Liệu Ngoại trưởng Mỹ tương lai có sẵn sàng 'đối mặt' với Trung Quốc?

Năm 2008, cựu CEO tập đoàn ExxonMobil Rex Tillerson đã có một cuộc đối đầu thử sức với chính quyền Bắc Kinh. Liệu lần này ông sẽ lại thực hiện điều đó trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề nóng Biển Đông?

Ứng viên Ngoại trưởng Mỹ Tillerson phát biểu trong phiên điều trần.

Trong phiên điều trần trước Thượng viện hôm 11/1, Ngoại trưởng đề cử Rex Tillerson đã có những tuyên bố cứng rắn về hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông đã kêu gọi chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump ngăn chặn việc Bắc Kinh đặt chân lên 7 đảo nhân tạo xây dựng trái phép trên vùng biển này.

Để khẳng định quan điểm của mình, ông nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ gửi một thông điệp rõ ràng cho Trung Quốc. Đầu tiên việc xây dựng các đảo cần phải được dừng lại, và thứ hai, Trung Quốc không được phép tiếp cận với những đảo đó”.

Ý ám chỉ hoàn toàn rõ ràng. Cách duy nhất mà Mỹ có thể ngăn không cho Trung Quốc đến gần những đảo mà họ xây dựng trái phép là phải triển khai đội tàu chiến cũng như chuẩn bị khả năng sử dụng các lực lượng vũ trang.

Liệu cựu Chủ tịch tập đoàn ExxonMobil này lỡ lời hay thực sự sẵn sàng muốn “đối đầu vũ trang” với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông?

Từ những hình ảnh vệ tinh được Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) công bố, tất cả đều biết việc xây đảo trái phép của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp trên Biển Đông với các nước khu vực xung quanh đã dừng lại. Mặc dù các cơ sở trên đảo vẫn đang được hoàn thành, nhưng quá trình địa khai hóa đã xong. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người nghi ngờ mục đích cuối cùng của Trung Quốc là âm mưu xây dựng một căn cứ lớn khác tại Bãi cạn Scarborough.

Bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham/Panatag) từ lâu đã là khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines. Căng thẳng ở đây được coi là một trong những nguyên nhân thúc đẩy Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài.

Từ tháng 4/2012, Trung Quốc đã nhiều lần cử tàu đến vùng biển này. Thượng nghị sĩ John McCain tin rằng Trung Quốc “có ý định chiếm giữ và xây dựng bãi cạn Scarborough trở thành căn cứ quân sự thứ 3 tại Biển Đông, nhằm gia tăng sức ảnh hưởng”.

Đã xuất hiện nhiều báo cáo và tin đồn từ phía Washington cho rằng vào đầu năm 2016, Mỹ thể hiện thông điệp rất rõ với Trung Quốc rằng họ đã chuẩn bị sẵn sàng ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào của Bắc Kinh xây dựng trên bãi cạn. Mỹ đã triển khai tàu chiến và máy bay tới Biển Đông, cũng như hỗ trợ binh sĩ tại các căn cứ ở Philippines. Có lẽ ý của ngài Ngoại trưởng Mỹ tương lai đơn giản chỉ là tuyên bố ông muốn tiếp tục chiến lược trên, ngăn chặn việc bồi đắp trên bãi cạn Scarborough bằng cách không cho các tàu xây dựng của Trung Quốc tiếp cận gần đó.

Nhưng cũng có thể thực sự ông trùm dầu khí có ý muốn Mỹ ngăn Trung Quốc tiếp cận và đặt chân lên 7 đảo bồi đắp nhân tạo ở Biển Đông. James Kraska – Giáo sư luật quốc tế tại Đại học Chiến tranh hàng hải Mỹ, khẳng định nước Mỹ hoàn toàn được phép làm điều đó một cách hợp pháp.

Trong khi đó, chiến lược ngăn chặn Trung Quốc cũng dường như trùng khớp với hai gợi ý trước đó đến từ đội vận động tranh cử của Tổng thống đắc cử Trump trong việc gây dựng quan hệ với Bắc Kinh.

Vào tháng 11/2016, hai cố vấn của ông Trump, Alexander Gray và Peter Navarro, đã vạch ra một chiến lược “hòa bình thông qua sức mạnh” trong Chính sách Ngoại giao.


James Woolsey – một cố vấn cấp cao khác của ông Trump, cũng đề xuất “một sự thương lượng trong đó Mỹ có thể chấp nhận cấu trúc xã hội và chính trị của Trung Quốc, cam kết không can thiệp bằng bất kỳ hình thức nào khi và chỉ khi Trung Quốc cam kết giữ nguyên hiện trạng tại châu Á”. Việc tôn trọng hiện trạng bao gồm cam kết không có bất kỳ hoạt động mở rộng đảo mới hoặc triển khai các lực lượng quân sự mới trên các căn cứ hiện có.

Trong khi đó, một số Nghị sĩ đảng Cộng hòa như McCain và Dan Sullivan nhiều lần kêu gọi Mỹ nên “chủ động” thay vì đơn thuần phản ứng trước những hành động từ phía Bắc Kinh. Và rất có thể ông Tillerson sẽ chấp nhận chiến thuật như vậy. Thay vì ngồi đợi, dư luận có thể sẽ thấy nỗ lực từ Washington buộc Trung Quốc phải chấp nhận Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) trên Biển Đông.

Nếu như Mỹ không giải thích cẩn thận, Trung Quốc sẽ coi đó là hành vi gây hấn và tuyên chiến, dẫn đến một thế đối đầu trong mọi lĩnh vực và bắt đầu chiến tranh.

Tuy nhiên, nếu như Mỹ và Trung Quốc “hỗn chiến”, các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ bị ảnh hưởng nặng. Mỹ rất có thể sẽ mất sự ủng hộ từ phía những nước đồng minh, đối tác tại khu vực này và phía ngoài. Không một nước nào muốn chiến tranh, họ muốn Mỹ và Trung Quốc “hòa hợp” để tất cả có thể phát triển trong hòa bình. Mặc dù hầu hết các nước đều muốn Mỹ can thiệp ngăn chặn sự hung hãn của Trung Quốc song họ tuyệt nhiên không muốn lựa chọn theo phe.

Hiện vẫn còn rất nhiều sự suy diễn từ lời tuyên bố của ông Tillerson. Vào năm 2008, giới chức Trung Quốc đã đe dọa ExxonMobil sẽ phải gánh hậu quả nặng nề nếu như tiếp tục thực hiện dự án khí đốt với Việt Nam. Tuy nhiên công ty lúc đó, dưới sự chỉ đạo của ông Tillerson, đã nắm thóp Bắc Kinh khi trong tay nắm giữ việc xuất khẩu dầu khí trên đảo Sakhalin – một cơ sở đầu tư mà Trung Quốc thèm khát tiếp cận. Trong cuộc đấu đó Tillerson chiến thắng. Vậy liệu lần này ông có thể làm điều đó một lần nữa?

Hồng Hạnh (theo ForeignPolicy)
Ngoại trưởng đề cử Mỹ cứng rắn về Biển Đông, báo Trung Quốc chê 'thiếu chuyên nghiệp'
Ngoại trưởng đề cử Mỹ cứng rắn về Biển Đông, báo Trung Quốc chê 'thiếu chuyên nghiệp'

Truyền thông Trung Quốc cảnh báo việc Mỹ ngăn cản Bắc Kinh tại Biển Đông sẽ dẫn đến “sự đối đầu lớn” và cả hai bên nên chuẩn bị “cho một vụ đụng độ quân sự”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN