Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), năm 2016, Hàn Quốc đã phải hứng chịu một bài học đau đớn khi Trung Quốc trừng phạt kinh tế do Seoul làm “phật lòng” Bắc Kinh. Liệu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có đang mạo hiểm và đứng trước nguy cơ nhận bài học thứ hai?
Hàn Quốc là một trong ba quốc gia chấp nhận lời mời của Tổng thống Donald Trump tới dự hội nghị thượng đỉnh mở rộng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự kiến tổ chức vào cuối năm nay. Động thái mời các nước khác tham gia cuộc họp của nhà lãnh đạo Mỹ được đánh giá là cách hình thành liên minh đối phó với Trung Quốc, thay vì đơn thuần chỉ là lời mời.
“Đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, lời mời của Tổng thống Trump gửi tới Hàn Quốc mang thông điệp nhắc nhở rằng Seoul vẫn là một thành viên quan trọng trong trật tự quốc tế mà Mỹ làm trung tâm, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ-Trung tranh giành sự ảnh hưởng trên đấu trường toàn cầu”, Ji-Young Lee – chuyên gia phụ trách chính sách Hàn Quốc tại viện nghiên cứu phi lợi nhuận Mỹ Rand Corporation – nhận định.
Trong khi Mỹ là đồng minh quân sự thì Trung Quốc lại là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc, với tổng giá trị hoạt động thương mại giữa hai bên rơi vào khoảng 244,3 tỷ USD năm 2019.
Hai quốc gia khác cũng chấp nhận lời mời của Tổng thống Trump là Ấn Độ và Australia. Mặc dù cả hai nước này cũng có quan hệ làm ăn với Trung Quốc, song khác với họ, thách thức của Tổng thống Moon Jae-in không chỉ nằm gọn trong lĩnh vực kinh tế mà còn là các vấn đề hạt nhân và Triều Tiên.
“Trong ba nước chấp nhận lời mời dự hội nghị thượng đỉnh G7, Hàn Quốc ở tình thế khó xử nhất”, Qi Huaigao – Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Fudan ở Thượng Hải (Trung Quốc) – cho hay.
Theo ông Qi, Trung Quốc đóng góp rất lớn vào nỗ lực hòa giải với Triều Tiên của Tổng thống Moon. Điều này có nghĩa là Seoul có thể dự cuộc họp song “không thể cam kết với Mỹ bất kỳ điều gì ảnh hưởng tới tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên, như là việc lắp đặt hệ thống tên lửa tầm trung”.
Mặc dù không phản đối trực tiếp việc Hàn Quốc chấp nhận lời mời G7 song trong một phát biểu mới đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ám chỉ Mỹ đang tìm cách tăng cường quan hệ với các đối tác của Trung Quốc trong khu vực.
“Mục tiêu cô lập Trung Quốc không được ủng hộ và điều này không phục vụ lợi ích cho những quốc gia liên quan”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian ngày 2/6 phát biểu.
Năm 2016, kinh tế Hàn Quốc đã phải trả một cái giá đắt. Khi cựu Tổng thống Park Geun-hye cho phép Mỹ đóng quân và lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân THAAD trong lãnh thổ Hàn Quốc, quan hệ song phương giữa Seoul và Bắc Kinh nhanh chóng đổ vỡ.
Mặc dù Seoul lý giải việc lắp đặt THAAD để đối phó với mối đe dọa Triều Tiên, song Bắc Kinh một mực cho rằng radar của hệ thống này có thể bị lợi dụng để do thám Trung Quốc.
Ngay lập tức, Bắc Kinh ra đòn tẩy chay Hàn Quốc. Tập đoàn Lotte nằm trong danh sách trừng phạt, buộc phải đóng cửa các trung tâm thương mại, siêu thị và cuối cùng là rút khỏi Trung Quốc hoàn toàn. Trong năm đó, lượng khách du lịch Trung Quốc tới Hàn Quốc giảm 60%. Nhóm nhạc Hàn Quốc cũng bị cấm biểu diễn tại quốc gia tỷ dân. Truyền thông nhà nước Trung Quốc kêu gọi người dân tẩy chay hàng Hàn Quốc. Căng thẳng giữa hai bên kéo dài hơn một năm.
Khi ông Moon Jae-in đắc cử vào năm 2017, ông nỗ lực tái xây dựng mối quan hệ hai nước, gửi lời mời cho Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm Seoul. Một số phương tiện truyền thông tiết lộ chuyến thăm vốn dĩ sẽ diễn ra vào nửa đầu năm 2020 song đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) bùng phát và làm kế hoạch đổ bể.
Tiến sĩ Darren Lim – một nhà nghiên cứu chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Australia – cho biết quân bài kinh tế mà Trung Quốc áp dụng với Hàn Quốc không thể bị bỏ qua.
“Nếu G11 thực sự diễn ra và có những quyết định ảnh hưởng tới lợi ích của Trung Quốc, như nhắm vào Huawei hay 5G, tôi cá chắc sẽ có nhiều hành động trả đũa hơn”, chuyên gia Lim nhấn mạnh.
Theo ông Qi, mặc dù Tổng thống Moon đang mắc kẹt trong cuộc chiến cạnh trành giành sức ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc song chính sách của nhà lãnh đạo Hàn Quốc vẫn có phần nghiêng về phía Bắc Kinh hơn do cùng chung quan điểm hòa giải với Triều Tiên. Ông Qi dự đoán sẽ có nhiều kênh liên lạc ngoại giao ngầm giữa Trung-Hàn trước khi hội nghị thượng đỉnh G11 tổ chức tại Washington.
“Hàn Quốc có thể liên lạc với Bộ Ngoại giao Trung Quốc và giải thích lý do vì sao họ tham dự, cũng như họ dự tính làm gì trong hội nghị G7”. Ông cũng loại trừ khả năng Seoul ủng hộ bất kỳ tuyên bố chung nào từ G11 có tư tưởng chống Trung Quốc.