Theo đánh giá của chuyên gia Sara Coppolecchia thuộc Viện Phân tích Quan hệ Quốc tế (IARI) có trụ sở tại Italy mới đây, trong thời gian qua, các quốc gia Bắc Phi đã thể hiện xu hướng tương tự như một số nước láng giềng Trung Đông, rời xa phương Tây và hướng tới những đối tác quốc tế mới.
Trên hết, sự thay đổi đó là vì với các quốc gia như Pháp, được nhiều nước Bắc Phi coi là cường quốc thực dân trước đây và do đó gây tranh cãi, và với các quốc gia châu Âu khác, thường tập trung vào việc quản lý dòng người di cư hơn là đưa ra các thỏa thuận hợp tác kinh tế và chính trị nhằm thúc đẩy sự phát triển.
Những yếu tố này đã khiến các quốc gia Bắc Phi xích lại gần hơn bao giờ hết với Nga và Trung Quốc, theo xu hướng cùng với một số nước ở Trung Đông.
Nga và Trung Quốc được cho là mang lại nhiều lợi ích khác nhau, từ hợp tác kinh tế đến chính trị và quân sự, mang lại sự đảm bảo lớn hơn cho tăng trưởng và phát triển, đồng thời mang lại cho các nước quyền tự chủ lớn hơn trong việc ra quyết định so với trước đây.
Mặt khác, đối với Nga và Trung Quốc, sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên (như khí đốt và dầu mỏ, đặc biệt là ở Libya và Algeria) khiến khu vực này trở nên hấp dẫn với khả năng đạt được các thỏa thuận năng lượng lớn. Hơn nữa, vị trí chiến lược của khu vực rất quan trọng: Bắc Phi đóng vai trò là cầu nối giữa Trung Đông và Địa Trung Hải, cho phép Nga và Trung Quốc củng cố sự hiện diện và ảnh hưởng của họ trong một khu vực quan trọng về mặt địa chính trị.
Xét về từng quốc gia riêng lẻ ở Bắc Phi, họ cũng có những lợi ích riêng khi hợp tác với Nga và Trung Quốc:
Với Maroc, nước này gần đây đã bắt tay vào quá trình tách mình khỏi Pháp, được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố khác nhau. Trước hết là vấn đề về hai nghị quyết của EU với những người ủng hộ chính như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp Stéphane Séjourné. Nghị quyết đầu tiên là cáo buộc Maroc vi phạm quyền tự do ngôn luận liên quan đến vụ bắt giữ nhà báo Omar Radi.
Nghị quyết thứ hai đề xuất “đối xử với Maroc trên cơ sở giống như Qatar”, đề cập đến cáo buộc rằng Doha đã hối lộ nghị sĩ Nghị viện châu Âu (MEP) và gây ảnh hưởng đến Nghị viện châu Âu thông qua mạng lưới vận động hành lang. Chính phủ Maroc cũng bị cáo buộc đưa hối lộ cho MEP của Italy Pier Antonio Panzeri trước đây để đổi lấy sự ủng hộ của ông.
Liên quan đến vấn đề về Tây Sahara, Maroc tuyên bố chủ quyền hoàn toàn đối với khu vực này, nhưng bị các nhà hoạt động độc lập của Mặt trận Polisario do Algeria ủng hộ phản đối. Lập trường trung lập của Pháp liên quan đến Tây Sahara không được Maroc đánh giá cao, nước muốn có cách tiếp cận quyết đoán hơn như Tây Ban Nha.
Những vấn đề này đã khiến mối quan hệ song phương giữa Maroc và Pháp trở nên xấu đi và buộc Rabat phải tìm kiếm đối tác mới. Ở cấp độ châu Âu, Maroc đã xích lại gần hơn đến Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Trên bình diện quốc tế, nước này coi Nga và Trung Quốc như những đồng minh mới, ký một bản ghi nhớ với Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga và tham gia vào sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Với Algeria, mối quan hệ giữa nước này và Pháp có lịch sử phức tạp và có nhiều thăng trầm. Mặc dù Algeria vẫn duy trì mối quan hệ văn hóa và một số lĩnh vực song phương quan trọng với Pháp, nhưng vẫn thường xuyên xảy ra xích mích giữa hai quốc gia, đặc biệt là về điều kiện của người nhập cư Algeria ở Pháp.
Trong những năm gần đây, Algeria ngày càng thể hiện sự quan tâm đến việc tách mình ra khỏi cường quốc thuộc địa cũ và giảm bớt ảnh hưởng của Pháp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như trong hệ thống giáo dục.
Đồng thời, nước này đã tăng cường quan hệ với Nga, quốc gia cũng có mối quan hệ lịch sử từ việc hỗ trợ từ Liên Xô trong chiến tranh giành độc lập của Algeria. Những mối quan hệ này đã được củng cố hơn nữa trong những năm gần đây, đỉnh điểm là việc ký kết hiệp ước đối tác chiến lược giữa Algeria và Nga vào tháng 6 năm ngoái và tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung ở Tây Địa Trung Hải vào tháng 12 cùng năm.
Đồng thời, Algeria cũng chuyển sang Trung Quốc, quốc gia đầu tư vào cảng El Hamdania và lĩnh vực năng lượng của nước này.
Với Tunisia, nước này có mối quan hệ chặt chẽ với EU, mối quan hệ này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay thông qua việc ký Bản ghi nhớ giữa EU và Tunisia (MoU) vào tháng 7 năm ngoái với 5 lĩnh vực hợp tác: ổn định kinh tế vĩ mô, hợp tác thương mại, chuyển đổi năng lượng, giao lưu nhân dân và quản lý di cư.
Bản ghi nhớ sẽ nhằm mục đích thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược và xuyên suốt giữa hai bên. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là các khoản đầu tư trong thỏa thuận sẽ được phân bổ chủ yếu cho vấn đề quản lý di cư, vì đây là vấn đề then chốt của EU.
Trong khi đó, Trung Quốc và Nga mang đến những cơ hội khác, cụ thể hơn: Ví dụ, Bắc Kinh đang thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến BRI, trong khi Moskva đang tăng cường hỗ trợ ngũ cốc để giảm bớt khủng hoảng lương thực của Tunisia.
Với Lybia, nước này đang có tình hình chính trị cực kỳ phức tạp, đã rơi vào cuộc nội chiến hơn mười năm và bị chia rẽ với hai chính phủ đối địch tồn tại song song: Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNU) được quốc tế công nhận ở thủ đô Tripoli và Chính phủ ổn định quốc gia (GNS) ở miền đông nước này.
Nga quyết định can thiệp vào cuộc xung đột ở Libya năm 2019, theo đuổi hàng loạt mục tiêu cả chính trị và kinh tế. Lợi ích kinh tế chủ yếu liên quan đến việc bán vũ khí và các thỏa thuận khai thác dầu khí; những vấn đề địa chính trị gắn liền với vị trí chiến lược của Libya ở khu vực Địa Trung Hải và Trung Đông - Bắc Phi (MENA) cũng như trên lục địa châu Phi nói chung.
Mặt khác, Trung Quốc cũng tăng cường quan hệ với GNU khi đã ký một biên bản ghi nhớ, cam kết hợp tác để đưa BRI đến Libya.
Tóm lại, sự thay đổi trong định hướng của các quốc gia này với trục Nga - Trung chủ yếu được thúc đẩy bởi mong muốn giải phóng mình khỏi các cường quốc thuộc địa cũ hoặc các nước châu Âu khác, những quốc gia vẫn bị coi là can thiệp quá sâu vào lĩnh vực chính trị hoặc chỉ quan tâm đến quản lý các dòng di cư.
Trong khi đó, Nga và Trung Quốc mang đến cho các nước Bắc Phi một giải pháp thay thế thuận lợi hơn, mang lại cơ hội hợp tác và phát triển trong nhiều lĩnh vực, từ cơ sở hạ tầng đến năng lượng, từ kinh tế đến chính trị và thậm chí cả lĩnh vực quân sự.
Đồng thời, đối với hai cường quốc thế giới, Bắc Phi quan trọng cả về nguồn lực lẫn vị trí chiến lược. Với sự hiện diện ngày càng tăng của Moskva và Bắc Kinh ở Trung Đông, các quốc gia Bắc Phi đóng vai trò là cầu nối tự nhiên đến Địa Trung Hải, từ đó mở rộng phạm vi ảnh hưởng chính trị và kinh tế của họ.