Liệu Anh có rút khỏi EU?

Theo trang tin EUobsever, 23/27 thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí sẽ ký kết một hiệp định liên chính phủ về tăng cường kỷ luật quản trị kinh tế của khu vực sau một phiên họp thượng đỉnh đầy bão tố. Trong số 5 nước chưa nhất trí, Thụy Điển và Cộng hòa Séc cho biết họ sẽ xin ý kiến quốc hội trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc tham gia hiệp định này; Hunggary nói rằng họ cần thêm thời gian để xem xét việc tham gia. Như vậy sẽ chỉ còn Anh là thành viên duy nhất từ chối tham gia hiệp định này.

Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne


Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cho biết, Thủ tướng Anh David Cameron quyết định phủ quyết hiệp định trên vì các hãng dịch vụ tài chính và sản xuất của Anh được bảo vệ trước tình trạng bi đát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và chính phủ không sẵn sàng cho phép các cơ quan định chế châu Âu làm tổn hại tới lợi ích của nước Anh.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã thẳng thừng chỉ trích nước Anh: “Đây là sự lựa chọn của những người bạn Anh của chúng ta. Chúng ta tôn trọng sự lựa chọn đó và không cần phải cảm thấy hối tiếc về điều đó. Người ta không thể cùng một lúc vừa đòi hỏi quyền lựa chọn đứng ngoài khu vực euro và vừa đòi được quyền tham gia hoạch định tất cả các chính sách của đồng euro, một đồng tiền mà họ không những không muốn tham gia mà còn thường xuyên chỉ trích”. Tổng thống Pháp nói thêm: “Chúng ta không phải hối tiếc về những việc chúng ta sẽ thực hiện để cứu đồng tiền chung của chúng ta”. Ông Sarkozy cũng cho rằng những yêu cầu của Thủ tướng Anh về một nghị định thư miễn trừ cho Anh một số điều luật về dịch vụ tài chính để đổi lấy việc Anh chấp nhận sửa đổi Hiệp ước là “không thể chấp nhận được”.

Trong bài viết “Người Anh muốn cắt đứt cầu nối với châu Âu”, báo Le Figaro (Pháp) đã giải thích vì sao ngày càng có nhiều người Anh muốn ra khỏi EU. Sự việc bắt đầu từ vụ nhiều xã của Anh không muốn kết bạn với các xã khác tại Pháp và Đức. Le Figaro nhận xét làn sóng căm ghét châu Âu tại Anh đang mạnh chưa từng có. Le Figaro cho rằng người Anh xem EU như là một cỗ máy chống dân chủ. Trong các quyết định quan trọng của châu Âu, Anh chỉ có 9% quyền bỏ phiếu. Đối với họ, đây chính là một hệ thống chuyên chế. Phong trào kêu gọi đưa nước Anh ra khỏi EU ngày càng lớn. Theo một cuộc thăm dò, phần đông dân chúng Anh sẵn sàng bỏ phiếu “chia tay” với EU. Hơn 2/3 số người được hỏi mong muốn tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề này.

Vậy thì, nếu Anh ra khỏi EU, những lĩnh vực nào Anh cần phải rút đi theo. Trong danh sách các hạng mục cần phải thu hồi từ Brúcxen, Le Figaro liệt kê: nông nghiệp, ngư nghiệp, các luật định xã hội, nhân quyền, chính sách kinh tế. Trong trường hợp này, Anh sẽ phải thương thảo để có một vị thế giống như là Thụy Sĩ, Na Uy hay Aixơlen, dựa trên những mối quan hệ thương mại chặt chẽ với châu lục. Đối với Anh, tương lai chủ yếu nằm cạnh Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ hơn là với châu lục già cỗi này.

TTK

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN