Kỳ 1: "Phát súng tịt"Trong bối cảnh leo thang căng thẳng giữa Moskva và phương Tây liên quan đế vấn đề Crimea, các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn đang vật lộn với sự lựa chọn về phạm vi của các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm chống lại Nga.
Sau khi Mỹ thông báo mở rộng danh sách trừng phạt thêm 21 quan chức và doanh nhân hàng đầu của nước Nga, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định áp đặt thêm lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với 12 người Nga và Ukraine, nâng tổng số đối tượng bị EU trừng phạt lên thành 33. Ngoài ra, EU cũng hủy Hội nghị thượng đỉnh EU-Nga dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới.
Tổng thống Mỹ Obama (trái) và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: B.I |
Hình thức xử phạt, ít nhất cho đến hiện tại, xem như là một sự phản ứng đối với những quyết định của Tổng thống Vladimir Putin sáp nhập Crimea vào Nga. Bước tiếp theo có thể phương Tây sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế trên diện rộng bao gồm cả lệnh cấm vận thương mại và đóng băng tài sản kinh doanh của các công ty Nga. Tuy nhiên, ông Martin Schulz, chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy thừa nhận tới nay các nhà lãnh đạo EU vẫn chưa thống nhất về áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga, do nhiều nền kinh tế EU phụ thuộc đáng kể vào nền kinh tế Nga, như trong lĩnh vực năng lượng, có lợi ích tài chính hay những khoản đầu tư lớn ở Nga.
EU đã tìm cách đánh bóng hình ảnh của mình như là một người chơi chính trong cuộc khủng hoảng Ukraine khi tham gia trực tiếp cùng với các thủ lĩnh của phong trào Euromaidan tại Kiev và chứng kiến việc ký kết Hiệp định ngày 21/2 giữa phe đối lập và Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich. Tuy nhiên, khi tình hình leo thang liên quan đến việc Crimea sáp nhập vào Nga, EU buộc phải có những bước đi thận trọng về vấn đề trừng phạt kinh tế đối với Moskva.
Một sự phong tỏa kinh tế toàn diện của phương Tây có thể làm tê liệt nền kinh tế Nga, nhưng nó cũng sẽ tác động tiêu cực rất lớn đối với nền kinh tế của EU. Có lẽ Đức sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất trong vụ trừng phạt "ăn miếng trả miếng" lẫn nhau giữa Nga và phương Tây. Một thực tế giải thích cho điều này là Thủ tướng Đức Angela Merkel luôn kêu gọi giải quyết xung đột bằng ngoại giao thay vì các lệnh trừng phạt.
Nga là đối tác thương mại lớn thứ 3 của EU, một nhà cung cấp năng lượng lớn đồng thời là một trung tâm đầu tư kinh doanh của châu Âu. "Nếu phương Tây vượt ra khỏi các biện pháp trừng phạt mà họ đang áp dụng, Nga sẽ trả đũa và có thể gây tổn hại cho nền kinh tế châu Âu", ông Robert Oulds, Giám đốc của Tập đoàn Bruges và là một cố vấn của Eurosceptic có trụ sở tại London nói.
"Đức phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ và khí đốt của Nga. Nếu Nga trả đũa với biện pháp trừng phạt riêng của mình, giá cả sẽ tăng lên, tạo ra một cú sốc kinh tế và có thể dẫn đến một thảm họa. Các nền kinh tế châu Âu vốn đang trong cuộc khủng hoảng về giảm phát", ông Oulds nói thêm.
EU là đối tác thương mại chính của Nga, chiếm hơn 40% thương mại của Moskva. Xuất khẩu từ châu Âu sang Nga bao gồm máy móc và thiết bị vận tải, hóa chất, thuốc và các sản phẩm nông nghiệp. Ngược lại, EU nhập khẩu gần 80% xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga, trong đó Đức là nhà nhập khẩu dầu và khí đốt lớn nhất.
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Der Spiegel, Eckhard Cordes, Chủ tịch Ủy ban quan hệ kinh tế Đông Âu, nói rằng 300.000 việc làm của Đức có thể bị nguy hiểm khi các biện pháp trừng phạt ăn miếng trả miếng giữa phương Tây và Nga được thực hiện. "Tôi rất lo rằng chúng tôi sẽ tạo ra một vòng xoáy đi xuống của các biện pháp trừng phạt và việc trả đũa. Điều này không có lợi cho bất cứ ai", ông Cordes nói.
Các nhà lãnh đạo EU cùng lãnh đạo Nga tại cuộc thảo luận về Dự án Dòng chảy phương Bắc. Ảnh: B.I |
Hơn 6.000 công ty Đức đã đăng ký kinh doanh ở Nga và tổng số vốn đầu tư của các công ty này lên tới 20 tỷ USD trong những năm gần đây, trong đó có các công ty lớn như Siemens, tập đoàn hóa chất khổng lồ BASF của Đức (có cổ phần trong các lĩnh vực khí đốt ở Siberia) và nhà cung cấp năng lượng E.ON...
Nga đã lờ đi những lệnh trừng phạt của phương Tây vốn chủ yếu mang tính chính trị này. Hơn nữa, phương Tây cũng có thể bị thiếu thực tế là Tổng thống Putin sẵn sàng chịu những áp lực khi quyết định sáp nhập Crimea và Moskva cũng dường như đã sẵn sàng chịu đựng những phản ứng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, như hơn 80% phần trăm số người được hỏi trong một cuộc thăm dò tuần trước nói rằng Nga nên cho Crimea gia nhập, thậm chí nếu điều này sẽ gây ra một phản ứng dữ dội từ các nước khác.
Lệnh đóng băng tài sản dường như là "một phát súng tịt" khi mà ông Putin một năm trước đây đã ra lệnh cho tất cả các quan chức chính phủ đóng tài khoản ngân hàng và bán ra tài sản của họ ở nước ngoài.
Dù vậy, bế tắc chính trị với phương Tây đã khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài của Nga sụt giảm 35 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm nay so với gần 60 tỷ USD vốn đầu tư mà nước này nhận được trong năm 2013, trong khi thị trường chứng khoán Nga đã mất 17 điểm trong tháng 3 và giá đồng rúp tiếp tục giảm.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng biện pháp trừng phạt kinh tế lớn sẽ gây khó khăn cho Nga và các mối đe dọa trừng phạt tài chính đã cản trở các công ty Nga tiếp cận tín dụng ngân hàng phương Tây. "Mặc dù thị trường ngoại hối vẫn chính thức mở, nhưng không dành cho người mượn là người Nga. Trong trường hợp xấu nhất, nguồn vốn nước ngoài dành cho các công ty Nga có thể bị chặn lại trong 1-2 năm", Alexei Marey tại ngân hàng Alfa (Nga) cho biết.