Thời báo Los Angeles của Mỹ cho rằng, dù Oasinhtơn và Cabun đều đang hy vọng việc Bin Laden bị tiêu diệt sẽ khuyến khích tổ chức khủng bố Taliban tham gia các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng ngược lại đây cũng có thể là nguyên nhân kích động nhóm vũ trang này chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài chống lại phương Tây.
Lực lượng tổ chức khủng bố Taliban. Ảnh: Internet |
Theo báo này, cái chết của Bin Laden có thể khuyến khích Taliban đàm phán vì ít nhất là các nhân vật lãnh đạo của nhóm này có thể lo ngại việc mình cũng sẽ có số phận như y. Thủ lĩnh Taliban Mullah Mohammed Omar cũng được cho là đang trú ẩn ở Pakixtan, có thể ở nơi nào đó thuộc tỉnh Baluchistan. Haji Agha Lalai, một thành viên hội đồng tỉnh Kandahar và là người tích cực thúc đẩy tiến trình "hòa giải", nói "đây là thời điểm tốt để các lãnh đạo Taliban xem xét các lựa chọn của mình và dường như họ đang làm điều đó".
Trong những ngày ngay sau khi Bin Laden bị tiêu diệt, lãnh đạo Taliban im lặng, một động thái hiếm có. Chỉ đến ngày 6/5, sau khi Al-Qaeda khẳng định Bin Laden chết, Taliban mới đưa ra tuyên bố có tính chất chiếu lệ ca ngợi Bin Laden là người tử vì đạo và thề sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại những "kẻ xâm lược" phương Tây.
Phản ứng tương đối mờ nhạt đó dẫn đến những suy luận rằng Taliban có thể đang xem xét lại quan hệ của mình với Al-Qaeda. Taliban đã che chở Al-Qaeda trước và sau vụ khủng bố ngày 11/9/2011, nhưng chương trình nghị sự của hai nhóm này đã bị chia rẽ trong những năm gần đây và liên minh chỉ tồn tại một phần nhờ tình bạn cá nhân của Omar với Bin Laden.
Cắt đứt quan hệ với Al-Qaeda, điều mà phương Tây và chính quyền Ápganixtan yêu cầu từ lâu, có thể trở thành vấn đề trung tâm trong bất kỳ một giải pháp chính trị nào và chính quyền Mỹ vừa đây đã bác bỏ yêu cầu rằng cam kết này là điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán.
Sau cái chết của Bin Laden, Nhà Trắng đã thể hiện rõ ràng mong muốn thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa Taliban và chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai. Chỉ vài giờ sau khi Bin Laden bị tiêu diệt, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã công khai đề nghị Taliban xem xét việc đàm phán thay vì giao tranh trên chiến trường. Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ tại Ápganixtan và Pakixtan, Marc Grossman, cũng có các chuyến thăm khu vực để thúc đẩy tiến trình hòa giải này.
Tuy nhiên, lãnh đạo Taliban tin rằng, họ vẫn có một số lợi thế chiến thuật so với liên quân. Taliban cũng hiểu rõ những áp lực trong nước mà Tổng thống Barack Obama đang phải đối mặt. Tổng thống Obama sẽ phải sớm đưa ra quyết định mức độ rút quân Mỹ khỏi Ápganixtan bắt đầu từ tháng 7 này và sau khi Bin Laden bị tiêu diệt, yêu cầu liên quân phải rút lui chiến lược khỏi cuộc chiến Ápganixtan cũng sẽ tăng lên.
Bên cạnh đó, cái chết của Bin Laden không làm thay đổi những yếu tố cơ bản có lợi cho Taliban trong suốt 10 năm qua, đó là chính quyền trung ương Ápganixtan yếu, tham nhũng và rất mất lòng dân; khả năng và lòng trung thành của lực lượng quân đội và cảnh sát Ápganixtan là một nghi vấn lớn.
Những yếu tố này làm nhiều nhà phân tích vẫn cho rằng chính quyền của ông Karzai khó có thể tồn tại nếu không có sự hiện diện quân sự lớn của phương Tây tại Ápganixtan. Nếu như thế, động lực thúc đẩy Taliban đàm phán hòa bình cũng không lớn.
Đình Thư (P/v TTXVN tại New York, Mỹ)