Lộ diện chính sách ngoại giao của ông Trump sau một tháng nắm quyền - Bài 3

Tròn một tháng kể từ ngày ông Donald Trump nắm quyền điều hành đất nước, các chính sách ngoại giao quan trọng của chính quyền mới ở Mỹ đã dần hình thành, tiết lộ nhiều đường lối mà ông Trump sẽ theo đuổi trong nhiệm kỳ ở Nhà Trắng.

NHỮNG BIẾN ĐỔI TRONG CHÍNH SÁCH VỚI CHÂU ÂU

Châu Âu bất an

 New York Times có bài viết nhận định rằng các quốc gia ở “lục địa già” cũng như phần còn lại của thế giới đang vất vả cắt nghĩa những tuyên bố và hành động của tân Tổng thống Mỹ, cũng như đang trong giai đoạn thích ứng với một nước Mỹ mới dưới thời ông Donald Trump.

Trong hội nghị thượng đỉnh về tương lai của EU ngày 3/2, các nhà lãnh đạo EU đã lên án các cuộc công kích nhằm vào châu Âu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tổng thống Pháp Francois Hollande mô tả các thông điệp của Tổng thống Mỹ là "không thể chấp nhận được". Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi EU tiếp tục các kế hoạch riêng của mình bất chấp Mỹ nói gì. Trước đó, ngày 30/1, trong bức thư gửi tới lãnh đạo các nước thành viên EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cảnh báo rằng ông Trump là “mối đe dọa” đối với sự ổn định của châu Âu. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Những quan ngại về các sắc lệnh hành pháp gây tranh cãi cũng như chính sách ngoại giao khó đoán từ ông chủ mới của Nhà Trắng càng khiến châu Âu bất an. Trước và sau khi đắc cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những phát ngôn làm các quốc gia thành viên EU phải lo lắng về chiến lược của Mỹ đối với khối này. Ông Trump từng tuyên bố ủng hộ việc Anh rời EU, tức Brexit, và khuyến khích các nước tách khỏi EU. Trả lời phỏng vấn nhật báo Anh Times of London ngày 15/1, chỉ vài ngày trước khi chính thức nhậm chức, ông Donald Trump đã gọi Brexit là “một điều tuyệt vời" cũng như ủng hộ một thỏa thuận thương mại với Anh thời hậu EU. Ông Trump cũng dự đoán các nước châu Âu khác sẽ tiếp bước nước Anh rời EU do áp lực từ cuộc khủng hoảng nhập cư và người tị nạn. “Tôi tin rằng những nước khác sẽ rời (EU) đi. Tôi cho rằng giữ EU sẽ không dễ như nhiều người nghĩ”, ông Trump nói. 

Trong một cuộc phỏng vấn riêng biệt với báo Bild của Đức, ông Trump cho biết có thể thắt chặt hạn chế đối với người châu Âu muốn vào Mỹ. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhận định rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel đã mắc “lỗi thảm họa” với chính sách hào phóng tiếp nhận hơn 1 triệu người nhập cư vào đất nước của bà. Ông Trump cho rằng lý do dẫn đến Brexit bắt nguồn từ việc các nước EU bị buộc phải tiếp nhận người nhập cư: “Tôi tin rằng nếu các nước EU không bị buộc phải nhận quá nhiều người nhập cư thì Brexit cũng không xảy ra”.

Ngoài ra, ông Trump cũng bị chỉ trích khi nói Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) “lỗi thời” và cần cải cách trong bài phỏng vấn đăng trên Times of London và Bild hồi trung tuần tháng 1. 

Ông Trump còn đề cập tới việc NATO trừng phạt Nga, và việc xem xét đi đến một thỏa thuận tốt với Nga. Trước và sau đắc cử, ông Trump đã luôn bị giới chức Mỹ chỉ trích vì quan điểm “thân Nga” cũng như nhiều lần “bênh” Tổng thống Nga Vladimir Putin. 9/10: Trong cuộc tranh luận trực tiếp giữa các ứng viên lần 2, Trump thông báo ông không đồng ý với liên danh tranh cử của mình về việc "những khiêu khích của Nga" cần phải được đáp trả "bằng sức mạnh Mỹ". Trump nhấn mạnh: "Mike Pence và tôi chưa từng nói về điều đó, và tôi không nhất trí".

Tiếp đó, ngày 17/10/2016, ông than phiền những lời lẽ của Hillary Clinton về Tổng thống Putin là quá "gay gắt", và bà không nên vội vã "xúc phạm" nhà lãnh đạo Nga. Không chỉ có vậy, ngày 27/10/2016, ông Trump còn chê bà Hillary Clinton không khôn ngoan khi nói xấu ông Putin. Đáp lại, cùng ngày, ông Putin công khai khen ứng viên Cộng hòa Donald Trump: "Ông ấy đại diện cho những lợi ích của bộ phận xã hội đã mệt mỏi với giới tinh hoa cầm quyền nhiều thập kỷ qua".

Sau khi đắc cử, đa phần các vị trí được ông Trump đề cử vào nội các mới dường như đều là những người "cùng chung chí hướng" thân Nga.

Ngày 12/12, ông Trump chọn Tổng giám đốc ExxonMobil Rex Tillerson - có quan hệ kinh doanh với Nga và được cho là có quan hệ tốt với Tổng thống Vladimir Putin, làm Ngoại trưởng, một phần bởi ông này "có các hợp đồng lớn ở Nga". Ngoài ra, tỷ phú Wilbur Ross được lựa chọn vào vị trí Bộ trưởng thương mại Mỹ và nữ tỷ phú Betsy DeVos cho chức Bộ trưởng giáo dục, là hai nhân vật cũng có lối thân Nga.

Theo RT, trong cuộc họp báo ngày 12/12, Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest đã chỉ trích Tổng thống đắc cử Donald Trump và các thành viên chủ chốt trong đội ngũ của ông xây dựng mối quan hệ “có lợi” cho Nga giữa lúc Washington đang cáo buộc Moskva can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống của nước này. “Đó là tổng thống đắc cử, người đã từ chối tiết lộ mối quan hệ tài chính với Nga, bổ nhiệm chủ tịch chiến dịch tranh cử có mối quan hệ tài chính cá nhân sâu rộng và sinh lợi với Nga đồng thời chỉ định một cố vấn an ninh cấp cao từng đóng góp tài chính cho hãng tin RT (của Nga)”, ông Earnest nói, ngụ ý tới Chủ tịch chiến dịch tranh cử của ông Trump Paul Manafort và ông Michael Flynn, người được ông Trump lựa chọn làm cố vấn an ninh quốc gia trong nội các mới.

Hành động ngược

Tuy nhiên, dường như quan điểm của ông Trump đã có dấu hiệu biến chuyển sau khi ông Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Theo RT, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có động thái gây bất ngờ khi khẳng định quan điểm “ủng hộ NATO 100%” trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Anh Theresa May ngày 27/1.

Ngoài ra, ngày 13/2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã có quyết định khó khăn khi sa thải cố vấn an ninh Michael Flynn.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, tướng nghỉ hưu Michael Flynn đã chính thức xin từ chức sau khoảng thời gian ngồi trên “ghế nóng” bởi những tranh cãi liên quan tới quan hệ của ông với giới chức Nga từ trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Trong đơn từ chức, ông Flynn thừa nhận đã không cung cấp đầy đủ thông tin cho Tổng thống về những cuộc liên hệ với đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyalk.

Một số chuyên gia cho rằng vụ bê bối liên quan tới Tướng về hưu Flynn là sự tiếp nối của những cáo buộc Nga can dự vào bầu cử Mỹ theo hướng có lợi cho ông Trump. Và sự ra đi của ông Flynn cũng đồng nghĩa rằng việc hàn gắn quan hệ Washington-Moskva có thể bị “đóng băng”. 

Và mới đây nhất, ngay sau quyết định khó khăn “trảm” ông Flynn, ông Trump dường như đang thể hiện đường lối chính sách “cứng rắn” hơn với Nga khi bày tỏ hi vọng Moskva sẽ “trả” bán đảo Crimea cho Ukraine.

Kênh truyền hình RT đưa tin, đề cập đến việc Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn xin từ chức sau bê bối có liên hệ với các nhà ngoại giao Nga trước thềm nhậm chức chính thức của ông Trump, phát ngôn viên Sean Spicer chỉ ra rằng Nga “đã chiếm đoạt” Crimea dưới thời của cựu Tổng thống Obama.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường nhật hôm 14/2 tại Nhà Trắng, ông Spicer cho biết: “Tổng thống Trump thể hiện quan điểm rõ ràng ông mong chính quyền Nga giảm leo thang bạo lực tại Ukraine và trả lại Crimea. Đồng thời ông ấy cũng mong muốn có mối quan hệ tốt đẹp với Nga”.

Điều này lại khác biệt với tuyên bố của ông Trump trong chiến dịch tranh cử của mình. Khi đó ông Trump đã nói sẽ “cân nhắc” việc công nhận Crimea là một bộ phận của Nga và nhấn mạnh rằng người Crimea muốn sống ở Nga.

Chưa rõ những động thái mới nhất nói trên có hẳn là sự đảo ngược chính sách đối ngoại với Nga, hay nó là kết quả của sức ép từ nhiều phía khiến ông Trump rơi vào thế kẹt và buộc phải “xuống nước”. Ông Trump có thực sự đang yếu thế trong sự đối đầu với các nhóm lợi ích và tiếng nói đối lập, và sắp tới có sự thay đổi nào không. Dù là gì đi chăng nữa, hãy cùng chờ hành động rõ ràng hơn của tân Tổng thống Mỹ trong những tháng tới. 

Trần Minh
Lộ diện chính sách ngoại giao của ông Trump sau một tháng nắm quyền - Bài cuối
Lộ diện chính sách ngoại giao của ông Trump sau một tháng nắm quyền - Bài cuối

Tròn một tháng kể từ ngày ông Donald Trump nắm quyền điều hành đất nước, các chính sách ngoại giao quan trọng của chính quyền mới ở Mỹ đã dần hình thành, tiết lộ nhiều đường lối mà ông Trump sẽ theo đuổi trong nhiệm kỳ ở Nhà Trắng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN