Toàn cảnh một phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ về vấn đề Triều Tiên ở New York (Mỹ) ngày 11/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Được thành lập cách đây 72 năm, LHQ từ 51 quốc gia ban đầu giờ đã có 193 quốc gia thành viên cùng hợp tác và cạnh tranh trong một thế giới đã khác rất nhiều so với hồi năm 1945.
Ngoài việc dân số đã tăng gấp 3 lần, thế giới biến đổi nhanh chóng của thế kỷ 21 còn chứng kiến sức mạnh giữa các quốc gia thay đổi đáng kể, nhiều trung tâm quyền lực mới nổi lên, những nền kinh tế mới với một hệ thống đa cực bắt đầu xuất hiện.
Trong khi đó, những mối đe dọa xuyên quốc gia như khủng bố và tội phạm mạng vắt kiệt khả năng đối phó của các quốc gia, số các cuộc xung đột vũ trang trên toàn cầu ngày một gia tăng trong vài năm gần đây...
Trong bối cảnh đó, thế giới cần có một HĐBA hiệu quả hơn và hợp pháp hơn. Và nhiều năm qua câu chuyện cải tổ HĐBA luôn được nhắc đến mỗi khi các nhà lãnh đạo thế giới tề tựu về New York (Mỹ) để tham dự phiên họp cấp cao Đại hội đồng LHQ vào tháng 9 hàng năm.
Trên thực tế, thành phần của HĐBA từ lâu đã không còn phản ánh những thực tiễn địa chính trị của thế giới. Nhóm Tây Âu và các các quốc gia khác hiện chiếm tới 3 trên 5 ghế ủy viên thường trực (Pháp, Anh và Mỹ) trong khi Nhóm Đông Âu chỉ có 1 ghế (Nga), Nhóm châu Á Thái Bình Dương có mình Trung Quốc, và châu Phi hay Mỹ Latinh không có ghế nào.
Do đó, gần như tất cả các quốc gia đều nhất trí rằng cần phải cải tổ HĐBA, song cho tới nay không đạt được tiến triển do các nhóm nước đưa ra những phương án trái chiều nhau. Đơn cử như có nhóm nước đề xuất tăng thêm số lượng ủy viên HĐBA lên con số 25 thay vì 15 như hiện nay, trong đó bao gồm 6 ủy viên thường trực mới.
Ngược lại, có nhóm nước lại đề xuất chỉ cần tăng số ủy viên không thường trực vì cho rằng việc bổ sung ủy viên thường trực nắm trong tay lá phiếu phủ quyết sẽ khiến thế giới xuất hiện những trung tâm quyền lực mới.
Một phương án khác cũng được thảo luận rất nhiều, đó là việc thay đổi quyền phủ quyết. Hiện có hai luồng quan điểm chính: một là loại bỏ hoàn toàn quyền phủ quyết và hai là hạn chế quyền phủ quyết trong một số những quy định cụ thể.
Đa số các quốc gia, nhất là các quốc gia ở châu Phi, Liên đoàn Arập, các nước Phong trào không liên kết… đều ủng hộ việc bãi bỏ quyền phủ quyết của các ủy viên thường trực. Còn các ủy viên thường trực, cùng với một số ít quốc gia khác như Australia và Singapore, kịch liệt phản đối, muốn tiếp tục duy trì quyền phủ quyết.
Vấn đề mấu chốt là dù triển khai phương án hay đề xuất cải tổ HĐBA nào cũng cần phải sửa đổi Hiến chương LHQ, tức là cần phải có sự đồng ý của 2/3 thành viên LHQ, bao gồm sự đồng ý của 5 ủy viên thường trực hiện tại. Như vậy, có thể thấy rằng, để đạt được sự đồng thuận của 2/3 tổng số thành viên đã khó, đạt được sự đồng thuận của 5 ủy viên thường trực còn khó hơn khi mà mỗi phương án, mỗi nhóm quốc gia lại theo đuổi những lợi ích khác nhau.
Tuy nhiên, bối cảnh của kỳ họp cấp cao ĐHĐ LHQ năm nay khác nhiều so với những năm trước, làm dấy lên hy vọng rốt cuộc các quốc gia thành viên LHQ sẽ tìm được tiếng nói chung cho một số giải pháp cụ thể nào đó để cải tổ LHQ. Trước hết phải nói đến vị thế và vai trò của LHQ trong 2 năm trở lại đây đã được nâng lên đáng kể khi các cường quốc ngày càng có xu hướng muốn thông qua diễn đàn này để tìm kiếm "tính chính danh" cho các kế hoạch can thiệp ra bên ngoài của mình.
Đơn cử như nước Mỹ đang tích cực thông qua con đường HĐBA để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, bất chấp Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hơn một lần tỏ ra hoài nghi về vai trò của LHQ. Thứ hai là ban lãnh đạo LHQ, đặc biệt là Tổng Thư ký và lãnh đạo nhiều cường quốc, đang thể hiện quyết tâm chính trị hơn bao giờ hết đối với việc cải tổ HĐBA nói riêng và LHQ nói chung.