Liên minh chống IS cần có Kế hoạch B

Do chiến lược "làm suy yếu" và "diệt trừ" đang thất bại trong việc ngăn chặn đà tấn công của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) ở Iraq và Syria nên trong tuần này, Tổng thống Barack Obama sẽ gặp tư lệnh quân đội các nước tham gia liên minh do Mỹ cầm đầu để xác định đường lối hành động tiếp theo.

Hiện ông Obama phải chịu nhiều áp lực để thể hiện mình vẫn kiểm soát vấn đề ở Trung Đông. Những giải pháp thay thế cho chiến lược quân sự hiện nay là có, song chúng khó được chấp nhận về mặt chính trị và tiềm ẩn nhiều mối đe dọa nghiêm trọng. Do đó, Mỹ và các đồng minh Trung Đông vẫn duy trì chiến lược hiện tại, dù nó có vẻ không thành công. Trái ngược với cáo buộc từ nhiều nhà bình luận, giới tham mưu quân sự Mỹ đã thừa nhận ngay từ đầu chiến dịch này rằng việc chỉ sử dụng không lực sẽ không giúp giành chiến thắng trước IS.

Chiến binh người Kurd gác gần cầu Mullah Abdullah, cách Kirkuk, Iraq khoảng 25 km về phía tây nam, gần dinh lũy của các tay súng IS. Ảnh: AFP/TTXVN


Mục tiêu của Mỹ là các vụ không kích sẽ giúp quân đội Iraq và nhiều nhóm dân quân người Kurd có đủ thời gian tập hợp và đảo ngược thế tiến lên của IS. Tuy nhiên, mọi chuyện đã không diễn ra như vậy. Thổ Nhĩ Kỳ, nước đến nay vẫn có quân đội hùng mạnh nhất khu vực, đã từ chối can dự.

Dù người Kurd đã chiến đấu tốt và hiện được Đức cung cấp vũ khí mới, song ưu tiên hàng đầu của họ là bảo vệ vùng lãnh thổ được xem là của mình, chứ không phải là tham chiến chống kẻ thù. Chiến dịch không kích cũng không được tiến hành tốt. Thay vì một chiến dịch thần tốc với hàng trăm lượt cất cánh mỗi ngày, máy bay Mỹ và các đồng minh chỉ đang bắn phá một số lượng nhỏ các mục tiêu, lí do đơn giản là bởi không lực không được sử dụng đúng cách.
Khi đối mặt với một địa hình gồm cả các mục tiêu dân sự và quân sự, cách duy nhất không lực phân biệt được mục tiêu khác nhau là có bộ binh tại thực địa để chỉ dẫn không kích. Tuy nhiên, việc đưa quân vào sâu trong vùng lãnh thổ mà IS kiểm soát sẽ mất thời gian và mạo hiểm, do đó vấn đề lớn nhất mà chiến dịch không kích do Mỹ cầm đầu đang phải đối mặt chính là việc thiếu mục tiêu để bắn phá. IS hiện ngừng tác chiến theo đội hình lớn do có khả năng bị không kích, thay vào đó bao vây các thành phố bởi không vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ trên mặt đất.

Trong khi đó, giới tình báo Mỹ lại gặp khó khăn trong việc cung cấp thông tin đáng tin cậy và liên tục về các kế hoạch, mục tiêu hay thời gian tấn công của IS. Nói ngắn gọn, không giả định nào của Mỹ về chiến dịch không kích này phát huy hiệu quả.

Một lựa chọn sẽ tạo ra sự khác biệt mang tính quyết định là đưa bộ binh Mỹ vào. Tuy nhiên, cách tiếp cận này đã bị Tổng thống Obama và tất cả các nhà lãnh đạo châu Âu thẳng thừng bác bỏ. Một lực lượng liên quân Arập có thể được tập hợp, song nhiều khả năng sẽ yếu và không được chính phủ Iraq cho phép triển khai. Thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp cũng là một khả năng, song việc phải mở rộng chiến tranh sang Syria và gia tăng các mục tiêu chính trị trong chiến dịch này, từ tiễu trừ IS đến tái thiết cả Syria và Iraq, là điều mà ông Obama không muốn.

Tuy nhiên, cho phép IS củng cố quyền kiểm soát vùng lãnh thổ chiếm được cũng không phải là lựa chọn tốt, bởi nó sẽ đẩy Trung Đông vào một cuộc nội chiến kéo dài nhiều thập kỉ. Vì thế, dù ông Obama và các cố vấn tuyên bố rằng họ để ngỏ khả năng tiếp tục theo đuổi chiến lược, song thực tế cho thấy họ thiếu một "Kế hoạch B" có ý nghĩa cả về chính trị và quân sự.

Trên thực tế, tranh luận về chiến lược thay thế đang diễn ra giữa các đồng minh trong khu vực của Mỹ, không phải về chuyện chiến đấu hiệu quả ra sao, mà là làm thế nào để thoát khỏi cuộc xung đột này.

Hussein Haridy, chuyên gia về chính sách đối ngoại Ai Cập, đã thẳng thừng tuyên bố rằng "các nước Arập trong liên minh hiện tại cần có Kế hoạch B cho riêng mình phòng trường hợp Mỹ vì lí nào đó quyết định rút khỏi" cuộc chiến.

Việt Hải (Theo "Strait Times")

Liên minh chống IS mở rộng không kích tại Syria
Liên minh chống IS mở rộng không kích tại Syria

Liên minh quốc tế do Mỹ chỉ huy đã mở rộng chiến dịch không kích chống phiến quân IS tự xưng tại Syria trong lúc máy bay chiến đấu Anh thực hiện nhiệm vụ không kích đầu tiên của mình nhằm vào IS tại Iraq.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN