Nếu Trung Quốc đang bị coi là mối đe dọa đối với các nước láng giềng, vậy cần phải làm gì để trung hòa các mối đe dọa đó? Về mặt lý thuyết, các quốc gia thường tìm kiếm sự cân bằng nhằm chống lại các mối đe dọa khác đơn giản là dựa và số lượng các loại vũ khí quân sự, dẫn đến tất cả các kiểu chạy đua vũ trang nguy hiểm và những tình huống khó xử về mặt an ninh. Tất nhiên, chúng ta xem xét những trường hợp các quốc gia - đặc biệt là các nước nhỏ hơn – không cân xứng so với các quốc gia có sức mạnh quân sự lớn. Tình hình của Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ hai, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và trong "khoảnh khắc đơn cực" vào những năm 1990 là một minh chứng cụ thể. Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đồng minh chủ yếu không thuộc NATO của Mỹ có thể dễ dàng nhận thấy bộ máy chiến tranh của Washington sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc như là một mối đe dọa cần phải chống lại, nhưng thay vào đó họ lại chọn cách đứng về phía Mỹ.
Trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương hiện nay, quan sát các vấn đề quốc tế và những liên minh đang nổi lên qua lăng kính trên sẽ là rất có ích. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã khơi mào một cuộc đua trên khắp châu Á- Thái Bình Dương nhằm cân bằng với những gì được coi là một mối đe dọa đối với tính nguyên trạng về chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia.
Trung Quốc đã gần như đạt được tất cả các tiêu chí mà các nước nhỏ hơn nói chung coi đó như một mối đe dọa từ bên ngoài: gần gũi về mặt địa lý, sức mạnh tổng thể, khả năng và ý định tấn công.
Xe tăng quân đội Trung Quốc. Ảnh: Chinamil |
Quy mô và vị trí địa lý của Trung Quốc lại nằm ở trung tâm của khu vực rộng lớn và năng động nhất thế giới - châu Á - tạo ra mối quan tâm về lợi ích của tất cả các quốc gia xung quanh. Dân số, kinh tế, tăng trưởng của Trung Quốc là những yếu tố khiến nước này trở nên quan trọng đối với các nước láng giềng trong lĩnh vực thương mại. Nhưng khả năng tấn công và ý định tấn công của nước này cũng đã tăng lên so với trong quá khứ. Điều này thể hiện qua việc hiện đại hóa quân đội một cách nhanh chóng, đặc biệt là về hải quân và không quân, đầu tư vào công nghệ Chống tiếp cận A2/AD, xây dựng tàu sân bay và đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông – tín hiệu về một mối đe dọa và những rắc rối trong khu vực.
Theo tờ Defense News, các chuyên gia quốc phòng của Mỹ đã đánh giá Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu ở châu Á. Đánh giá trên dựa trên kết quả khảo sát 352 chuyên gia quân sự trong ngành công nghiệp quốc phòng, Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và các phương tiện truyền thông hồi tháng 12/2013. Theo đó, 47,6% số người được hỏi cho rằng Trung Quốc hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với các đồng minh của Mỹ ở châu Á. Tiếp đó là Triều Tiên với 28,77%, chiến tranh mạng 12,33%, chủ nghĩa khủng bố 7,88% và biến đổi khí hậu với 3,08%.
Trong khi đó, Sách Trắng Quốc phòng của Nhật Bản năm 2013 đã nhấn mạnh mối quan ngại đối với các hành động của Trung Quốc trên biển. Hãng tin Reuters dẫn nội dung Sách Trắng quốc phòng Nhật viết: “Có rất nhiều vấn đề và các yếu tố gây bất ổn trong môi trường an ninh xung quanh Nhật, một số đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Trung Quốc đang cố thay đổi hiện trạng biển đảo bằng vũ lực dựa trên đòi hỏi chủ quyền riêng. Đây là hành vi không phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Sách Trắng Quốc phòng của Nhật Bản còn đánh giá: “Trung Quốc đã có những hành động uy hiếp dẫn đến những hành vi nguy hiểm”, có nguy cơ tạo nên sự cố tại vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư dưới quyền kiểm soát của Tokyo nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền. Sách Trắng cũng chỉ trích Bắc Kinh thiếu hợp tác và giải thích không đúng sự thật liên quan sự cố hồi tháng 1/2013 khi một chiến hạm Trung Quốc “khóa” radar nhằm vào một chiến hạm Nhật Bản ở ngoài khơi quần đảo Senkaku, thao tác được cho là bước chuẩn bị cho hành động tấn công thực thụ.
Có vẻ là thế hệ lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn, điều có thể sẽ dẫn đến mất lòng tin và sự cân bằng bên ngoài đối với các nước láng giềng. Các nhà ngoại giao tại Bắc Kinh vẫn sẽ là cầu nối để ký kết "hiệp ước láng giềng thân thiện và hợp tác" giữa Trung Quốc và ASEAN, nhưng ngoại giao không thể xóa nhòa môi trường đe dọa ngày càng tăng trong khu vực.
Vì vậy, các nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh có thể làm gì để khôi phục hình ảnh của Trung Quốc trong khu vực? Rốt cuộc, sẽ là bất lợi cho Trung Quốc khi các nước láng giềng luôn hoài nghi sâu sắc về ý định của Bắc Kinh. Đến thời điểm này, chiến lược mà Trung Quốc đang sử dụng là nhấn mạnh sự hợp tác và phụ thuộc về mặt kinh tế với nhau để giải thích rằng nếu một cuộc xung đột xảy ra là điều các bên không hề mong muốn. Chiến lược này đã tỏ ra có hiệu quả trong một số giai đoạn, nhưng về lâu dài các đối tác sẽ phải tìm các hạn chế sự phụ thuộc vào nền kinh tế của Trung Quốc để tạo sự năng động hơn trong chính sách đối ngoại của họ với Bắc Kinh. Ví dụ, Nhật Bản ký kết một thỏa thuận với Ấn Độ về khai thác kim loại đất hiếm năm 2012 sau khi Trung Quốc ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản không phải là một trường hợp ngẫu nhiên.