Lộ diện chính sách ngoại giao của ông Trump sau một tháng nắm quyền - Bài 1

Tròn một tháng kể từ ngày ông Donald Trump nắm quyền điều hành đất nước, các chính sách ngoại giao quan trọng của chính quyền mới ở Mỹ đã dần hình thành, tiết lộ nhiều đường lối mà ông Trump sẽ theo đuổi trong nhiệm kỳ ở Nhà Trắng.

TÔN TRỌNG CHÍNH SÁCH "MỘT TRUNG QUỐC"

Có thể thấy rõ rằng hầu hết các vấn đề trên thế giới hiện nay đều xoay quanh trục Mỹ - Trung Quốc. Vì thế mà nhất cử nhất động trong mối quan hệ giữa hai “ông lớn” này đều được cả thế giới nín thở theo dõi để “liệu cơm gắp mắm” trong vấn đề quốc gia mình. Còn nhớ cuộc điện đàm giữa Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Văn Anh hồi tháng 12/2016 đã khiến Trung Quốc đùng đùng nổi giận. Hành động chấp nhận cuộc gọi chúc mừng từ phía Đài Loan – khu vực đang đấu tranh đòi tách khỏi Trung Quốc – của nhà lãnh đạo Mỹ được cho là đã phá vỡ nghị định thư ngoại giao giữa Washington – Bắc Kinh đã tồn tại từ thời Tổng thống Jimmy Carter năm 1979. 

Mặc dù Mỹ là đồng minh chính của Đài Loan nhưng chưa từng có tiền lệ chuyện một Tổng thống hoặc Tổng thống đắc cử nào của Mỹ nói chuyện trực tiếp với một lãnh đạo Đài Loan nhiều thập kỷ qua. Trong cuộc gọi, ông Trump đã phát biểu Mỹ không cần phải tôn trọng, thậm chí là có thể đàm phán lại chính sách “Một Trung Quốc” – mà theo đó yêu cầu Washington phải tôn trọng lập trường chỉ có một nước Trung Quốc và Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

Việc ông Trump cho rằng có thể đàm phán lại về "Một Trung Quốc" đã khiến Bắc Kinh lo lắng.

Sự việc đã khiến giữa hai nước lớn tồn tại một mối căng thẳng khó xử. Cho dù chính phủ Mỹ đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích và cáo buộc Trung Quốc về nhiều vấn đề như chính sách thương mại bất công, không gây sức ép với CHDCND Triều Tiên về chương trình hạt nhân cũng như hoạt động quân sự tại Biển Đông… nhưng chưa lần nào các quan chức Bắc Kinh lại phản ứng gay gắt đến vậy. 

Thế nhưng, tình hình xấu đã xoay chuyển sau cuộc điện đàm đầu tiên giữa ông Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Tổng thống Trump đã bước xuống khỏi đỉnh điểm của những rủi ro khi chọc giận Bắc Kinh, bằng việc công nhận chính sách “Một Trung Quốc”. Trước khi chính thức gọi cho ông Tập Cận Bình ngày 9/2, ông Trump đã viết thư bày tỏ mong muốn tìm kiếm “những mối quan hệ mang tính xây dựng” và chờ đợi nhà lãnh đạo Trung Quốc nối đường dây liên lạc. Cuộc gọi diễn ra vào tối hôm đó là lần trao đổi qua điện thoại đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Trump nhậm chức hôm 20/1. Hai bên đã dành cho nhau nhiều lời “có cánh” và nhận lời thăm chính thức lẫn nhau. 

Một ngày sau đó, Tổng thống Mỹ thứ 45 cho biết cuộc đàm thoại “rất ấm áp”. “Chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện rất, rất tốt vào tối qua, và thảo luận rất nhiều chủ đề. Đó là một cuộc nói chuyện dài”, ông Trump kể lại. Trong khi đó, Bắc Kinh tuyên bố đánh giá cao sự công nhận của Trump với chính sách “Một Trung Quốc”, gọi hai nước là “đối tác hợp tác” có thể “thúc đẩy quan hệ song phương mang tầm cao mới”. Cũng có các dấu hiệu khác cho thấy Nhà Trắng đang tìm cách làm ổn định mối quan hệ với cường quốc châu Á, ví dụ như việc con gái của Tổng thống Mỹ Ivanka Trump đã đích thân tới dự buổi tiệc mừng Năm mới tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington. 

Ông Donald Trump (trái) và ông Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm "ấm áp" đầu tiên từ ngày nhậm chức.

Mối quan hệ Mỹ - Trung còn vướng vật cản là yếu tố cạnh tranh thương mại giữa hai đầu tàu kinh tế. Khi còn là ứng viên của đảng Cộng hòa, với lập trường của một doanh nhân “sừng sỏ”, tỷ phú 70 tuổi tuyên bố Mỹ sẵn sàng chiến tranh thương mại và khẳng định quốc gia này mạnh hơn Trung Quốc. Ba ngày sau lễ nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc tiến hành các hoạt động thương mại “không công bằng”, gây khó dễ đối với các công ty Mỹ. Nhà lãnh đạo mới cũng khẳng định sẽ "thay đổi luật sở hữu trí tuệ và ngăn chặn các hành vi bất công, phi pháp của công ty Trung Quốc" ở thị trường Mỹ. Ông Trump từng viết trên mạng xã hội Twitter: “Trung Quốc đã hỏi chúng ta liệu có ổn không khi phá giá đồng tiền của họ (khiến các công ty của chúng ta khó khăn cạnh tranh), đánh thuế nặng các sản phẩm của chúng ta vào nước họ (trong khi Mỹ không đánh thuế Trung Quốc) hoặc là xây dựng một tổ hợp quân sự đồ sộ giữa Biển Đông? Tôi không nghĩ vậy!”.

Thế nhưng sau một tháng giữ cương vị Tổng thống, ông Trump tuyệt nhiên không đả động đến tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ và gây bất công thương mại như hồi tranh cử. Chưa rõ Tổng thống Trump, một lão làng trên thương trường, sẽ áp dụng “chiến thuật” nào để bảo vệ các doanh nghiệp nội địa, hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. 

Và ít ngày sau khi lên tiếng ủng hộ nhất quán chính sách “Một Trung Quốc”, Tổng thống Mỹ đã nhận được “phần quà tặng” từ Chủ tịch Tập Cận Bình là 10 năm sử dụng thương hiệu độc quyền Donald Trump trong lĩnh vực xây dựng ở thị trường có hơn 1 tỷ dân này. Đây được xem là món quà thương hiệu đầu tiên liên quan tới chuyện kinh doanh mà ông Trump nhận được sau đắc cử, đặc biệt là khi ông Trump đã đấu tranh giành quyền lợi trên trong một thập kỷ qua. 

Lại nói về quan điểm của Mỹ trong vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, trong quá trình tranh cử tỷ phú Donald Trump và đội ngũ cố vấn của ông đã cứng rắn tuyên bố rằng nếu trở thành Tổng thống Mỹ, ông sẽ không để cho Trung Quốc tiếp tục hoạt động quân sự hóa, lắp đặt nhiều vũ khí cũng như bồi đắp các đảo nhân tạo, đi ngược lại phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế. Ông Trump cương quyết hạn chế tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Biển Đông cũng là bởi lẽ vùng biển sở hữu tuyến hàng hải huyết mạch này mang ý nghĩa không hề nhỏ đối với lợi ích kinh tế của Mỹ. Mặt khác, sự hiện diện của các tàu quân sự Mỹ trên Biển Đông được xem là chỗ trông cậy của các quốc gia Đông Nam Á nhỏ hơn đang vướng vào các tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh, cũng như khiến Bắc Kinh phải dè chừng với mưu đồ đơn phương kiểm soát một vùng biển rộng lớn thông qua cái gọi là “đường chín đoạn”.

Hiện nay, Mỹ tỏ ra lưỡng lự trong việc đưa ra phản ứng quân sự quy mô lớn trước những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Một mặt, khi bàn về vấn đề này, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông sẽ làm quan hệ hai nước xấu đi. Ông Tillerson đề nghị Mỹ cần phong tỏa, ngăn không cho tàu thuyền của Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép ở các khu vực tranh chấp. Mặt khác, dù Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng thường xuyên chỉ trích mạnh mẽ những hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông, đồng thời khẳng định là Mỹ “luôn theo dõi sát tình hình” thì vị tướng này vẫn tuyên bố rằng ở thời điểm hiện tại nước Mỹ không thấy có lý do để đưa ra bất kỳ động thái quân sự quy mô lớn nào ở Biển Đông, ưu tiên của Mỹ vẫn là giải quyết căng thẳng thông qua các biện pháp ngoại giao.

Tựu trung lại, một tháng nắm quyền với không ít diễn biến trầm bổng, giới quan sát nhận thấy Tổng thống Trump đã chuyển từ quan điểm khắt khe với Trung Quốc sang những bước đi “dĩ hòa vi quý” hơn hòng thăm dò dư luận. Chính sách “Một Trung Quốc”, Biển Đông, nhượng bộ thương mại và thuế quan… đều có thể là những “lá bài” chiến lược chưa được ông Trump lật rõ mười mươi trong canh bạc với “tay chơi” Trung Quốc.

Hoàng Trang
Lộ diện chính sách ngoại giao của ông Trump sau một tháng nắm quyền - Bài cuối
Lộ diện chính sách ngoại giao của ông Trump sau một tháng nắm quyền - Bài cuối

Tròn một tháng kể từ ngày ông Donald Trump nắm quyền điều hành đất nước, các chính sách ngoại giao quan trọng của chính quyền mới ở Mỹ đã dần hình thành, tiết lộ nhiều đường lối mà ông Trump sẽ theo đuổi trong nhiệm kỳ ở Nhà Trắng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN