Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. |
Theo tạp chí Foreign Policy, ngày 4/7 vừa qua là một dấu mốc tồi tệ trong chính sách Triều Tiên của Washington, không chỉ vì Bình Nhưỡng đã phóng thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Hôm đó cũng diễn ra một cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Moskva. Tại buổi hội đàm, hai nhà lãnh đạo cùng bày tỏ sự ủng hộ đối với một giải pháp làm giảm leo thang tình hình liên Triều, có thể bao gồm một lệnh đóng băng chương trình vũ khí hạt nhân và tập trận quy mô lớn giữa Mỹ - Hàn Quốc.
Mỹ thì tiếp tục theo đuổi một cách tiếp cận khác. Nhiều tháng qua, Washington đã gia tăng gây áp lực lên Bắc Kinh để hối thúc nước này giúp tháo ngòi nổ cho chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Tuần trước, sau khi chính quyền Trump kết luận rằng Trung Quốc đang hoạt động theo ý riêng và sẽ không giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, Washington đã quyết định áp đặt trừng phạt một số công ty và cá nhân của Bắc Kinh làm ăn với phía Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng nỗ lực kéo Nga vào công cuộc tìm kiếm phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Sau sự việc một quả tên lửa Triều Tiên rơi xuống vùng ngoài khơi cảng Vladivostok của Nga trên Thái Bình Dương hồi tháng 5, Điện Kremlin đã ra tuyên bố: “Với tác động tên lửa rất gần với đất Nga – trên thực tế, gần Nga hơn Nhật Bản – ngài Tổng thống không thể hình dung rằng Nga thấy hài lòng”.
Thực sự thì Moskva không quá lo ngại về tên lửa Triều Tiên, mặc dù nước này cũng muốn Bán đảo Triều Tiên được phi hạt nhân hóa. Nga tin giải pháp duy nhất cho xung đột giữa hai miền liên Triều là thông qua các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng – điều có thể đảm bảo cho chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Moskva ủng hộ việc áp đặt các hạn chế lên chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng song lại bày tỏ sự thận trọng trước những biện pháp trừng phạt và kiên quyết phản đối mục tiêu thay đổi chế độ tại Triều Tiên. Động thái này đặt Nga vào tình thế bất đồng với Mỹ, cũng như đóng vai trò như một rào cản cơ bản đối với các nỗ lực quốc tế.
Giữa Nga và Triều Tiên tồn tại nhiều mối quan hệ kinh tế đến bất ngờ. Sản phẩm thương mại giữa hai nước bao gồm than đá và dầu mỏ, đặc biệt giá trị đối với quốc gia nghèo năng lượng như Triều Tiên. Mặc dù các số liệu không rõ ràng, nhưng có rất nhiều sinh viên Triều Tiên sang Nga học tập. Một số chuyên gia cho rằng thương mại giữa Nga và Triều Tiên sẽ tăng lên nếu các lệnh cấm vận của Mỹ và Liên hợp quốc bị dỡ bỏ, cũng như Triều Tiên chịu mở cửa nền kinh tế.
Nhìn lại, nguyên nhân chính để Nga giữ quan điểm “bình chân như vại” với Triều Tiên chính là cách Kremlin giải mã hành động của Bình Nhưỡng một cách khác biệt với Washington cùng các đồng minh. Nga từ lâu đã giữ một quan điểm lạc quan về chế độ lãnh đạo của ông Kim Jong-un hơn hẳn Mỹ, bất kể việc cùng chung một đoạn biên giới nhỏ với nước này.
Một tên lửa đạn đạo của Triều Tiên được phóng tại bờ biển thành phố Wonsan và bay được khoảng 200km. Ảnh: REUTERS/TTXVN |
Điện Kremlin tin rằng chế độ của ông Kim Jong-un có phần kỳ lạ, song vẫn hợp lý. Ông Kim Jong-un sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng các nhà phân tích Nga nhận định nhà lãnh đạo Triều Tiên hiểu rõ bất cứ hành động khiêu khích sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ dẫn đến một cuộc tấn công hạt nhân bởi Mỹ, làm ông mất mạng và phá hủy đất nước của ông. Dựa trên quan điểm của Nga, mối lo ngại hai bên sẽ phá hủy lẫn nhau - từng ngăn chặn được việc sử dụng vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh - cũng sẽ ngăn được Triều Tiên ra quyết định tấn công. Vì vậy, giới quan sát Nga biện luận rằng chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ giúp bình ổn tình hình bằng cách cho Bình Nhưỡng thêm tự tin về an ninh của nước này và ngăn cản Mỹ tiến hành một cuộc tấn công quân sự.
Ngoài ra, chính phủ Nga cũng còn các lý do khác để giữ một vị trí khác biệt với Mỹ trong vấn đề Triều Tiên. Giống với Bắc Kinh, Moskva chẳng được lợi gì nếu chính quyền hiện nay của Bình Nhưỡng bị thay thế bởi một nước Hàn Quốc thống nhất thân cận với hay Mỹ. Cùng với Trung Quốc, Nga đã lên tiếng chỉ trích hoạt động triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ tại Hàn Quốc. Cho tới khi nào Washington còn chú trọng tới khu vực Đông Á thì nước này sẽ giảm bớt sự để ý tới các xung đột hậu Xô Viết – điều được Moskva ưu tiên hàng đầu.
Nhờ có chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, không kể đến rất nhiều vũ khí thông thường sẵn sàng tầm với tới Seoul, Nga cho rằng các lời đe dọa của Tổng thống Trump về một cuộc tấn công quân sự vào Triều Tiên cũng nguy hiểm như việc Triều Tiên tấn công Mỹ. Ngay cả
các lệnh trừng phạt của phương Tây, theo quan điểm của Nga, cũng không thể thay đổi được mục tiêu theo đuổi vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, mặc dù nước này có thể đóng một vài vai trò trong việc đóng băng hoạt động thử nghiệm hay ngăn chặn phát triển xa hơn. Triều Tiên đã chứng tỏ đất nước này có thể sống sót qua một cuộc suy thoái kinh tế và nạn đói trầm trọng. Vậy, theo Nga, vì đâu người Mỹ vẫn tin là siết chặt cấm vận kinh tế hơn nữa có thể thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân – lá chắn duy nhất nước này có để chống lại một vụ tấn công của Mỹ?
Điều này đã đặt gánh nặng hành động lên chính Washington. Mỹ không ký hiệp ước hòa bình để kết thúc chiến tranh Triều Tiên, các học giả Nga lưu ý, trong khi tiếp tục đe đọa quân sự với Bình Nhưỡng. Sau vụ thử tên lửa mới nhất tại Triều Tiên, Tổng thống Putin đã lên án hành động của Bình Nhưỡng, đồng thời bày tỏ ủng hộ đối với lời kêu gọi của Bắc Kinh rằng cả Bình Nhưỡng và Washinton phải thay đổi tình hình.