Bản thân việc Tổng thống Donald Trump thăm Ấn Độ trong bối cảnh chính trường Mỹ đang bước vào giai đoạn vận động tranh cử quyết liệt cho cuộc bầu cử cuối năm nay, đã là chỉ dấu cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ coi trọng quan hệ với quốc gia Nam Á.
Trong chuyến thăm, hai bên đã ký kết 3 bản ghi nhớ (MoU) và các thỏa thuận quốc phòng trị giá hơn 3 tỷ USD. Chừng đó là không đáng kể trong một chuyến công du được dư luận đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, việc hai nước quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện đã đánh dấu bước phát triển mới của quan hệ song phương. Trong thời gian tới, rõ ràng Ấn Độ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng và là một điểm tựa vững chắc trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ.
Hai nhà lãnh đạo đã dành tổng cộng 5 giờ trong suốt 2 ngày của chuyến thăm cho các cuộc trao đổi được đánh giá là hết sức toàn diện và cực kỳ thân mật, đề cập đến vấn đề an ninh và quốc phòng, năng lượng, công nghệ và thương mại, giao lưu nhân dân cũng như các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Trong tuyên bố chung, Thủ tướng Modi và Tổng thống Trump cam kết tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện Ấn Độ - Mỹ, dựa trên sự tin cậy lẫn nhau, những lợi ích chung, thiện chí và sự tham gia mạnh mẽ của người dân hai nước. T
uyên bố cũng cho hay Thủ tướng Modi và Tổng thống Trump quyết định tăng cường tham vấn thông qua hội nghị thượng đỉnh ba bên Ấn Độ - Mỹ - Nhật Bản; cơ chế họp 2+2 giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước; và tham vấn tứ giác Ấn Độ - Mỹ - Australia - Nhật Bản, cùng những biện pháp khác.
Tại cuộc họp báo chung, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã mô tả mối quan hệ Ấn Độ - Mỹ là mối quan hệ đối tác quan trọng nhất của thế kỷ 21. Ông cũng khẳng định sự hợp tác quốc phòng và an ninh ngày càng tăng giữa Ấn Độ và Mỹ là một khía cạnh rất quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược song phương. Hợp tác về các thiết bị và nền tảng quốc phòng hiện đại sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của Ấn Độ.
Đây là chuyến thăm Ấn Độ thứ tám của một tổng thống đương nhiệm Mỹ nhưng là chuyến thăm thứ tư liên tiếp như vậy. Tần suất gia tăng các chuyến thăm cho thấy sức nặng của quốc gia Nam Á trong chiến lược lâu dài của Washington, đồng thời nêu bật những nỗ lực vun đắp quan hệ song phương của lãnh đạo hai nước, để mối quan hệ này vượt sóng gió, trở nên vững bền qua thời gian.
Tất nhiên, chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Ấn Độ khác với những lần trước theo nhiều cách, mà đáng chú ý nhất là sự kiện “Namaste Trump” tại một sân vận động khổng lồ với 125.000 người tham gia ở Gujarat. Các phát biểu của ông Trump tại đây được tán dương, khác hẳn với những tranh cãi thị phi mà người ta vẫn thường thấy khi ông chủ Nhà Trắng có mặt ở những nơi khác trên thế giới.
Phát biểu tại Gujarat, Tổng thống Trump đã gọi Thủ tướng Modi, vị lãnh đạo mà ông đã gặp 5 lần trong 8 tháng qua, là "người bạn đích thực", trong khi khẳng định Mỹ sẽ luôn là "người bạn trung thành" với nhân dân Ấn Độ.
Tổng thống Trump đến Ấn Độ trong năm bầu cử, bằng việc phát biểu trước những đám đông lớn như ở sự kiện “Namaste Trump, có thể nói ông chủ Nhà Trắng hy vọng qua đó có thể "lấy lòng" cộng đồng người Mỹ gốc Ấn vốn có truyền thống ủng hộ đảng Dân chủ. Ở Ấn Độ cũng vậy, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng khi các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy người dân Ấn Độ dành nhiều thiện cảm cho nước Mỹ và Tổng thống Trump.
Nhưng đây cũng là dịp để củng cố một mối quan hệ đang ngày càng trở nên thực chất hơn. Quan hệ đối tác an ninh hai nước đã chứng kiến một thương vụ vũ khí nữa, nâng tổng số nền tảng quân sự của Mỹ trong kho vũ khí của Ấn Độ lên con số 7, nhiều bộ phận được sản xuất hoặc lắp ráp tại Ấn Độ.
Ngoài ra, việc hai nước ký kết 3 thỏa thuận hợp tác quốc phòng quan trọng liên quan đến hỗ trợ hậu cần, thông tin liên lạc và an ninh công nghiệp; các định dạng đối thoại song phương, ba bên và bốn bên; và các cuộc tập trận quân sự thường xuyên, liên quan đến cả ba quân chủng, đã củng cố mối quan hệ quốc phòng Mỹ - Ấn trong những năm qua.
