Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa rạng sáng 14/4 là cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên do Iran thực hiện từ lãnh thổ nước này nhằm vào Israel để đáp trả vụ tòa nhà của phái đoàn ngoại giao Iran ở Syria bị không kích hôm đầu tháng mà Tehran cho rằng Israel là thủ phạm. Tuy nhiên, với việc cuộc tấn công dường như chủ đích nhắm vào các vị trí quân sự, thay vì khu dân cư đông đúc, Iran cũng tuyên bố đã “đạt được các mục tiêu” và chấm dứt chiến dịch sau vài giờ, có vẻ Tehran không muốn bị lôi kéo vào vòng xoáy xung đột khu vực. Quả bóng giờ đang ở phần sân của Israel với một lựa chọn khó khăn.
Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cho biết Tehran đã thông báo cho các nước láng giềng về cuộc tấn công 72 giờ trước khi tiến hành để hạn chế tối đa mọi bất ngờ cũng như tình huống xấu. Iran cũng tuyên bố hành động trả đũa này liên quan tới việc phương Tây, bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, đã không lên án vụ tấn công tên lửa nhằm vào tòa nhà lãnh sự trong Đại sứ quán Iran ở thủ đô Damascus (Syria) hôm 1/4, khiến 2 tướng Iran cùng 5 sĩ quan thiệt mạng.
Giới phân tích cho rằng trong nhiều năm qua, nước CH Hồi giáo đã duy trì chính sách “kiềm chế chiến lược” trước các vụ tấn công gây thiệt hại lớn nhằm vào cơ sở hạ tầng, hay các vụ ám sát các nhà khoa học và tướng lĩnh quân sự nước này. Tuy nhiên, vụ tấn công ngày 1/4 vừa qua ở Syria đã vượt quá giới hạn khi nhằm vào khuôn viên đại sứ quán của Iran ở nước ngoài, theo Công ước Vienna là bất khả xâm phạm. Hành động tấn công trả đũa Israel có thể đẩy Iran vào một tình huống căng thẳng leo thang không mong muốn, nhưng dù sao cũng là một lựa chọn “ít tồi tệ hơn” trước sức ép trong nước. Là quốc gia có thế mạnh về UAV và tên lửa, cuộc tấn công chóng vánh cho thấy dường như Iran vẫn thể hiện một sự kiềm chế nhất định.
Tiến sĩ Raz Zimmt, chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu An ninh quốc gia Israel (INSS), đánh giá: “Vụ tấn công trực tiếp vừa qua của Iran nhằm vào Israel, vốn trước đây chỉ dựa vào các lực lượng khác, đã đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong chiến lược của Iran. Vụ sát hại sĩ quan chỉ huy của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ở Syria đã làm leo thang căng thẳng. Iran chọn biện pháp răn đe thay vì né tránh xung đột, nhưng không tìm kiếm một cuộc chiến tranh tổng lực. Xung đột có leo thang hơn nữa hay không phụ thuộc vào phản ứng của Israel, nếu có thì khả năng sẽ là xung đột khu vực rộng hơn, liên quan đến Hezbollah ở Liban".
Về phía Israel, trên thực tế cuộc tấn công của Iran đã được cảnh báo trước hàng tuần, và khi xảy ra, có vẻ giúp Tel Aviv lôi kéo trở lại các đồng minh phương Tây sau thời gian bị chỉ trích về cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza. Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, Israel bị một lực lượng quân đội chính quy của một quốc gia tấn công trực tiếp. Và cũng là lần đầu tiên hệ thống phối hợp phòng thủ giữa Israel và các đồng minh được kích hoạt thành công. Xét về góc độ này, đây là một thắng lợi chiến lược giúp Israel thể hiện sức mạnh răn đe với bên ngoài. Ngày 15/4, Israel cũng đã dỡ bỏ tất cả các biện pháp phòng ngừa được áp dụng trước cuộc tấn công của Iran, trong đó có lệnh cấm các trường học và cơ sở giáo dục hoạt động và cấm tụ tập ngoài trời.
Tuy nhiên, cuộc tấn công ngày 14/4 đã phá bỏ một khuôn khổ đối đầu không công khai lâu nay giữa Iran và Israel, mà giới quan sát vẫn gọi là “cuộc chiến trong bóng tối”. Đây có thể coi là diễn biến nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên tại một khu vực không bao giờ ngưng tiếng súng. Quyết định phản ứng của Israel giờ phụ thuộc vào nội các chiến tranh có 3 thành viên gồm Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và cựu Tổng Tư lệnh quân đội Benny Gantz.
Chiều tối 14/4, Nội các chiến tranh của Israel đã nhóm họp để bàn các biện pháp trả đũa Iran. Trước thềm cuộc họp, thành viên Nội các, ông Benny Gantz tuyên bố Israel sẽ buộc Iran trả giá vào một thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, cuộc họp kết thúc mà không ra được quyết định cuối cùng với những bất đồng nội bộ sâu sắc.
Giới quan sát cho rằng chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang chịu hai sức ép lớn. Ở trong nước, các thành viên cực hữu kêu gọi chính phủ hành động trả đũa Iran mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, đồng minh số một Mỹ không muốn chứng kiến một cuộc đối đầu leo thang giữa hai quốc gia hàng đầu ở Trung Đông, tiềm ẩn nguy cơ biến thành một cuộc chiến tranh tổng lực hoặc lôi kéo các quốc gia láng giềng vào cuộc xung đột khu vực, nơi Washington đang rút dần sự hiện diện vì không muốn và cũng không đủ sức để can dự. Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực và nhiều nước đã kêu gọi các bên chấm dứt hành động thù địch và hết sức kiềm chế, tránh dẫn đến đối đầu quân sự quy mô lớn trên nhiều mặt trận.
Chuyên gia Eldad Shavit, trưởng bộ phận nghiên cứu về quan hệ Israel - Mỹ tại INSS, nhận định Tổng thống Mỹ Joe Biden một mặt đánh giá cao năng lực phòng không đánh chặn của Israel và các đồng minh, một mặt “khuyến khích một phản ứng phối hợp về mặt ngoại giao”, đồng thời nêu rõ quan điểm “Mỹ sát cánh với Israel, nhưng phản đối việc tấn công trả đũa và chắc chắn sẽ không tham gia” nếu Israel lựa chọn hướng đi này.
Nhiều chuyên gia về Trung Đông cho rằng cuộc tấn công của Iran đã đẩy khu vực đến bờ vực của một cuộc chiến tranh rộng hơn, nhưng đó là cuộc chiến mà gần như không bên nào mong muốn khi Mỹ, các nước Arab và cả lực lượng Hezbollah tại Liban đều muốn tránh xung đột lan rộng suốt 6 tháng chiến sự vừa qua giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas tại Gaza. Kịch bản có thể coi là lý tưởng nhất mà các bên có thể chấp nhận là Israel thực hiện một cuộc phản công giới hạn tại Iran mà không gây phản ứng thêm, do thiệt hại từ cuộc tấn công ngày 14/4 của Tehran được cho là không đáng kể.
Trung Đông có tránh được nguy cơ của vòng xoáy bạo lực mới hay không, lúc này phụ thuộc vào lựa chọn hành động tiếp theo của Israel, một lựa chọn không dễ dàng.