Lệnh trừng phạt và bài toán tăng trưởng GDP của Nga

Theo báo “Độc lập” (Nga), ngày 15/9 hãng xếp hạng tín dụng Moody’s đã cảnh báo mức tín nhiệm của nền kinh tế Nga đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của các lệnh trừng phạt. Trước đó hãng Fitch cũng đưa ra thông tin không mấy lạc quan về tình trạng "sức khỏe" của nền kinh tế Nga. Trong khi đó, giới chuyên gia kinh tế nước này không loại trừ khả năng thời gian tới chỉ số xếp hạng tín dụng của Nga có thể tiếp tục bị hạ thấp.

Một siêu thị tại Moskva. Ảnh: AFP


Các chuyên gia của Moody’s cho rằng việc phương Tây thắt chặt các lệnh trừng phạt có thể ảnh hưởng đến tình trạng ngân sách của Nga. Bên cạnh đó, các hình thức hạn chế cho các ngân hàng và công ty lớn của Nga huy động tài chính ở nước ngoài vừa mới được áp dụng là yếu tố tiếp tục làm cho các tập đoàn của Nga càng gặp khó khăn hơn, khi mà các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không còn mấy quan tâm đến các loại cổ phiếu do Nga phát hành.

Các chuyên gia của Moody’s cũng nhận định rằng các lệnh trừng phạt mới có thể làm tăng tốc độ rút vốn ra khỏi nền kinh tế Nga, khiến đồng rúp tiếp tục suy yếu và Nga phải áp dụng thêm các biện pháp nhập khẩu thay thế. Tất cả các yếu tố kể trên sẽ tạo thành áp lực đè lên tỷ lệ lạm phát, hiện đang nằm khá xa so với ngưỡng dự báo của ngân hàng trung ương Nga. Trong tháng tám vừa qua, tỷ lệ lạm phát của Nga đã cán mốc 7,6% so với mức 6,1% của cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, các chuyên gia quốc tế cho rằng việc tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt trong tương lai trung và dài hạn sẽ khiến một số chỉ số tín nhiệm chủ chốt của nền kinh tế Nga bị đe doạ nghiêm trọng. Trong đó việc giữ được thăng bằng và tích trữ ngoại tệ là hai lĩnh vực nhạy cảm nhất.

Theo đánh giá của Moody’s, nếu lệnh trừng phạt được duy trì trong thời gian dài thì dự trữ ngoại tệ của Nga có sẽ thể giảm xuống 3 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Việc không được tiếp cận các nguồn tài chính từ bên ngoài cũng sẽ góp phần làm nâng cao mức độ nhạy cảm của nền kinh tế Nga trước sự thay đổi của giá dầu mỏ trên thị trường thế giới.

Ngoài ra, đầu tư nước ngoài và sức tiêu dùng trong nước suy giảm còn tác động tiêu cực đến nhịp độ tăng trưởng GDP trong năm 2014. Dự báo của Moody’s cho biết năm nay tăng trưởng GDP của Nga có thể sẽ bị suy giảm 1% và đến năm 2015 sẽ bắt đầu những dấu hiệu suy thoái nặng hơn.

Khách hàng chọn mua sữa tại một cửa hàng thực phẩm ở Saint Petersburg ngày 7/8. Ảnh: AFP-TTXVN


Về phần mình, Fitch cho biết hãng có thể phải xem xét lại các dự báo đối với nền kinh tế Nga vì những lo ngại khủng hoảng. Hiện hãng này vẫn giữ nguyên chỉ số tín dụng của Nga ở mức BBB, nghĩa là ở mức trung bình và nhịp độ tăng trưởng GDP trong năm 2014 là 0,5%, trong khi dự trữ ngoại tệ có thể giảm xuống còn 400 tỷ USD.

Giới quan sát độc lập cho rằng việc hai hãng xếp hạng tín dụng đưa ra những đánh giá tương đối khác biệt cho thấy tính chất bất ổn của nền kinh tế Nga khá cao. Tuy nhiên, với tình trạng sức khỏe của nền kinh tế như hiện nay, đặc biệt là cách thức Nga đã chống đỡ với ba cấp độ trừng phạt, cho thấy GDP của Nga khó có khả năng sụt giảm.

Sở dĩ Moody’s và Fitch đưa ra những cảnh báo tương đối bi quan về nền kinh tế Nga là do các tiêu chuẩn mà họ áp dụng thường gắn liền với các diễn biến và động thái chính trị. Tuyên bố của các nhà lãnh đạo phương Tây về việc tiếp tục gia tăng lệnh trừng phạt nếu tình hình ở miền Đông Ukraine không được cải thiện, có lẽ đã ảnh hưởng mạnh đến tâm lý của các chuyên gia hai hãng này.

Đại diện của Fitch tại Nga Olga Ignatieva cho biết thông thường mỗi năm hãng đưa ra hai lần đánh giá vào đầu quý I và quý III đối với một nền kinh tế. Dự báo của Fitch sẽ được giữ nguyên nếu không có các nguyên nhân khẩn cấp phải thay đổi mức xếp hạng tín dụng đã đưa ra. Hiện hãng này đang chờ đợi các số liệu kinh tế quý III/2014 của Nga, dự kiến đựơc công bố vào cuối tháng chín này, trước khi quyết định có xem xét lại các đánh giá về nền kinh tế Nga hay không.


Cao Cường (TTXVN tại Moskva)
Những nước cờ kinh tế mới của Nga
Những nước cờ kinh tế mới của Nga

Trong bối cảnh EU và Mỹ thiết lập một loạt các lệnh trừng phạt đối với Nga vì cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine, Moskva không những đã nhanh chóng có những biện pháp trả đũa “đúng huyệt”, mà còn khẩn trương xây dựng quan hệ kinh tế với các nhà xuất khẩu mới từ Mỹ Latinh cho đến châu Phi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN