Lý do khiến Philippines có nguy cơ trở thành 'Vương quốc' tiếp theo của IS?

Có nhiều dấu hiệu cho thấy tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang tìm kiếm cơ hội xây dựng “vương quốc” mới của mình tại Philippines.

Dòng chữ bằng sơn đỏ "IS - Thần tượng" xuất hiện tại thành phố Marawi, Philippines. Ảnh: Global Look Press

Theo nhiều sự kiện lịch sử, IS đi đến đâu, Mỹ sẽ có mặt ở đó. Nhiều người không để ý bên cạnh việc chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama triển khai chiến dịch đánh bom ít nhất 7 quốc gia Hồi giáo tại Trung Đông, thì ông cũng có lần bí mật ra lệnh dùng máy bay không người lái thả bom xuống phiến quân Hồi giáo tại ngôi làng Taugus ở miền Nam Philippines vào tháng 2/2012.

Trước đó, Chiến dịch Tự do Vĩnh cửu Philippines (Operation Enduring Freedom Philippines), triển khai không lâu sau vụ tấn công thảm khốc 11/9 làm cả nước Mỹ rung chuyển vào năm 2001, được coi là nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố lớn nhất của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương.

Khi các thành phần nổi dậy tại Philippines lấy cảm hứng từ khủng bố IS liên tiếp gây ra các vụ tấn công vào năm ngoái, quân đội Mỹ đã giúp chính quyền địa phương nhanh chóng tiêu diệt. Điều bất ngờ ở chỗ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không thực sự cho phép Mỹ can thiệp quân sự vào đất nước của ông, đánh dấu bước chuyển hướng mới muốn rời xa Mỹ và tập trung kết thân hơn với các cường quốc khác như Nga và Trung Quốc.

Tuy nhiên về phần mình, Mỹ nhìn nhận quan hệ với Philippines không hề giảm sút mà thậm chí còn vững bền hơn theo thời gian.

Tạp chí Military Times dẫn lời tuyên bố của Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Trung tá Christopher Logan, cuối năm ngoái đưa tin: “Chính phủ hai nước Philippines và Mỹ vẫn duy trì sự kiên địch trong hợp tác đồng minh và cam kết chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực tại Philippines nói riêng và Đông Nam Á nói chung”.

Trong suốt 8 năm qua, Mỹ cho biết đã chi 1 tỷ USD để hỗ trợ cho Philippines, bao gồm 85 triệu USD cho các việc huấn luyện lực lượng địa phương và cung cấp trang thiết bị liên quan đến các hoạt động chống khủng bố.

Hiện có 23 nhóm vũ trang Philippines hoạt động với băng rôn khẩu hiệu khẳng định mình là “IS Philippines”. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã liệt "IS Philippines" và 6 tổ chức cực đoan Hồi giáo khác vào danh sách khủng bố cần tiêu diệt của Mỹ vào tháng 2 năm nay.

Theo cảnh báo của giới phân tích, khi IS bị đánh bại tại Iraq và Syria, tại Philippines đã xuất hiện các phần tử thánh chiến nước ngoài tới đây với mục đích chiêu mộ các tay súng và tấn công các thị trấn ở Philippines. Cuối tháng 2, giới chức quân sự Philippines cảnh báo IS đã tập hợp được một lực lượng xấp xỉ 200 tay súng ở Minadao với mục đích thành lập vương quốc mới, và đây sẽ là bàn đạp để chúng thực hiện các cuộc tấn công tiến sâu vào trong đất nước.

Làm thế nào IS xuất hiện tại Philippines?

Đầu tiên phải kể đến lịch sử đấu tranh chống lại các cường quốc đi xâm chiếm thuộc địa của người dân Philippines.

Năm ngoái, kẻ thù lớn nhất của lực lượng quân đội Philippines thực sự không phải là IS mà là một tổ chức có tên gọi Maute. Maute có tiền thân là lực lượng Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF), nhóm phiến quân ly khai lớn nhất Philippines, kết hợp với việc chiêu mộ các tay súng nước ngoài.

Phong trào MILF thực sự đã phát triển vượt ra ngoài quy mô của một phong trào li khai, với ý muốn thành lập một Nhà nước Hồi giáo độc lập cho bộ phận người Philippines sắc tộc Hồi giáo thiểu số - đối tượng trong hàng thế kỷ qua phải chứng kiến các cuộc giao tranh với người Tây Ban Nha, người Mỹ và các đời chính quyền Philippines, quốc gia có người Công giáo chiếm đa số (khoảng 80%).

Theo một tay súng ly khai Hồi giáo, nếu Chính phủ Philippines không cho phép các khu vực cộng đồng người Hồi giáo sinh sống quyền tự trị lớn hơn, các cuộc giao tranh sẽ không bao giờ chấm dứt.

Yếu tố thứ hai góp phần khiến các phần tử IS xuất hiện tại Philippines là thành phần các tay súng gia nhập tổ chức IS tại Trung Đông từ trước đến nay. Theo thống kê trong một tài liệu của WikiLeaks, hiện có ít nhất 1.200 người Đông Nam Á, trong đó có 200 người Philippines, đến Trung Đông gia nhập IS.

Trong khi đó, giới chức lo ngại Philippines không siết chặt việc kiểm soát biên giới, đặc biệt là cửa ngõ phía Nam của đảo Mindanao, miền Nam nước này. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các băng đảng tội phạm và khủng bố đến và đi mà không vấp phải khó khăn gì.

Nguồn hỗ trợ tài chính cho các nhóm khủng bố tại Philippines cũng là một điều đáng quan tâm. Theo WikiLeaks, các doanh nhân gốc Saudi có liên quan tới các phi vụ che giấu các khoản tài chính chuyển từ tổ chức khủng bố khét tiếng al-Qaeda sang cho nhóm cực đoan Abu Sayyaf – một trong những nhóm thánh chiến nhỏ nhưng nguy hiểm nhất ở miền Nam Philippines với hàng loạt vụ cướp, bắt cóc tống tiền, tấn công thường dân.

Với hàng tỷ USD đầu tư xây dựng “nhà thờ, trường học và trung tâm văn hóa Sunni” đến từ Saudi Arabia, tại Philippines, các cơ sở này được sử dụng với mục đích là nơi dạy trẻ em đạo Hồi về những ý nghĩa cực đoan trong kinh thánh Koran.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Quân đội Philippines thành lập Bộ tư lệnh hành động đặc biệt
Quân đội Philippines thành lập Bộ tư lệnh hành động đặc biệt

Philippines đã quyết định thống nhất tất cả các đơn vị hành động đặt biệt trong quân đội thành Bộ tư lệnh hành động đặc biệt (Socom).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN