Lời cảnh báo đối với Al Qaeda

Theo bản dự thảo thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược sau năm 2014 mà các quan chức Mỹ và Ápganixtan đạt được ngày 22/4, Mỹ cam kết sẽ hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ápganixtan trong ít nhất một thập kỷ kể từ năm 2014 - thời điểm các lực lượng nước ngoài rút quân khỏi quốc gia Nam Á này. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ không khoan dung đối với mạng lưới Al Qaeda cũng như các cuộc tấn công mà các tay súng tiến hành từ nước láng giềng Pakixtan.

Văn kiện trên đã được Đại sứ Mỹ tại Ápganixtan Ryan Croker và Cố vấn An ninh Quốc gia Ápganixtan Rangin Spanta ký tắt tại thủ đô Cabun. Thỏa thuận sẽ được trình lên Tổng thống hai nước xem xét và Tổng thống Barack Obama có thể ký phê chuẩn trước thềm hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Mỹ vào ngày 20 - 21/5 tới, trước hạn chót mà hai bên đã đặt ra. Trước đó, giới quan sát đã bày tỏ lo ngại hai bên sẽ không đạt được thỏa thuận trước thời hạn vì tiến độ thương lượng tiến triển chậm và phía chính quyền Ápganixtan tiếp tục có các đòi hỏi mới.


Binh sĩ Mỹ tuần tra tại tỉnh Khost của Ápganixtan giáp giới với Pakixtan. Ảnh: internet


Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thỏa thuận này "nặng về hình thức, nhẹ về nội dung", bởi lẽ nó không đề cập tới những chi tiết như Mỹ sẽ tài trợ bao nhiêu để hỗ trợ cho lực lượng an ninh Ápganixtan, hay số lượng quân Mỹ ở lại nước này sau thời hạn chót rút quân... Trong khi đó, phía Ápganixtan tuyên bố đồng ý với bất kỳ chiến dịch quân sự nào của Mỹ sau năm 2014 nhưng không cho phép quân Mỹ dùng lãnh thổ Ápganixan để tấn công các nước khác như nước láng giềng Pakixtan - nơi đặt nhiều căn cứ của Taliban, Al Qaeda và các nhóm phiến quân có liên quan tới Al Qaeda.

Andrew Exum, chuyên gia cấp cao của Trung tâm An ninh nước Mỹ mới - một viện tư vấn tại Oasinhtơn - nhận định: "Rốt cục, mối quan tâm của Mỹ và các đồng minh của Mỹ khác so với mối quan tâm của đông đảo người dân Ápganixtan. Mỹ quân tâm nhất tới việc loại bỏ Al Qaeda, trong khi người Ápganixtan quan tâm nhất tới viện trợ tài chính của Mỹ và các đồng minh sau năm 2014". Theo chuyên gia Exum, chính quyền Obama từng hy vọng thỏa thuận này được hoàn tất hồi mùa hè năm ngoái, nhưng ban lãnh đạo Ápganixtan, nhất là Tổng thống Hamid Karzai, mãi mới miễn cưỡng chấp thuận việc quân đội Mỹ tiếp tục hiện diện sau năm 2014.

Cabun cũng đã đạt được hai điều kiện tiên quyết để ký hiệp ước này, theo đó Ápganixtan sẽ kiểm soát hoàn toàn nhà tù Bagram do Mỹ điều hành cũng như nắm quyền chỉ huy các cuộc đột kích ban đêm của lực lượng đặc nhiệm nhằm vào phiến quân Taliban tại quốc gia Hồi giáo này. Ông Exum nói: "Mỹ và chính phủ Ápganixtan đã có thể tìm ra tiếng nói chung đủ để đạt được thỏa thuận về những vấn đề gai góc như nhà tù Bagram, và cái gọi là các cuộc đột kích ban đêm... Đây thực sự là thành tích ngoại giao của chính quyền Obama".


Mặc dù được cho là "nhẹ về nội dung", nhưng thỏa thuận đối tác này là cơ sở cho mối quan hệ dài hạn giữa hai nước. Thỏa thuận này là lời khẳng định với người dân Ápganixtan rằng Mỹ sẽ không bỏ rơi họ, đồng thời phát đi thông điệp mạnh mẽ tới phiến quân Taliban rằng Mỹ sẽ vẫn ở Ápganixtan để hỗ trợ cho lực lượng an ninh non trẻ của Ápganixtan. Điều quan trọng hơn, thỏa thuận này là lời nhắc nhở đối với những nước láng giềng của Ápganixtan như Pakixtan rằng họ phải tích cực hơn trong việc tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến đã bước sang năm thứ 11.

TTK (Theo AP)
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN