Tối 29/1, bà May và nội các của mình đã giành chiến thắng đối với 6 trong tổng số 7 cuộc bỏ phiếu tại hạ viện liên quan đến những kiến nghị bổ sung cho Kế hoạch B về Brexit.
Thắng lợi quan trọng nhất của bà May là việc thuyết phục được nhóm nghị sĩ nổi loạn trong đảng Bảo thủ của mình đồng ý trao cho bà thêm cơ hội quay trở lại Brussels để đàm phán lại với EU về vấn đề biên giới Ireland - chủ đề tranh cãi chính dẫn đến thất bại đối với kế hoạch Brexit của Thủ tướng Anh tại hạ viện cách đây 2 tuần.
Đã có 317 nghị sĩ ủng hộ - so với 301 phản đối - kế hoạch của bà May về việc đàm phán lại với EU nhằm tìm kiếm các “dàn xếp khác” thay thế cho cái gọi là “kế hoạch dự phòng” cho biên giới Ireland trong dự thảo thỏa thuận Brexit bị Hạ viện Anh bác bỏ hôm 15/1 vừa qua.
Chỉ có 8 nghị sĩ Bảo thủ vẫn tiếp tục phản đối kế hoạch Brexit của Thủ tướng Theresa May, nhưng bù lại có đến 7 nghị si “nổi loạn” của Công đảng đối lập quay sang ủng hộ bà.
Quan trọng không kém là bà May đã có được sự ủng hộ của toàn bộ các nghị sĩ thuộc đảng Liên minh Dân chủ Bắc Ireland (DUP) trong liên minh cầm quyền giúp chính phủ thiểu số của bà tồn tại. Lập trường của DUP là phản đối kịch liệt kế hoạch dự phòng về biên giới Ireland vì lo sợ việc khu vực Bắc Ireland sẽ chịu quy chế đối xử khác với phần còn lại của Vương quốc Anh sau Brexit.
Thất bại duy nhất đối với Thủ tướng Anh tối 29/1 là việc các nghị sĩ đã nhất trí thông qua kiến nghị bổ sung lên án kịch bản Brexit không thỏa thuận. Đây là nỗ lực của các nghị sĩ thuộc mọi đảng phái nhằm ngăn chặn bà May và nội các sử dụng kịch bản đáng ngại này như một biện pháp gây sức ép khiến hạ viện buộc phải chấp nhận thông qua kế hoạch Brexit bằng mọi giá.
Tuy nhiên, khó khăn này cũng không ảnh hưởng đáng kể đến uy tín và vị thế chính trị mới được khôi phục của bà May, vì đây chỉ là một kiến nghị bổ sung không có giá trị ràng buộc pháp lý đối với chính phủ, và cũng không đi kèm một cơ chế cụ thể nào có thể vô hiệu hóa kịch bản Brexit không thỏa thuận.
Phát biểu sau khi 318 nghị sĩ ủng hộ thông qua kiến nghị nói trên, Thủ tướng Theresa May nhấn mạnh “Chỉ phản đối kịch bản Brexit không thỏa thuận là chưa đủ để ngăn điều đó xảy ra. Quan trọng là hạ viện cần ủng hộ một kế hoạch thay thế.”
Kết quả bỏ phiếu tối 29/1 lần đầu tiên cho thấy hình hài cơ bản của một kế hoạch Brexit có khả năng giành được sự ủng hộ của đa số tối thiểu tại Hạ viện Anh. Nhưng trong thực tế, tiến triển mới này cũng chưa có vẻ gì là sẽ giúp cho lộ trình Brexit sắp tới trở nên rõ ràng hơn chút nào.
Thủ tướng Anh tự tin tuyên bố sự “ủy thác” vừa giành được từ phía quốc hội đã giúp bà “nhìn thấy con đường đi tiếp hướng tới một thỏa thuận Brexit” với EU. Tuy nhiên, thực tế thì chỉ trong vòng 10 phút sau khi Hạ viện Anh bỏ phiếu ủng hộ đề xuất đàm phán lại kế hoạch dự phòng về vấn đề biên giới Ireland, một loạt các nhà lãnh đạo EU đã tuyên bố sẽ không chấp nhận mở lại đàm phán đối với thỏa thuận Brexit, và khẳng định họ chưa thấy có giải pháp công nghệ khả thi nào cho các “dàn xếp khác” nhằm thay thế cho kế hoạch dự phòng về việc tránh áp đặt biên giới cứng trên đảo Ireland sau Brexit.
Về chính thức thì cả Anh và EU đều khẳng định không muốn xảy ra kịch bản Brexit không thỏa thuận. Nhưng đây chính xác sẽ là kịch bản khả dĩ duy nhất hiện nay nếu các bên vẫn giữ nguyên lập trường của mình.
Trong khi bà May tuyên bố sẽ không bao giờ từ bỏ đấu tranh cho lợi ích của nước Anh, thì châu Âu có lẽ cũng có lý nếu tuyên bố rằng họ cảm thấy bị Thủ tướng Anh “phản bội”.
Bà May là người đã dành đến 19 tháng khó khăn để đàm phán với các nhà lãnh đạo EU, đã dũng cảm đương đầu với mọi sự phản đối gay gắt nhất từ ngay trong nội các và đảng Bảo thủ của mình để ký thông qua kế hoạch này. Và giờ thì bà đang không chỉ “quay lưng lại” và còn tìm cách đảo ngược một trong những nội dung then chốt cho kế hoạch đã được hai bên thống nhất.
Theo giới phân tích, Thủ tướng Anh có thể sẽ thăm dò 3 khả năng trong các cuộc đàm phán sắp tới với EU: Tìm kiếm một cơ chế rút lui đơn phương khỏi kế hoạch dự phòng; Tìm kiếm một đảm bảo có khung thời gian cụ thể cho kế hoạch dự phòng; Theo đuổi kế hoạch do nghị sĩ Anh Kit Malthouse đề xuất về việc “viết lại” kế hoạch dự phòng như một dạng thỏa thuận thương mại tự do với EU.
Chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy EU - đang rất phẫn nộ và bực bội một cách hoàn toàn dễ hiểu - cuối cùng sẽ chịu xem xét và nhượng bộ. Trong khi đó bà May sẽ phải quay trở lại Hạ viện Anh với một Kế hoạch B chi tiết hơn vào giữa tháng 2 tới, và sự ủng hộ mà bà vừa giành được nhiều khả năng sẽ không còn như cũ nếu bà không giành được nhượng bộ đáng kể trong các cuộc đàm phán với EU.
Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa Anh sẽ chính thức rời khỏi EU vào cuối ngày 29/3/2019 và điều rõ ràng duy nhất lúc này là cuộc ly hôn khó khăn giữa London và Brussels vẫn sẽ tiếp tục là một câu chuyện dài chưa có hồi kết.