‘Lối thoát’ của Nga trước lệnh trừng phạt từ phương Tây

Các biện pháp trừng phạt và sự rút lui của các nhà đầu tư phương Tây sau cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ tạo động lực để Moskva có những nỗ lực nghiêm túc để cải thiện quan hệ với các đối tác phương Đông của mình. Trong trung hạn, châu Á có thể trở thành thị trường phân phối chính đối với hàng hóa cũng như nguồn vốn và công nghệ của Nga.

"Những biện pháp trừng phạt sẽ không chỉ có một tác động đáng kể đến nền kinh tế Nga, mà còn có thể ảnh hưởng đối với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Nga phải biết rằng các hành động leo thang hơn nữa sẽ chỉ làm cho nước này cô lập trong cộng đồng quốc tế", Tổng thống Mỹ Barack Obama nói trong một tuyên bố mở rộng lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga sau khi Moskva sáp nhập Crimea.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ bao gồm đóng băng tài sản, cấm đi lại đối với một số quan chức cấp cao Nga và doanh nhân được cho là có quan hệ gần gũi với Điện Kremlin. Ngoài ra, nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 đã ra tuyên bố chung đe dọa tăng cường trừng phạt Nga, đồng thời loại nước này khỏi nhóm G8.

Các nhà lãnh đạo Nga, Trung Quốc trong một cuộc hội đàm nhằm phát triển quan hệ song phương. Ảnh: Reuters


Trong khi đó, có vẻ như Moskva đã lên một kế hoạch bù đắp khoản thiệt hại do các lệnh trừng phạt của phương Tây tạo ra. Để đối phó, phương án tối ưu mà Nga tính đến là phát triển quan hệ thương mại và kinh tế với phương Đông.

Theo Sergio Men, nhà quản lý vốn của các đối tác đầu tư Á-Âu có trụ sở tại Hong Kong, châu Á thực sự là một lựa chọn thích hợp để thay thế thị trường châu Âu đối với Nga. Đông Nam Á và Đông Á sẽ là các thị trưởng phát triển nhanh nhất đối với các lĩnh vực xuất khẩu chủ yếu của Nga như dầu khí, kim loại, sản phẩm hóa chất, thực phẩm.

Kể từ năm 2009, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với 89 tỷ USD kim ngạch thương mại năm 2013. Hơn nữa, Bắc Kinh cũng sẵn sàng giúp đỡ đối tác Nga. Mặc dù thực tế là phản ứng về mặt chính trị của Trung Quốc đối với các sự kiện trong Crimea rất tế nhị, nhưng về mặt kinh tế, Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ tích cực Moskva để đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng không bày tỏ dù một lời ủng hộ các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống lại Moskva. Bình luận viên của Đài Tiếng nói nước Nga Sergey Tomin cho hay: “Trước hết, Trung Quốc đánh giá cao sự hợp tác chính trị, quân sự-kỹ thuật, thương mại và kinh tế với Moskva. Ngoài ra, với tư cách thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Bắc Kinh hiểu rõ rằng chỉ có các biện pháp trừng phạt quốc tế do HĐBA thông qua có thể được coi là hợp pháp. Thứ ba, phía Trung Quốc nhận thức được rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine là phức tạp hơn nhiều so với cách diễn đạt của các đối tác Phương Tây và Bắc Kinh không có ý định hành động thiếu cân nhắc như Mỹ và các đối tác ở Phương Tây thường làm”.

Bên cạnh đó, Nga có thể tăng cường hợp tác với các đối tác thay thế khác là Hàn Quốc và Nhật Bản. "Kể từ khi nội các mới của Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền, Tokyo đã tăng cường hợp tác với Moskva. Mục đích của nước này không chỉ là phát triển trong lĩnh vực kinh doanh của các công ty Nhật Bản ở vùng Viễn Đông của Nga mà còn giúp Nga tránh trở thành nước chỉ phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc", một cố vấn cao cấp của chính phủ Nhật Bản cho biết.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố sẽ tiếp tục đối thoại với Nga. Có nghĩa là, dù Tokyo và Moskva chưa ký kết hiệp ước hòa bình và chưa giải quyết vấn đề lãnh thổ, nhưng Tokyo vẫn không muốn tham gia chiến dịch của phương Tây kêu gọi “kiềm chế Nga” ở bất cứ nơi nào có thể.

Ấn Độ cũng không thể chấp nhận chính sách mới nhằm răn đe Moskva theo kiểu Chiến tranh Lạnh. Các phương tiện truyền thông Ấn Độ trích dẫn nguồn tin chính phủ cho biết New Delhi sẽ không ủng hộ các biện pháp của Phương Tây gây áp lực đối với Nga vì Ấn Độ về nguyên tắc không bao giờ ủng hộ các biện pháp trừng phạt. Mới đây, Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Shivshankar Menon đã nhắc nhở rằng Nga có lợi ích hợp pháp tại Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt quốc tế nên có sự đồng thuận và hành động thống nhất của tất cả các quốc gia trọng trách trên thế giới cũng như được thực hiện dưới sự giám sát của các cơ quan quốc tế và cơ quan quốc gia có thẩm quyền. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống lại Nga rõ ràng không đáp ứng các tiêu chí đó. Không phải ngẫu nhiên mà Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và phần còn lại của châu Á không tham gia chiến dịch này.

Tham gia chiến dịch chống Moskva do lập trường của Nga trong vấn đề Ukraine chỉ có Mỹ và một số đối tác châu Âu của Washington. Ở châu Á, không nước nào tỏ ý tham gia mặt trận chống Nga đang được thành lập một cách vội vàng dưới lá cờ của Mỹ và EU.


Vũ Thanh
(Tổng hợp)

Cuộc xung đột Ukraine sẽ nóng trở lại?
Cuộc xung đột Ukraine sẽ nóng trở lại?

Ukraine không thể đáp trả vì không có lời tuyên chiến chính thức từ Nga và bất kỳ hành động quân sự nào từ phía Ukraine sẽ bị cho là sự gây hấn và khiêu khích. Hơn nữa, lòng trung thành của các sĩ quan và binh sĩ quân đội Ukraine lại đang lung lay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN