Tình hình tại Libya đang diễn biến hết sức phức tạp khi các cuộc giao tranh giữa các tay súng từ miền Đông do lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar dẫn đầu với các lực lượng ủng hộ Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) của Thủ tướng Fayez al-Serraj ở trong và ngoài thủ đô Tripoli ngày càng ác liệt, bất chấp những lời kêu gọi ngừng bắn của cộng đồng quốc tế.
Đất nước Libya, vốn nhiều năm trong tình trạng chia rẽ chính trị, phân cực sâu sắc và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi, đang đứng trước nguy cơ chìm sâu vào vòng xoáy nội chiến không có hồi kết.
Giao tranh bùng phát sau khi Tướng Haftar ngày 4/4 ra lệnh cho các lực lượng ở miền Đông tiến về miền Tây, tấn công Tripoli với tuyên bố “giải phóng Tripoli, tiêu diệt khủng bố, xóa sổ các băng nhóm tội phạm”, đẩy cuộc xung đột với chính quyền được Liên hợp quốc (LHQ) hậu thuẫn ở Tripoli lên một nấc thang mới hết sức nguy hiểm, khiến tình hình quốc gia Bắc Phi này thay đổi theo chiều hướng rất đáng lo ngại. Đối đầu quân sự giữa hai bên trở nên quyết liệt với cam kết của Thủ tướng Fayez al-Sarraj đáp trả bằng "mọi nỗ lực", đồng thời huy động quân tiếp viện từ các khu vực về Tripoli để "phản công" bảo vệ thủ đô. Không chỉ gây ra thảm họa chết chóc, tiến trình chính trị được LHQ thúc đẩy từ năm 2015 tại quốc gia Bắc Phi đang bên bờ vực đổ vỡ do cuộc giao tranh trên thực địa và những màn cáo buộc không khoan nhượng giữa hai phe phái đối địch tại Libya này. Mặc dù
Đặc phái viên LHQ về Libya Ghassan Salame đã khẳng định quyết tâm tổ chức Hội nghị Dân tộc Libya theo đúng kế hoạch từ ngày 14-16/4 tại thị trấn Ghadames, Tây Nam Libya, song cũng phải thừa nhận rằng việc tiến hành sự kiện này vào thời điểm căng thẳng như hiện nay là hết sức khó khăn. Trong khi đó, các tổ chức khu vực và quốc tế, cũng như nhiều nước trong và ngoài khu vực đều tuyên bố không ủng hộ giải pháp quân sự, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải theo đuổi giải pháp chính trị ở Libya, nhưng thực tế cũng chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi mà không đưa ra được một cơ chế hành động hiệu quả nào để ngăn chặn xung đột leo thang.
Diễn biến mới này cũng làm lung lay hy vọng về khả năng những nỗ lực ngoại giao con thoi của LHQ hơn 1 năm qua nhằm tháo gỡ các "nút thắt" trong cuộc khủng hoảng ở Libya có thể dẫn tới cuộc bầu cử theo đúng lộ trình tại quốc gia Bắc Phi. Tình hình trên thực địa cho thấy dù Hội nghị Dân tộc Libya, dự kiến có sự tham gia của tất cả các phe phái chính trị, quân sự, kể cả những phe phái chưa từng tham gia các cuộc đối thoại trước đây, có diễn ra thì cũng khó thu được thành công khi các lực lượng của Tướng Haftar đã giành quyền kiểm soát nhiều khu vực ở trong và xung quanh thủ đô Tripoli, trong đó có sân bay chính, cán cân quyền lực giữa phe miền Đông và miền Tây đã thay đổi theo hướng có lợi cho Tướng Haftar. Con đường hòa giải và đối thoại chính trị ở Libya đang trở nên mờ mịt.
Có ý kiến cho rằng mục đích của cuộc tấn công Tripoli trước mắt là gây sức ép làm thất bại hội nghị ở Ghadames và về lâu dài là tạo thêm ưu thế cho Tướng Haftar trong các cuộc đàm phán sắp tới. Tại cuộc gặp ngày 6/4 với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, người tới Libya để chuẩn bị cho việc triệu tập hội nghị Ghadames, Tướng Haftar khẳng định sẽ không ngừng các cuộc tấn công vào miền Tây.
Trên thực tế, Tướng Haftar là nhân vật đầy quyền lực song cũng gây nhiều tranh cãi, vừa được xem là "người hùng" trong cuộc chiến chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan, trong đó có tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) ở Libya, song ông cũng bị coi là "mối hiểm họa tiềm tàng" đối với nền hòa bình của quốc gia nhiều bất ổn này. Ông vốn chủ trương hậu thuẫn cho chính quyền đối lập ở Libya đóng ở miền Đông nước này và đã từng nhiều lần từ chối hợp tác với GNA. Tướng Haftar, vốn ưa áp dụng những biện pháp cứng rắn, và các đồng minh, cũng bị xem là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng chia rẽ chính trị ở Libya, do thực tế ông cùng các lực lượng thân cận có thể đóng vai trò quyết định trong tiến trình hòa giải dân tộc ở Libya để đi đến việc hình thành một chính phủ duy nhất tại quốc gia này.
Về phần GNA, mặc dù nhận được sự ủng hộ của LHQ và được quốc tế công nhận, song thế và lực của GNA không đủ mạnh để duy trì quyền lực và kiểm soát tình hình đất nước. Libya rơi vào tình thế chia rẽ Đông – Tây trong suốt mấy năm qua, không bên nào có thể thống nhất đất nước và tập trung quyền lực về một mối để đi đến các cuộc bầu cử dân chủ, tự do nhằm lập lại hòa bình sau nhiều năm chính biến. Chính vì GNA không đủ khả năng kiểm soát tình hình đất nước, một số ý kiến cho rằng Tướng Haftar mới là người duy nhất có thể ngăn chặn tình trạng hỗn loạn ở Libya, và những việc làm của ông Haftar được không ít người ủng hộ.
Libya thời hậu "Mùa Xuân Arab" đang trở thành một đất nước bị phân chia và cạnh tranh quyền lực, một vùng đất đầy rẫy sự mất an ninh, bất ổn kinh tế, xã hội bị xáo trộn. Các phe phái chính trị lợi dụng mâu thuẫn giữa các bộ tộc để kích động đối đầu, khiến bối cảnh ở Libya ngày càng phức tạp và hỗn loạn.
Cũng phải kể đến tác động của các thế lực bên ngoài. Nhiều nước trong khu vực như Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)… được cho là đang đứng đằng sau ngấm ngầm hậu thuẫn phe của Tướng Haftar. Các cường quốc thế giới như Mỹ, Anh, Pháp và thậm chí cả Nga, Italy cùng nhiều nước đang có những toan tính địa chính trị khác nhau đối với Libya. Tình hình cho thấy Libya sẽ khó bề yên ổn chừng nào các thế lực bên ngoài không đạt được đồng thuận chung để đi đến một giải pháp mà các bên liên quan cùng chấp nhận được, và những nỗ lực của LHQ sẽ chỉ như "công dã tràng".
Có thể thấy cuộc tấn công của các lực lượng miền Đông vào miền Tây, nếu giành thắng lợi, thì cũng đồng nghĩa với việc “đặt dấu chấm hết” cho các thỏa thuận đã đạt được trước đó giữa Tướng Haftar và Thủ tướng Al-Sarraj về lộ trình chính trị và tổ chức bầu cử. Các lực lượng, nhóm vũ trang ủng hộ chính quyền Tripoli cũng sẽ buộc phải quy hàng LNA và đi đến tan rã. Tuy nhiên, không ai có thể biết được các cuộc giao tranh giữa hai phe đối địch ở Libya sẽ kéo dài bao lâu, vài tuần hay vài tháng, hay thậm chí lại lặp lại câu chuyện cũ “bất phân thắng bại”, đất nước vẫn “chia đôi” hai miền Đông và Tây. Đây cũng là một kịch bản có thể xảy ra nếu các lực lượng miền Đông không đủ khả năng giành chiến thắng trong chiến dịch quân sự ở miền Tây khi vấp phải sự kháng cự quyết liệt của các lực lượng ủng hộ GNA, vốn cũng đã triển khai chiến dịch quân sự, huy động nhiều máy bay chiến đấu nhằm chặn bước tiến của lực lượng miền Đông.
Những diễn biến ở Libya cho thấy sau biết bao hội nghị và sáng kiến cũng như nỗ lực với sự dẫn dắt của LHQ, mọi giải pháp chấm dứt tình trạng khủng hoảng và bất ổn kéo dài suốt 8 năm qua tại Libya chỉ có thể đạt hiệu quả nếu các bên đối địch ở quốc gia Bắc Phi chịu gạt bỏ toan tính riêng, cùng đưa ra những thỏa hiệp cần thiết để có thể cùng bắt tay hoạch định tương lai đất nước.