Trong khi đó, các nước châu Âu và Liên minh châu Âu (EU) lại đang trên bờ vực của “viêm phổi”, đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng cả về kinh tế lẫn lòng tin, đe dọa đẩy lục địa già vào một thời kỳ đen tối nhất.
Tương lai của châu Âu là một trong những chủ đề chính tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 46 vừa diễn ra tại Davos (Thụy Sỹ). Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 23/1 cảnh báo cuộc khủng hoảng người di cư đã đẩy châu Âu tới một giới hạn hết sức nguy hiểm và đe dọa sự tồn tại của Khu vực tự do đi lại Schengen của EU. Còn tỷ phú Mỹ George Soros cảnh báo EU “đang tan rã”, thể hiện qua sự hoảng loạn trong chính sách tiếp nhận người di cư của EU và số lượng người tị nạn đã vượt quá giới hạn mà các nước thành viên có thể tiếp nhận.
Người tị nạn đi bộ qua biên giới Macedonia vào Serbia trong tiết trời lạnh giá ngày 25/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Một số nhà quan sát cho rằng để đối phó với vấn nạn này, châu Âu cần tiếp tục tăng cường siết chặt kiểm soát biên giới. Trong nhiều thập niên qua, châu Âu đã nhiều lần nói đến việc hỗ trợ những nước nghèo phát triển, cải thiện đời sống người dân, qua đó, làm giảm làn sóng di dân sang châu Âu. Một số dự án đã được thực hiện, nhưng quá ít ỏi và không mang lại hiệu quả cụ thể.
Đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, các quốc gia châu Âu đã phải vật lộn để đạt được một thỏa thuận tìm cách ứng phó tốt nhất cho những người mới đến. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi của một số bộ phận dân chúng cho rằng việc nhận những người xin tị nạn sẽ mở cửa cho chủ nghĩa khủng bố ở châu Âu, nhất là sau một loạt vụ tấn công đẫm máu cùng với những vụ bê bối liên quan đến người nhập cư gần đây, với sự vỡ mộng về chính trị và sự phá hoại của chủ nghĩa dân túy đã làm gia tăng thêm mức độ phức tạp. Để tháo ngòi khủng hoảng, người ta cần một giải pháp bền vững cho sự ổn định, việc làm và phát triển kinh tế. Nhưng thật không may, ít nhất là trong tương lai gần, chưa ai thấy được ánh sáng phía cuối đường hầm.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cho rằng nguy cơ đang kề cận với người dân châu Âu khi họ phải chống chọi sự phá hoại của chủ nghĩa dân túy, song vẫn còn hy vọng cho tương lai vì châu Âu đã có một nền tảng vững chắc để thành công. Ông Schulz tin tưởng vào thành công, song nhấn mạnh tầng lớp chính trị của châu Âu cần phải cải tổ "ngôi nhà chung", bắt đầu chú trọng tới bức tranh lớn thay vì chỉ quanh quẩn trong lĩnh vực quản lý khủng hoảng, và từ đó mới có thể truyền cảm hứng cho người dân.
Liệu yêu cầu này có phải là quá nhiều? Châu Âu từng làm điều này khi đạt được nhận thức chung để xây dựng nguyên bản EU cách đây 60 năm với các kết quả thật ấn tượng. Giờ điều mà châu Âu cần là một tầm nhìn xa, đủ để giải quyết các vấn đề khúc mắc và đạt được tiến bộ thông qua hợp tác, đầu tiên ở cấp khu vực và sau đó trên phạm vi toàn cầu. Chỉ khi nào chính phủ các nước châu Âu và EU có thể quản lý được các cuộc khủng hoảng gây tổn hại cho châu lục, thì họ mới có thể truyền cảm hứng cho mọi người. Do đó trong năm tới EU sẽ còn nhiều thử thách, và họ cần lấy lại sự đoàn kết vốn đã trở nên thiếu rõ ràng giữa các quốc gia châu Âu trong vài năm qua.
Quá trình sửa chữa ngôi nhà chung cũng sẽ phải bắt đầu từ việc điều chỉnh những sai lầm kéo dài nhiều thập kỷ. Sẽ thật mỉa mai nếu châu Âu thất bại và để thành quả 60 năm hợp tác sụp đổ trong lúc này. Tuy nhiên, để thoát khỏi bờ vực, châu Âu cần có những bước đi vững chắc và nỗ lực ngăn các quốc gia thành viên tự mình chặn đứng lối thoát.