Ngày 14/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ thăm chính thức Trung Quốc, trong khuôn khổ chuyến công du châu Á kéo dài một tuần tới Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE). Điểm dừng chân ở Bắc Kinh được xem là sẽ rất cam go, vì phải thảo luận chủ đề “nóng bỏng”.Cứng rắn đối với các đòi hỏi “chủ quyền”Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại hội nghị An ninh Munich ngày 1/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Một tuần trước đây, Mỹ đã làm Trung Quốc “phiền lòng” khi công khai chỉ trích tuyên bố và hành động của Bắc Kinh đối với lãnh hải ở biển Hoa Đông và biển Đông. Phụ tá của ông Kerry, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương, Danny Russel chính là người đã phát đi thông điệp này. Phát biểu trong buổi điều trần ngày 5/2 tại một Ủy ban của Quốc hội, ông Russel nói: “Bất kỳ tuyên bố lãnh hải nào của Trung Quốc mà không dựa trên tuyên bố lãnh thổ đều không phù hợp với luật pháp quốc tế... Sự thiếu rõ ràng của các tuyên bố của Trung Quốc ở biển Đông đã tạo ra sự không chắc chắn trong khu vực, và đe dọa triển vọng đạt được nghị quyết hoặc các thỏa thuận hợp tác phát triển công bằng”.
Đó cũng là thông điệp mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ thể hiện tại Bắc Kinh trong tuần này. Căng thẳng gia tăng tại châu Á do những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại biển Đông và biển Hoa Đông gần như sẽ là nội dung quan trọng nhất trong nghị trình cuộc gặp giữa ông Kerry với quan chức cấp cao Trung Quốc ngày 14/2, ngoài một số chủ đề về tình hình Triều Tiên, biến đổi khí hậu. Đánh giá về động thái này, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ: Phát biểu của ông Russel phản ánh thái độ cứng rắn của Mỹ, cũng như những bước mà Mỹ muốn Trung Quốc thể hiện đối với tranh chấp lãnh hải. “Ông Kerry sẽ tiếp tục gây sức ép buộc Trung Quốc từ bỏ những lời nói và việc làm có tính hiếu chiến; bày tỏ quan ngại về bản chất hiếu chiến trong một số hành động gần đây của Trung Quốc”, nhân vật này cho biết thêm.
Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với 90% diện tích biển Đông, dựa trên căn cứ mà Bắc Kinh gọi là “đường 9 khúc”. Trong khi đó, Mỹ nói rằng những đòi hỏi phi lý này đã tạo ra “căng thẳng, mất ổn định, mất an ninh”, lời của ông Russel. Đây là chuyến công du châu Á thứ 5 của ông Kerry chỉ trong vòng 1 năm, nhưng Ngoại trưởng Mỹ cũng phải đối mặt với những chỉ trích cho rằng ông đã quá tập trung vào các nỗ lực ở Trung Đông, mà có phần sao nhãng chính sách “tái cân bằng” của Mỹ ở châu Á. Nghi ngờ về cam kết của Mỹ với khu vực thậm chí còn dâng cao hồi tháng 9 năm ngoái, khi Tổng thống Obama từ bỏ kế hoạch tham dự 2 hội nghị thượng đỉnh ở châu lục này, do cuộc khủng hoảng ngân sách trong nước. Những tuyên bố của ông Rusell và có thể là cả của ông Kerry vì thế sẽ được nhiều nước trong khu vực chào đón.
Đi về đâu “quan hệ kiểu mới”?Trước những bình luận của Trợ lý ngoại trưởng Russel, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 8/2 cáo buộc Mỹ đang hủy hoại hòa bình và phát triển ở châu Á. Thế nhưng, trước thềm chuyến công du, giới chức Trung Quốc vẫn mô tả chuyến thăm của ông Kerry là “quan trọng” mà ở đó Bắc Kinh sẽ khơi thông cách thức để tăng cường hợp tác và làm sâu sắc hơn cái gọi là “quan hệ kiểu mới” giữa Mỹ và Trung Quốc - được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra trong cuộc gặp với ông Obama hồi năm ngoái tại Mỹ. “Chúng tôi muốn khái niệm này thành hiện thực”, một quan chức Trung Quốc cho biết.
Jonathan Pollack, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Brookings ở Washington nhìn nhận, cả Mỹ và Trung Quốc có thể đều có cách nhìn khác nhau về “hình mẫu mới” trong quan hệ giữa các nước lớn - một thuật ngữ mà cả hai bên đều sử dụng. Ông này cũng cho rằng, Ngoại trưởng John Kerry sẽ thể hiện mong muốn tạo lập một quan hệ Mỹ - Trung ổn định, hiệu quả trong dài hạn, nhưng sẽ không bị ràng buộc bởi các bước ngã giá liên quan đến quan hệ quan trọng của Mỹ với các nước láng giềng của Trung Quốc. Jia Qingguo, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế Đại học Bắc Kinh thì cho rằng, những chỉ trích của Trung Quốc đối với phát biểu của ông Rusell vừa là sự phản ánh chính sách đối ngoại, nhưng nó cũng mang dáng dấp của sức ép chính trị trong nước. “Điều này không có nghĩa là hai bên không thể xử lý thực dụng và thực tế các vấn đề thuộc dạng này”, ông Jia chia sẻ.
HT (
Tổng hợp)