Hoạt động phối hợp về cơ sở hạ tầng kết nối, an ninh hàng hải, chống khủng bố và an ninh mạng đều gia tăng. Hợp tác đa phương, đáng chú ý là tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã được cải thiện, như đã được chứng minh sau vụ tấn công khủng bố hồi năm ngoái tại Pulwama.
Trên bình diện kinh tế, thương mại hàng hóa và dịch vụ hai chiều đã tăng lên. Ấn Độ nay là đối tác thương mại lớn thứ tám của Mỹ và Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Đặc biệt, thương mại năng lượng đã "cất cánh". Số lượng sinh viên Ấn Độ ở Mỹ và số lượng các công ty Mỹ hoạt động ở Ấn Độ không ngừng tăng.
Đối với hầu hết các "đại gia" công nghệ có trụ sở tại Mỹ, Ấn Độ hiện là một trong 3 cơ sở khách hàng hàng đầu của họ. Trong khi đó, các công ty Ấn Độ đang đầu tư mạnh vào Mỹ. Người Ấn Độ đã thành lập số lượng lớn nhất các công ty khởi nghiệp tỷ đô ở Mỹ do người nhập cư lập nên.
Việc hai bên không đạt được bất cứ thỏa thuận thương mại nào, cho dù chỉ là một thỏa thuận hạn chế như báo chí từng dự báo trước thềm chuyến thăm, không phải là điều quá thất vọng. Sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí sớm kết thúc các cuộc đàm phán đang diễn ra để có thể tiến tới giai đoạn một của hiệp định thương mại song phương toàn diện.
Như Tổng thống Trump từng tuyên bố, thà không có thỏa thuận còn tốt hơn một thỏa thuận tồi. Khi hai bên còn chưa tìm được tiếng nói chung, New Delhi không vội đạt được thỏa thuận với Washington, và rõ ràng việc hai nước cần thời gian để tháo gỡ những vướng mắc là điều cần thiết, đặc biệt khi kinh tế Ấn Độ đang trên đà suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, làm gia tăng tâm lý bảo hộ trong nước.
Mặc dù vẫn tồn tại những bất đồng, như giữa bất kỳ hai quốc gia nào khác, Ấn Độ và Mỹ đã nỗ lực để tạo đồng thuận. Người ta đã không còn quá lo lắng việc Mỹ trừng phạt Ấn Độ do mua khí tài của Nga, dù tình hình trở nên phức tạp sau thương vụ Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tương tự.
Những hậu quả của căng thẳng Mỹ - Iran leo thang đã được quản lý, với việc Ấn Độ được dành thời gian và không gian để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, trong khi được miễn trừ các lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan dự án cảng Chabahar (Iran). Nhiều khác biệt lớn về thương mại đã được thu hẹp, bao gồm cả về nông nghiệp và y tế, mặc dù các điểm ma sát mới đã phát sinh liên quan đến thanh toán kỹ thuật số, nội địa hóa dữ liệu và thương mại điện tử. Tại Afghanistan, Ấn Độ đã ủng hộ những nỗ lực tăng cường phối hợp giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump và chính phủ ở Kabul khi cả hai đàm phán với Taliban.
Cho dù Tổng thống Trump có tái đắc cử vào tháng 11 tới hay không, chắc chắn hai bên vẫn sẽ tiếp tục phát huy những tiến bộ và thành quả này trong quan hệ song phương. Một ưu tiên trong phát triển quan hệ Mỹ - Ấn Độ sẽ là hoàn tất thỏa thuận thương mại, giúp chấm dứt việc áp dụng thuế quan và tranh chấp thương mại kéo dài. Những đột phá trong nghiên cứu và phát triển quốc phòng và giải quyết các rắc rối trong vấn đề nhập cư cũng sẽ vẫn là những nội dung chính trong chương trình nghị sự song phương, bên cạnh việc tháo gỡ bất đồng liên quan tới Nga và cải thiện môi trường pháp lý cho các doanh nghiệp Mỹ ở Ấn Độ.
Có thể nói mối quan hệ Mỹ - Ấn Độ đã thể hiện được tính bền bỉ giữa những biến cố lớn trên chính trường thế giới. Ý nghĩa lớn nhất qua chuyến thăm của Tổng thống Trump có lẽ là một tín hiệu cho thấy xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục. Với những nội dung trong tuyên bố chung đề cập nhiều vấn đề thực chất, phản ánh tầm vóc của một cặp quan hệ nước lớn, chuyến thăm của ông Trump đã phát đi một thông điệp rõ ràng về sự hội tụ ngày càng lớn các lợi ích chung thực chất của Mỹ và Ấn Độ trong những diễn biến địa - chính trị quan trọng ở khu vực và xa hơn.