Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, phần lớn năm 2021, các nhà đầu tư ám ảnh trước tình trạng giá cả tăng vọt ở phương Tây và lo ngại ngày càng tăng trong những tuần gần đây.
Khắp châu Âu và ở Mỹ, các nhà hoạch định chính sách đang đối mặt với tình huống tồi tệ nhất khi nhu cầu tiêu dùng tăng vọt sau khi các biện pháp phòng chống COVID-19 được nới lỏng, cộng với một loạt các vấn đề về nguồn cung: công ty vất vả tìm người lao động, tắc nghẽn chuỗi cung và giá năng lượng tăng vọt.
Tại Anh, cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Andrew Bailey đã có dấu hiệu cho thấy có thể ngân hàng này sắp tăng lãi suất để đối phó với lạm phát. Ngày 17/10, ông phát biểu rằng giá điện tăng toàn cầu có nghĩa là lạm phát sẽ còn cao trong một giai đoạn dài. Ông nói: “Chính sách tiền tệ không giải quyết được các vấn đề về nguồn cung, nhưng sẽ phải hành động và phải làm vậy nếu chúng tôi thấy rủi ro, đặc biệt là rủi ro lạm phát trung hạn”. Chỉ mới tháng trước, ông Bailey còn nhận định tình trạng giá cả tăng sẽ chỉ là nhất thời.
Tại Mỹ, trong tháng 9, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ giữ lãi suất ổn định, nhưng Ủy ban Thị trường Mở Liên bang, cơ quan hoạch định chính sách của ngân hàng này, cho biết có thể sớm giảm quy mô chương trình mua trái phiếu khi nền kinh tế trên đà phục hồi.
Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đầu tháng 10, New Zealand đã lần đầu tăng lãi suất để đối phó với thị trường nhà ở nóng và lạm phát.
Tuần trước, Singapore đã thắt chặt tỷ giá hối đoái với lý do cần đảm bảo ổn định giá cả trong trung hạn, đồng thời thừa nhận các rủi ro với phục hồi kinh tế.
Trong khi đó, Hàn Quốc vẫn giữ ổn định lãi suất sau khi tăng hồi tháng 8 - lần đầu tiên sau ba năm do giới chức lo ngại gánh nặng nợ.
Ông Song Seng-wun, nhà kinh tế tại CIMB Private Banking, cho rằng động thái của ba nền kinh tế nói trên là do các yếu tố trong nước và không phản ánh tâm lý chung của các ngân hàng trung ương ở châu Á – Thái Bình Dương. Ông nói: “Các quốc gia ở đây vẫn bị ảnh hưởng lớn do đại dịch, do biến thể Delta… Nhìn vào các chỉ số, dường như phần lớn ngân hàng trung ương châu Á vẫn chưa cần hành động gì”.
Bà Priyanka Kishore, trưởng nhóm phụ trách Ấn Độ và Đông Nam Á tại Oxford Economics, cho rằng phần lớn nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương có triển vọng tăng trưởng yếu, làm giảm giá đầu vào và đầu ra. Cả trên toàn cầu, bà Kishore cũng cho rằng các nền kinh tế chưa bước vào giai đoạn lạm phát cao và bà cho rằng lạm phát sẽ giảm khi các vấn đề chuỗi cung dần được giải quyết.
Bà nói thêm: “Mặc dù chúng tôi dự báo lạm phát cao sẽ bóp nghẹt thu nhập thực và cản trở toàn cầu phục hồi kinh tế năm 2021 và 2022, nhưng điều này không giống nhau ở mọi khu vực. Chúng tôi vẫn cho rằng vấn đề lạm phát ở châu Á-Thái Bình Dương không như ở Mỹ, châu Âu và Mỹ Latinh”.
Các nhà phân tích khác cho rằng khi các nền kinh tế vẫn phục hồi, tăng trưởng vẫn là mục tiêu chung cả các ngân hàng trung ương.
Việc các ngân hàng trung ương có thể đối phó lạm phát bằng cách tăng lãi suất trong giai đoạn tăng trưởng bình thường dễ gây tranh cãi, đặc biệt là khi áp lực giá chủ yếu là do tắc nghẽn chuỗi cung. Ông Song nói: “Ví dụ, nếu công nhân không tới đồn điền thu hoạch dầu cọ được nên giá dầu cọ cao, thì lãi suất hầu như không làm gì được”.
Do đó, các chuyên gia nhận định sẽ có chia rẽ về định hướng chính sách ở Đông Nam Á. Indonesia đang có lợi nhờ giá hàng hóa tăng, còn Philippines đang chịu lạm phát vượt mục tiêu và kêu gọi tăng lãi suất. Singapore chỉ thắt chặt chính sách tiền tệ sau khi xác định không ảnh hưởng tới phục hồi kinh tế.
Ông Nicholas Mapa, nhà phân tích cấp cao tại ING, nhận định: “Các ngân hàng trung ương tại các nước có nền kinh tế đang hồi phục sẽ trì hoãn tăng lãi suất càng lâu càng tốt để hỗ trợ nền kinh tế càng nhiều càng tốt. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương ở những nước có nền kinh tế phục hồi tốt hơn có thể bắt đầu thắt chặt chính sách không sớm thì muộn”.
Ông Joseph Incalcaterra, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực ASEAN tại ngân hàng HSBC nhận định Malaysia sẽ là quốc gia tiếp theo thắt chặt chính sách tiền tệ trong khu vực.