cảnh báo kinh tế Mỹ đang trở lại thời kỳ của Nhật Bản trước đây. Những “skeleton” (thây ma) sẽ đẩy nền kinh tế này và nền kinh tế toàn cầu tới một giai đoạn khó khăn kéo dài.

Người biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Athens (Hy Lạp) để phản đối chính sách kinh tế khắc khổ của chính phủ ngày 15/6. Ảnh: AFP-TXVN


Theo bài phân tích trên, nền kinh tế toàn cầu đang bị ngáng chân bởi một thế hệ “skeleton kinh tế” mới, do người tiêu dùng Mỹ trở nên tiết kiệm chưa từng thấy. Kể từ đầu năm 2008 tới nay, tức đã trải qua 13 quý, tăng trưởng tiêu dùng ở Mỹ sau khi trừ yếu tố lạm phát chỉ đạt 0,5%. Có lẽ chưa bao giờ kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, người tiêu dùng Mỹ hạn chế mở ví lâu như vậy.

Hội chứng “skeleton" luôn có yếu tố báo trước. Đó là những gì đã diễn ra trong cuộc suy trầm ở Nhật Bản, kéo theo 2 thập kỷ suy thoái của nền kinh tế này. Được sự hỗ trợ của chính phủ, các ngân hàng Nhật Bản tiếp tục cho vay vốn tới hàng loạt công ty không có khả năng trả nợ, trì hoãn cải cách và kết cục là cuộc khủng hoảng không tránh khỏi. Năng suất lao động ở Nhật Bản giảm mạnh như là kết quả của một giai đoạn “skeleton đầy rẫy”. Được đảm bảo bởi các ngân hàng luôn sẵn sàng cho vay, các công ty lẽ ra nên phá sản nhưng vẫn tiếp tục tồn tại dù dư thừa lao động và công suất. Chúng hút mất nguồn sinh lực cực kỳ quan trọng của kinh tế Nhật Bản sau khủng hoảng.

Tình hình ở Mỹ hiện nay cũng giống như Nhật Bản trước đây. Sau hàng chục năm mặc sức chi tiêu, người tiêu dùng Mỹ đang căn cơ hơn bao giờ hết. Tiêu dùng được dựa trên hai quả bong bóng giá liều lĩnh: Bất động sản và tín dụng, và cả hai đều đã nổ tung. Sẽ mất thời gian dài để người tiêu dùng Mỹ trở lại thời kỳ chi tiêu mạnh tay. Quá trình bãi bỏ các đòn bẩy tài chính, giúp giảm thiểu nợ phái sinh, vẫn chưa bắt đầu. Đầu năm 2011, nợ của các hộ gia đình đã giảm xuống còn 115% thu nhập khả dụng. Mặc dù tỷ lệ này thấp hơn 30% vào thời điểm đỉnh cao năm 2007, nhưng nó vẫn quá cao so với mức trung bình 75% trong giai đoạn 1970 - 2000.

Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân ở Mỹ trong tháng 3 và 4/2011 đứng ở mức 4,9% thu nhập khả dụng. Mặc dù đã tăng so với mức đáy 1,2% giữa năm 2005, nhưng nó vẫn quá thấp so với mức trung bình gần 8% suốt 30 năm cuối cùng của thế kỷ 20. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang làm mọi thứ có thể để ngăn chặn bất ổn kinh tế.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tung ra hai loạt nới lỏng tín dụng nhằm kéo người tiêu dùng trở lại trào lưu chi tiêu, trong khi Quốc hội và Chính phủ cũng thực hiện các giải pháp ngăn chặn làn sóng tịch biên nhà cửa, cùng các chương trình giãn nợ khác. Mục đích là đưa những “skeleton tiêu dùng” quên đi khó khăn để mở ví trở lại, bất kể những thiệt hại tài chính mà họ phải gánh chịu sau suy thoái. Tuy nhiên, người tiêu dùng Mỹ tỏ ra khôn ngoan hơn các nhà hoạch định chính sách nước này. Trước các chính sách tiền tệ và tài khóa không bền vững, người tiêu dùng hiểu rằng trong trường hợp khả dĩ nhất chúng chỉ có tác dụng tạm thời. Điều đó có nghĩa họ phải tự quyết định số phận của mình. Lương thấp dưới mức trung bình và tỷ lệ thất nghiệp cao (24 triệu người Mỹ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm) càng khiến các hộ gia đình phải siết chặt chi tiêu. Cắt giảm chi tiêu, giảm bớt vay tín dụng và tiết kiệm là những lựa chọn phù hợp cho các “skeleton tiêu dùng”. Đặc biệt, đó càng là lựa chọn hợp lý đối với thế hệ 77 triệu người sinh ra sau Thế chiến Thứ II chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu.

Giống như các “skeleton Nhật Bản”, chưa có một giải pháp nhanh chóng cho vấn đề tiêu dùng giảm sút ở Mỹ. Sẽ phải mất ít nhất 3-5 năm nữa trước khi gánh nặng nợ nần và tỷ lệ tiết kiệm trở lại mức bền vững. Do chi tiêu tiêu dùng chiếm 70% GDP, suy giảm tiêu dùng sẽ làm tổn hại nặng nề tới tăng trưởng kinh tế, trừ phi nước Mỹ nhanh chóng tìm ra một động lực tăng trưởng mạnh mẽ mới. Sự bất lực về chính sách của Oasinhtơn cho thấy khả năng này khó xảy ra.
Nền kinh tế toàn cầu sẽ gánh chịu những hậu quả nặng nề. Sự sụt giảm của nền kinh tế tiêu dùng lớn nhất thế giới, cũng như trì trệ của kinh tế Nhật và khủng hoảng nợ châu Âu, sẽ là cú giáng cuối cùng vào các nền kinh tế phải dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng.
Những “skeleton tiêu dùng” có thể còn gây hại tới kinh tế Mỹ nhiều hơn các “skeleton doanh nghiệp” gây hại cho Nhật Bản trước đây. Chiếm 70% GDP, tiêu dùng cá nhân ở Mỹ lớn gấp 3,5 lần tỷ trọng chi tiêu doanh nghiệp ở Nhật Bản vào thời đỉnh cao hồi đầu những năm 1990. Nếu không rút ra được bài học nào từ Nhật Bản, nhất là vào thời kỳ đầy rẫy những “skeleton” sau giai đoạn thị trường bong bóng đổ vỡ, kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu sẽ còn khó khăn trong nhiều năm tới.

Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN