Ở vào thời điểm thế giới vẫn đang đối mặt với đại dịch COVID-19, sự kiện thường niên lớn nhất của LHQ đã được tổ chức gần như trực tuyến hoàn toàn. Từ một hội nghị có trung bình khoảng 10.000 khách từ khắp các châu lục và hàng trăm nguyên thủ quốc gia tham dự, kỳ họp ĐHĐ LHQ năm nay vắng lặng, không còn những phiên thảo luận chung cấp cao trực tiếp với nhiều tranh luận sôi nổi.
Không ít người đã bày tỏ băn khoăn rằng với tình hình như vậy, liệu những cam kết LHQ vừa đưa ra trong kỳ họp có thể được thực thi hiệu quả hay không, nhất là khi những căng thẳng giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn, khiến hoạt động của cơ quan quyền lực nhất của LHQ là Hội đồng Bảo an (HĐBA) không ít lần bị tê liệt, không thể đưa ra những quyết định kịp thời nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng về hòa bình, an ninh thế giới.
Với chủ đề “Tương lai chúng ta muốn, LHQ chúng ta cần” mà Tổng Thư ký LHQ Guterres đã lựa chọn cho kỳ họp ĐHĐ khóa 75, không khó để thấy một lần nữa người đứng đầu LHQ muốn nhấn mạnh tinh thần phụng sự thế giới, phục vụ con người mà LHQ đã đề ra trong Hiến chương của tổ chức, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ.
Tinh thần ấy, đặt trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến quá nhiều cuộc khủng hoảng, đã khiến LHQ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân trên khắp thế giới, mà minh chứng rõ rệt nhất không chỉ là cam kết đạt được giữa lãnh đạo các nước mà còn là kết quả nhiều cuộc khảo sát vừa được công bố mới đây.
Ngay trong ngày khai mạc tuần lễ cấp cao ĐHĐ khóa 75, LHQ đã công bố kết quả khảo sát được tiến hành từ tháng 1/2020 về vai trò của LHQ đối với thế giới, theo đó có tới 87% người được hỏi cho rằng hợp tác toàn cầu đóng vai trò sống còn trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay, bao gồm cả đại dịch COVID-19. Cứ 6 trong 10 người được hỏi tin rằng những nỗ lực và thành tựu của LHQ đã khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn và 74% người được hỏi tin rằng thế giới cần có LHQ để giải quyết các thách thức toàn cầu.
Với kỳ vọng kết quả cuộc khảo sát sẽ giúp những người đứng đầu LHQ đáp ứng tốt hơn những kỳ vọng của người dân trên thế giới cũng như hoạch định lộ trình phát triển trong 25 năm tiếp theo cho tổ chức này, cuộc khảo sát đã thu hút sự tham gia của hơn 1 triệu người dân từ nhiều nước khác nhau.
Kết quả một cuộc khảo sát khác của Pew, viện nghiên cứu uy tín của Mỹ, cũng cho thấy chủ nghĩa hợp tác đa phương và vai trò của LHQ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính người Mỹ và cộng đồng quốc tế.
Cuộc trưng cầu ý dân do Pew tiến hành ở 14 nước phát triển là Canada, Mỹ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Anh và 3 đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc đều cho thấy đa số người được hỏi ủng hộ chủ nghĩa đa phương và tổ chức LHQ; 81% người được hỏi đều đồng tình rằng các nước cần có hành động chung để giải quyết các rắc rối của thế giới thay vì tiến hành những nỗ lực đơn lẻ; 60% cho rằng các nước nên thỏa hiệp trong các vấn đề quốc tế và hợp tác đẩy lùi đại dịch COVID-19. Phần lớn những người được hỏi cũng công nhận vai trò của LHQ trong duy trì hòa bình và củng cố, bảo vệ quyền con người.
Tuy nhiên, kết quả các cuộc khảo sát cũng cho thấy người dân trên thế giới kỳ vọng tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh sẽ có nhiều chính sách bao trùm hơn nữa, minh bạch, đáng tin cậy và hiệu quả hơn nữa.
Để đáp ứng được những kỳ vọng lớn lao đó, LHQ có quá nhiều việc phải làm, mà điều trước tiên là phải cải tổ bộ máy của chính tổ chức LHQ vận hành hiệu quả và kịp thời hơn, cũng như đảm bảo nguồn ngân sách đầy đủ và ổn định cho các hoạt động gìn giữ hòa bình, nhất là hoạt động nhân đạo.
Hội đồng Bảo an, cơ quan quyền lực nhất của LHQ, từ lâu đã vấp phải nhiều khó khăn mỗi khi cần có sự đồng thuận quyết định những vấn đề lớn của thế giới. Tiếng nói của các ủy viên thường trực quá lớn khiến chỉ cần một ủy viên thường trực không nhất trí là các quyết sách dự định cần đưa ra sẽ rơi vào bế tắc. Nghị quyết của HĐBA về chống đại dịch COVID-19 đã không thể được thông qua suốt nhiều tháng chỉ vì bất đồng câu chữ giữa hai ủy viên thường trực Mỹ và Trung Quốc, là một trong nhiều ví dụ gần đây cho thấy rõ hiện trạng mất đoàn kết tồn tại trong cơ quan này.
Thêm vào đó, ĐHĐ LHQ có 193 nước thành viên, nhưng quyền lực lại giới hạn chỉ có thể thông qua các nghị quyết mang tính biểu tượng chứ không có tính thực thi cao, mặc dù khi nhất trí tham gia vào tổ chức hợp tác đa phương, mỗi nước đều hiểu rõ trách nhiệm tuân thủ theo luật lệ và trách nhiệm như đã đề ra trong Hiến chương LHQ để có thể cùng giải quyết những thách thức chung và tiến tới đạt được những mục tiêu chung của nhân loại.
Vấn đề thiếu hụt ngân sách dành cho các hoạt động của LHQ đã xảy ra nhiều năm và ngày càng trở nên nan giải hơn, buộc LHQ phải cắt giảm nhiều chương trình nhân đạo trong năm qua. Lý do dẫn đến tình trạng này? Đó là bởi một số nước giàu đã cắt giảm tài trợ cho LHQ hoặc chi khá ít cho hoạt động của LHQ nếu so với những khoản chi khổng lồ họ dành cho các hoạt động quân sự. Ví dụ, Mỹ đóng góp hơn 10 tỷ USD cho LHQ, nhiều hơn bất kỳ nước thành viên nào trong năm 2018, nhưng không thấm tháp gì so với khoản ngân sách LHQ cần có để duy trì các chương trình hoạt động giải quyết khủng hoảng, và càng không thấm tháp gì nếu so với khoảng 700 tỷ USD nước Mỹ chi cho các hoạt động quân sự.
Trong bối cảnh này, việc kỳ họp cấp cao ĐHĐ khóa 75 tái khẳng định cam kết đối với chủ nghĩa đa phương có vai trò hết sức quan trọng để thế giới có thể chung tay đối mặt không chỉ với đại dịch COVID-19, một nền kinh tế suy thoái, những cạnh tranh địa chính trị toàn cầu ngày càng gay gắt mà còn cả tình hình biến đổi khí hậu hết sức nghiêm trọng hiện nay. Đó cũng chính là lý do các hội nghị cấp cao trong khuôn khổ kỳ họp lần này tập trung củng cố chương trình nghị sự về phát triển bền vững, phát triển đa dạng sinh học và đẩy mạnh trao quyền cho phụ nữ.
Có thể thấy 17 Mục tiêu phát triển bền vững mà LHQ thông qua vào năm 2015 sẽ khó tới đích đúng thời hạn vào năm 2030 bởi đại dịch COVID đang đẩy lùi thành quả đã đạt được của rất nhiều nước, nhất là các nước có thu nhập thấp và dưới mức trung bình, thậm chí đẩy người dân nhiều nước vào cảnh mất việc làm, mất thu nhập, khiến hàng trăm triệu người đứng bên bờ nạn đói. Khi cả thế giới phải vật lộn để đảm bảo các nhu cầu cơ bản cho người dân, những mục tiêu cao hơn về giáo dục, về bảo tồn đương nhiên không thể có được vị trí ưu tiên trong lộ trình phát triển.
Hội nghị cấp cao về đa dạng sinh học diễn ra ngày 30/9 trong kỳ họp ĐHĐ lần này được đánh giá là sự kiện không thể kịp thời hơn bởi những tổn hại do con người gây nên đối với tầng sinh quyển đã tới mức "không thể làm ngơ" được nữa. Theo số liệu giới khoa học vừa công bố, có tới 2/3 bề mặt Trái Đất đã bị xuống cấp, 1 triệu loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng, 85% diện tích ngập nước đã biến mất và các rạn san hô, nhiều cánh rừng bạt ngàn hoàn toàn cũng có thể chỉ còn trong dĩ vãng nếu thế giới không có hành động ngay lập tức. Tuy nhiên, chính bởi đại dịch COVID-19 mà Hội nghị đa dạng sinh học nhằm thông qua kế hoạch hành động mới đến năm 2030, dự kiến tổ chức ở Trung Quốc, đã phải lùi ngày tổ chức tới năm 2021.
Hội nghị phát huy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ đã thực sự củng cố thông điệp của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres: “Phải trao quyền quyết định cho phụ nữ trong tất cả các vấn đề lớn của thế giới”. Sự kiện đã xác định đươc 12 vấn đề cấp thiết cần phải được thực thi nếu muốn tiến tới đạt được mục tiêu bình đẳng giới. Đó là xóa bỏ đói nghèo, trao cơ hội được học hành, tiếp cận y tế, giảm tình trạng bạo lực với phụ nữ và trao quyền trong nhiều lĩnh vực cho phụ nữ cũng như đảm bảo quyền lợi cho trẻ em gái.
Kỳ họp ĐHĐ LHQ khóa 75 khép lại; Con đường phụng sự thế giới của tổ chức LHQ trong thời gian tới được dự báo còn rất nhiều chông gai. Nhưng với cam kết mạnh mẽ sẽ duy trì đoàn kết và phát huy chủ nghĩa đa phương, các nước thành viên LHQ hoàn toàn đủ khả năng vượt qua khó khăn, tiến tới những mục tiêu đã đề ra bằng những bước đi có thể chậm hơn, nhưng vững chắc.